Viettel là nhà mạng đầu tiên đấu giá thành công quyền sử dụng tần số 5G tại Việt Nam, với số tiền vượt mức khởi điểm 3,9 nghìn tỷ đồng.
Chiều 8/3, cuộc đấu giá quyền sử dụng khối băng tần đầu tiên là B1 (2500-2600 MHz) đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của ba doanh nghiệp. Tối cùng ngày, Viettel thông báo đấu giá thành công, thời hạn sử dụng 15 năm.
Khối băng tần B1 được Bộ Thông tin và Truyền thông quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn 5G, 4G và các công nghệ tiếp theo. Theo yêu cầu, doanh nghiệp trúng đấu giá phải triển khai dịch vụ trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép và sau hai năm phải có tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G.
Việc một doanh nghiệp đấu giá thành công quyền sử dụng một khối băng tần có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là lần đầu Việt Nam tổ chức đấu giá thành công cho tài nguyên này. Ngoài ra, kết quả cũng mở đường cho việc triển khai mạng thế hệ mới tại Việt Nam, vốn bị trì hoãn kéo dài, mà một trong các nguyên nhân là chưa có tần số.
Ngoài khối B1, hai khối băng tần khác là C2 (3700-3800 MHz) và C3 (3800-3900 MHz), có giá khởi điểm hơn 1,956 nghìn tỷ đồng, sẽ được đấu giá ngày 19/3 và 14/3.
Sau cuộc đấu giá, Viettel cho biết băng tần này “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi là băng tần hiệu quả để triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và 5G”, từ đó chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Băng tần cũng tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3500 MHz). Ngoài ra, đây cũng là điều kiện cần thiết để tập đoàn này đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới.
“Viettel dự kiến khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất”, nhà mạng nói và cho biết các thiết bị 5G tự nghiên cứu và sản xuất đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2500-2600 MHz.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021-2030, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu là 100 Mbps cho mạng 5G. Đến 2030, 5G phủ sóng 99% dân số.
Chủ đề năm 2024 được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là “phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số”. Tại sự kiện tổng kết năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. 2024 cũng được ấn định là năm sẽ triển khai chính thức 5G tại Việt Nam.
Việc thử nghiệm thương mại 5G đã được thực hiện từ năm 2020 tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Tính đến hết 2023, Việt Nam cũng phát triển thành công thiết bị viễn thông 5G, triển khai thử nghiệm trên mạng lưới diện rộng 300 trạm, làm chủ 100% công nghệ lõi, trở thành một trong số năm quốc gia sản xuất và cung cấp thiết bị 5G thương mại.