Về trang chủ Chưa được phân loại Nhà khoa học của nhà nông: Nhà sáng tạo từ chối 4 tỷ đổi giống lúa

Nhà khoa học của nhà nông: Nhà sáng tạo từ chối 4 tỷ đổi giống lúa

Vừa được vinh danh là “Nhà khoa học của nhà nông”, ông Nguyễn Anh Dũng (49 tuổi, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết đây là sự ghi nhận mà ông cảm thấy mãn nguyện nhất, dù rằng số bằng khen từ huyện, tỉnh, trung ương của ông rất nhiều.

Với người nông dân đam mê lai tạo ra những giống lúa, chính quãng thời gian tỉ mẩn tìm ra một giống tốt được bà con sử dụng rộng rãi, mang lại vụ mùa bội thu là không gì quý giá bằng.

“Giảng viên” nông dân
Năm 2000, ông Dũng xuất ngũ với hai bàn tay trắng và chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ trở thành người lai tạo giống lúa. Khi ấy, ông cần mẫn trên ruộng đồng, làm ra hạt gạo nuôi gia đình, nhưng khác với những nông dân khác, ông rất nhanh nhạy và chịu đổi mới.

Ông Dũng (bìa phải) cùng 2 kỹ sư của HTX quan sát dòng phân ly mới của giống LD2012.

Năm 2003, kỹ thuật sạ hàng còn khá mới mẻ, nhiều nhà nông e dè áp dụng thì ông xung phong thử nghiệm.

Rồi cơ duyên đến khi phòng nông nghiệp huyện qua nhiều buổi tập huấn phát hiện ông học rất nhanh, mạnh dạn, lại có khả năng “nói người khác nghe” nên gợi ý: “Dũng có muốn đi tập huấn về trồng lúa rồi hướng dẫn lại bà con hay không?”. Ông gật đầu cái rụp với suy nghĩ mình cần kiến thức.

Trở về sau chuyến học tập, ông bắt đầu trở thành “giảng viên” nông dân để hướng dẫn lại nông dân. Và trong những tháng ngày mày mò học hỏi, va chạm thực tế và trước những trăn trở làm sao để làm giàu từ hạt lúa, ông bắt tay nghiên cứu lai tạo ra những giống lúa mới.

“Điểm yếu của nông dân mình là làm những thứ quen thuộc, chỉ làm cái mình có chứ không bắt kịp thị trường đang cần gì. Thêm nữa, tui cứ trăn trở hoài sao quê mình, tỉnh mình không có giống lúa nào đặc sản, nhắc đến giống lúa là người ta nhớ ngay tới Đồng Tháp” – ông Dũng chia sẻ.

Gần 20 năm sau ngày bắt tay làm nông, ông được Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế – IRRI công nhận là “Nông dân bảo tồn đa dạng sinh học giống lúa ĐBSCL”. Cuộc thi Nông dân trồng lúa giỏi khu vực ĐBSCL, ông đoạt giải nhất.

Gần đây nhất là cuộc thi Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, ông cũng “ẵm” luôn giải nhất và phần thưởng là một chuyến học tập kinh nghiệm ở Thái Lan.

Nhưng có lẽ với ông Dũng, thành công nhất đó là những “đứa con” do chính ông lai tạo – giống lúa Ngọc đỏ hương dứa, ND3, LD2012 được người dân tin tưởng sử dụng. Ông và những nông dân cùng chí hướng cũng thành lập HTX nông nghiệp Định An, ông được tin tưởng bầu làm giám đốc HTX.

Hiện nay, các giống lúa do ông lai tạo thành công cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn/năm. Nếu so với các công ty chuyên cung cấp giống, con số ấy không là gì nhưng sẽ chẳng phải nhỏ với quy mô một HTX. Riêng các giống lúa Ngọc đỏ hương dứa, ND3, LD2012 được doanh nghiệp đặt hàng bao tiêu hơn 200ha/năm.

Đam mê lai tạo những giống lúa mới có giá trị cao, ông Dũng được người trong vùng xem là “người tình của lúa”.

Từ chối 4 tỉ để bán đứt giống lúa
Trong gia tài giống lúa của mình, ông Dũng ưng ý và cưng “đứa con” Ngọc đỏ hương dứa nhứt hạng.

“Lúc đầu làm giống lúa với tâm niệm làm sao phải có giống riêng của Lấp Vò, thích nghi khí hậu, thổ nhưỡng. Tôi lai từ LD2012 để chọn ra giống ngắn ngày, ít sâu bệnh, năng suất tốt. Rồi trong số này tình cờ phát hiện một bụi lúa đặc biệt – cái gì của nó cũng khác người ta: có mùi thơm hương dứa tự nhiên, màu đỏ, thời gian sinh trưởng 90-95 ngày. Tôi quá thích nên xây nhà lưới đem nó vào chăm sóc, cưng như trứng mỏng” – ông Dũng nhớ lại.

Tìm được giống tốt là một lẽ, nhưng để thị trường và người tiêu dùng chấp nhận là một lẽ khác. Sau khi mẻ gạo Ngọc đỏ hương dứa ra lò, ông Dũng với phương châm “cho đi rồi có ngày sẽ nhận lại” đã mang gạo đi biếu khắp nơi, từ bác xe ôm, người trong vùng, người xứ khác đến, lãnh đạo xã, huyện, tỉnh.

“Đúng 3 tháng sau họ quay lại đặt hàng. Ban đầu chỉ mấy giạ, rồi dần dà lên đến mười mấy tấn gạo một vụ. Quá sướng luôn” – ông kể.

Hiện tại, giống lúa được ví là lúa dược liệu này được doanh nghiệp đặt hàng sản xuất 150ha với giá cao ngất 7.500 đồng/kg. Nhưng có một giai thoại mà nhiều người chưa được biết, đó là khi giống lúa chào đời vì đặc tính quá nổi trội của nó, một doanh nghiệp đã đề nghị “mua đứt” với giá 4 tỉ đồng.

Vậy mà ông Dũng từ chối nhẹ tênh: “Bán rồi tui trở thành tỉ phú, nhưng người dân xứ Lấp Vò đâu có được hưởng lợi. Tui đề nghị doanh nghiệp ấy ký hợp đồng bao tiêu độc quyền. Tui sẽ đứng ra tập hợp nông dân sản xuất lúa”.

Ngọc đỏ hương dứa mang lại cho ông Dũng niềm vui, nhưng cũng chính giống lúa này cho ông nỗi đau và nhiều bài học thấm thía. Số là sau vài vụ hợp tác bao tiêu với doanh nghiệp thuận buồm xuôi gió, vào cuối năm 2016 sự cố ập đến. Doanh nghiệp đến chở lúa của người dân đi, nhưng “lặn mất tăm” không quyết toán tiền.

Bà con nóng ruột quay sang trách móc, đổ thừa ông “cõng rắn cắn gà nhà” để bà con ôm nợ. Sau đó, doanh nghiệp vẫn trả đủ tiền dù muộn màng, nhưng uy tín của ông sụt giảm nghiêm trọng, khó gỡ gạc trong ngày một ngày hai.

Hiện nay, 150ha lúa Ngọc đỏ hương dứa được bao tiêu, chỉ hơn 10ha ở Lấp Vò còn lại ông phải bôn ba sang các huyện khác hợp tác với người dân, nhưng dặn lòng hễ một nông dân ở Lấp Vò chịu làm ông vẫn sẵn sàng hợp tác.

Tìm giống lúa cho làng bột quê hương
Không chỉ tự tìm cách tiếp thị, tự tìm thị trường cho hạt gạo mình làm ra, ông Dũng còn mày mò học vi tính từ con số 0. Rồi ông tích cực tổ chức hội thảo làm cầu nối giữa các nhà khoa học và nông dân xứ mình. Có thời điểm hội thảo do HTX của ông tổ chức quy tụ cả ngàn người. Các thửa ruộng của HTX, những nhà lưới lai tạo giống của ông trở thành nơi thực tập của rất nhiều sinh viên…

“Giờ tui chỉ còn hai tâm nguyện. Một là tiếp tục truyền lại đam mê, nhiệt huyết với giống lúa cho thế hệ trẻ. Hai là tìm được giống gạo chuyên dùng cho làng bột Sa Đéc, Châu Thành” – ông Dũng tâm tư.

Ông Dũng đã khảo sát và phần lớn các cơ sở sản xuất bột đều sử dụng gạo giống IR50404, tuy nhiên khởi nguồn của giống này là từ giống của IRRI. Ông ước muốn làm sao làng bột sử dụng nguyên liệu từ giống lúa đặc sản của địa phương, do người địa phương làm ra. Để từ đó không chỉ mang lại thị trường lớn cho nông dân tỉnh nhà mà còn giúp làng bột dễ dàng hơn trong khâu quảng bá, tiếp thị, xây dựng các chỉ dẫn địa lý…

“Hiện tại giống này đã ra F4 rồi. Đã tìm được một dòng tốt, năng suất tốt, gạo trong, ăn rất ngon. Đang cấy khoảng 1.000m2 ngoài đồng kìa, giờ chỉ cần thử nghiệm hàm lượng amilo nếu đạt thì có thể đưa đi tiếp thị” – ông Dũng sôi nổi với dự án sắp cho kết quả.

Gặp khó không nản chí
Ông Nguyễn Văn Nguyện -Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, nhận xét ông Dũng là nông dân tiêu biểu của tỉnh về tinh thần học hỏi, chịu khó mày mò tìm ra giống mới.

“Hiện tại giống Ngọc đỏ hương dứa là nổi nhất. Anh Dũng còn rất năng động đi các nơi tìm thị trường chứ không phải ngồi chờ doanh nghiệp đến mua. Khi gặp khó khăn ảnh cũng không nản chí, mà quyết tâm làm đến cùng. Nông dân như ảnh là nhân tố quan trọng trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh” – ông Nguyện chia sẻ.
Theo Tuoitre
https://eltimes.vn/dh-su-pham-tp-hcm-hai-nu-sinh-chup-anh-ky-yeu-phan-cam/

Vụ giáo viên-kiểm lâm-ngân hàng dự tiệc ma túy: Khởi tố 3 đối tượng tội tàng trữ

Quảng Bình: Nửa đêm, con rể dìm mẹ vợ xuống ruộng cho đến chết vì nghi ma nhập

Bình Thuận: Xe giường nằm tông vào xe tải làm nhiều người thương vong

Có thể bạn quan tâm