Thông tin HĐND TP.HCM họp bất thường để biểu quyết một chuyện bất thường: Xây dựng nhà hát giao hưởng-nhạc-vũ kịch với số tiền lên đến hơn 1.500 tỷ đồng. Nhà hát nghe nói to ơi là to, bà con ai chưa đủ sức tưởng tượng thì cứ nghĩ nó như cái… chợ đầu mối nông sản xứ mình, có thể chứa cả ngàn người cùng mua bán, nhộn nhạo… một lúc. Bà con chớ lo, chợ đầu mối thì có đầu gấu bảo kê, chứ còn nhà hát thì chắc là vô cùng văn hóa, vì còn phải làm mẫu “văn hóa” cho chợ đầu mối học tập.
Thông tin này nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của người dự khán. Phía am tường thì khấp khởi mừng và nhiệt liệt tán thưởng cho một quyết định táo bạo. Đây sẽ là một thánh đường nghệ thuật tầm cỡ thế giới. Còn nhớ cách đây ít lâu, người ta dự định xây dựng một tháp truyền hình cũng tầm cỡ thế giới, cũng may là chưa kịp động thổ thì phát hiện ra rằng, trong thời đại 4.0 này không ai chú trọng việc phát truyền hình bằng tháp nữa, mà hoặc là “từ trên trời” phát xuống, hoặc là đi theo dây cáp vào đến tận giường ngủ. Mém tí là làm chuyện ngớ ngẩn cho thiên hạ họ cười !
Thông tin xây nhà hát nghìn tỷ rộ trên các báo hôm trước thì hôm sau cả miền Đông-miền Tây Nam bộ ngập chìm trong con nước triều tháng chín. Nước ngập lênh láng khắp nơi, nước ùn ùn kéo về như để “nhiệt liệt chào mừng” một quyết định mang tính lịch sử của HĐND TP.HCM. Bởi dự án chống ngập ở TP.HCM đã bị dừng lại, để cho thủy thần ngông ngênh dọc ngang khắp thành phố như chỗ không người. Đến cả khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, nơi được đóng xấu xác nhận là đô thị kiểu mẫu, cũng chìm trong biển nước thì chuyện chống ngập xem như là vỡ trận toàn tập rồi còn gì. Nhà hát ơi, ta hân hoan chào mi!
Thông tin nhà hát lại rộ cùng lúc với thông tin cuộc khủng hoảng thừa mang tính thập kỷ của trái thanh long. Trái thanh long nhuộm hồng cả Sài Gòn. Có người hỏi: Ủa! Trái thanh long thì liên quan gì đến nhà hát nghìn tỷ ? Vậy thì xem thử chúng nó có “bà con” gì với nhau không nhé. Hiện tại, thanh long nói riêng và nông sản nói chung (bao gồm luôn cả cây cà phê của Đấng thông linh N.V) hễ được mùa là mất giá, nguyên nhân đơn giản là vì công nghệ bảo quản sau thu hoạch quá kém cỏi. Công nghệ sản xuất cũng kém nốt nên đành “lấy cần cù, bù thông minh”, hàng mình không tốt thì cố mà làm ra thật nhiều để bù lại. Lượng sản phẩm nhiều vô số kể, cộng với việc phải tiêu dùng ngay vì không bảo quản được lâu, cho nên khi khách hàng lật kèo một cái là cả đồng cả làng khóc ròng, và thực tế đang là như vậy.
Sài Gòn tự hào là trung tâm tri thức, giới học thuật đã làm được gì để thay đổi thực trạng “lấy cần cù, bù thông minh”, thanh long Nhật Bản giá cả triệu còn thanh long Việt chỉ có vài ngàn mà không thấy mắc cỡ sao ? Hàng năm, các viện nghiên cứu nghiệm thu hàng loạt công trình khoa học, liệu có mấy công trình mang đến giá trị thực tiễn.
Nhìn qua âm nhạc thấy cũng vậy. Người ta đang tranh nhau đẻ ra những sản phẩm nhạc phim, ca khúc rẻ tiền… nhắm vào thị hiếu tức thì. Có thấy cho ra được mấy tác phẩm kinh điển đâu mà cần có nhà hát “kinh điển” để trình diễn. Chuyện xây dựng nên một thế hệ nhạc sĩ kinh điển, đồng hành đó là thế hệ người nghe, người cảm thụ “kinh điển” tính bằng hàng chục năm, là câu chuyện trồng người. Còn việc tạo ra nhà hát bằng bê tông cốt thép thì với công nghệ xây dựng hiện nay, có thể thực hiện trong vài nốt nhạc.
Ở đây nhìn xéo qua bóng đá một chút. Ông bầu Đoàn Nguyên Đức cố công tạo dựng học viện bóng đá, nhờ đó mà ngày nay có được lứa cầu thủ thượng thừa, cờ Việt Nam có dịp nhuộm đỏ trên khán đài quốc tế. Nếu ông bầu này xây dựng sân bóng đẳng cấp quốc tế trên phố núi của ông, thì đến nay số phận của nó… ôi thôi không dám nghĩ tới nữa. Cái nhà hát nghìn tỷ cũng vậy, cũng không dám nghĩ đến !
Nông sản nhiệt đới xứ mình vốn nhờ thiên nhiên mà thành sản vật hấp dẫn, vậy mà còn bị hành cho “lên bờ xuống ruộng”, bởi trong thời đại 4.0 thì như thế là chưa đủ, mà cần phải bơm thêm nhiều hàm lượng tri thức vào đó. Loại hình giao hưởng-vũ kịch của ta vốn không chứa cái ưu thế gì, chiến lược trồng người có tri thức thụ cảm âm nhạc cũng không thấy triển khai, giờ xây cái nhà hát to như cái chợ đầu mối thì liệu có được món hàng gì quý để mà bỏ mối ?
Trong công cuộc tạo dựng bóng đá, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã áp dụng chiến thuật vươn ra để kéo về. Cầu thủ Việt Nam vươn ra thi đấu tầm khu vực, tầm châu lục… để kéo các trận đấu tầm khu vực, tầm châu lục về Việt Nam. Một khi cầu thủ chúng ta đạt tầm thế giới, đòi hỏi từ thực tế khách quan thì tự nhiên chúng ta sẽ có cơ sở vật chất tầm thế giới mà không phải mất thời gian họp bàn. Sao trong âm nhạc không đi theo quy trình như thế nhỉ ?
Nhân vụ cô ca sĩ L. đòi kiện cộng đồng mạng vì đã xúc xiểm chuyện cô ủng hộ xây nhà hát, xin được lạm bàn một chút về học thuật. Cô L. nói rằng : ” Nghệ thuật làm mọi người sống hiền hoà và yêu thương và cả tha thứ. Là một nghệ sĩ, tôi vui mừng khi biết có một nhà hát sắp được xây dựng, đồng nghĩa với việc nhiều chương trình nghệ thuật sẽ được ra mắt, các dàn nhạc lớn sẽ đến Việt Nam. Nếu không có ai cho thế hệ trẻ biết cái hay, cái đẹp thì khi lớn lên, không biết đến niềm vui, không biết ước mơ, như vậy thì thật đáng buồn!”.
Cô L. nói hoàn toàn đúng nhưng coi chừng bị đánh tráo khái niệm. Những điều cô nói là nhiệm vụ của ngành giáo dục, của chiến lược trồng người, họ phải đưa âm nhạc vào trường học để xây dựng thế hệ biết thụ cảm âm nhạc (cũng như mỹ thuật, kiến trúc, văn hóa…). Còn cái nhà hát chỉ là thứ bê tông cốt thép vô tri, sao cô L. nỡ giao cho nó nhiệm vụ bất khả thi đến vậy !? Những con người không hề biết gì về nghệ thuật giao hưởng (như tác giả bài viết này chẳng hạn), những người nông dân khóc ròng giữa mùa thất thu… liệu họ có thể bước nửa bàn chân vào cái nhà hát hoành tráng đó hay không ?
Theo Phạm Phước Vinh -Langmoi.vn
http://langmoi.vn/nha-hat-nghin-ty-va-trai-thanh-long-nghin-dong/
Biệt thự ca sĩ Mỹ Linh: Xẻ thịt đất rừng là công trình vi phạm lớn