Theo các chuyên gia, với việc để lộ, lọt thông tin sao kê tài khoản của Hoài Linh, ngân hàng có thể bị phạt hành chính, còn nhân viên làm lộ, lọt thông tin có thể phạm tội hình sự.
Mới đây, Ngân hàng Quân đội (MB) đã xác nhận một nhân viên đang làm việc tại ngân hàng này đã làm lộ thông tin sao kê tài khoản của nghệ sĩ Hoài Linh. Sau đó, lãnh đạo ngân hàng MB đã ra quyết định đình chỉ công việc của cá nhân vi phạm và sẽ tổ chức thi hành kỷ luật. Đồng thời, ngân hàng cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét.
Vậy hành vi của nhân viên này vi phạm gì và theo quy định của pháp luật, người này sẽ bị xử lý ra sao?
NSƯT Hoài Linh thực hiện clip nói về số tiền từ thiện vào ngày 21-5.
Ảnh: Cắt từ clip nhân vật cung cấpNhân viên vi phạm và trách nhiệm của ngân hàng
ThS Nguyễn Thị Thương (giảng viên Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Luật TP.HCM) cho biết: Theo Nghị định 117/2018 (quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thì thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về giao dịch phát sinh trong quá trình khách hàng đề nghị hoặc được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng các nghiệp vụ ngân hàng, sản phẩm, dịch vụ là các thông tin mà Ngân hàng phải có nghĩa vụ giữ bí mật và chỉ được cung cấp cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định.
Ngân hàng căn cứ theo quy định của pháp luật bắt buộc phải ban hành Quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng và áp dụng tại Ngân hàng của mình.
Cạnh đó, theo ThS Thương, Điều 6 Thông tư 23/2014 của Ngân hàng Nhà nước (hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 16/2020 của Ngân hàng Nhà nước) quy định: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ đảm bảo bí mật các thông tin liên quan đến tài khoản thanh toán và giao dịch trên tài khoản thanh toán của chủ tài khoản theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, việc nhân viên của ngân hàng MB tiết lộ thông tin lịch sử giao dịch trên tài khoản Võ Nguyễn Hoài Linh (được cho là của nghệ sĩ Hoài Linh) mở tại ngân hàng này là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng. Đồng thời, người này vi phạm nghĩa vụ đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến tài khoản thanh toán và giao dịch trên tài khoản thanh toán đối với chủ tài khoản là Võ Nguyễn Hoài Linh.
Tuy nhiên, nhân viên này tiếp cận được các thông tin trên tài khoản của Võ Nguyễn Hoài Linh dựa trên vị trí công việc và trong thời gian làm việc tại ngân hàng MB. Do đó, Ngân hàng MB là chủ thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng đối với việc nhân viên để lộ thông tin tài khoản của khách hàng.
Còn đối với hành vi vi phạm của nhân viên ngân hàng, ngoài việc phải chịu xử lý kỷ luật lao động còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng theo quy định của Hợp đồng lao động, Bộ Luật lao động và Quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng của ngân hàng này.
Về phía khách hàng sử dụng tài khoản, theo ThS Thương, do MB đã vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin, do đó căn cứ theo Hợp đồng cung ứng dịch vụ thanh toán và quy định của pháp luật, MB phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) cho khách hàng phát sinh từ hành vi để lộ thông tin của mình.
Ngoài ra, MB còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng (gấp đôi mức phạt đối với cá nhân) theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 47 Nghị định 88/2019 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).
Khả năng đối diện trách nhiệm hình sự
Phân tích thêm, Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý (Điều 21 Hiến pháp 2013 và Điều 38 BLDS 2015).
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng, Điều 38 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Điều 14 Luật Các tổ chức Tín dụng, cá nhân có quyền được bảo đảm bí mật về thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch khi gửi tiền, giao dịch tại ngân hàng.
Theo đó, việc tiết lộ các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng và các giao dịch chuyển tiền của cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Vì vậy, theo LS Như, căn cứ theo Điều 13 Nghị định 117/2018, khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp thông tin của mình bị cung cấp, sử dụng không đúng quy định của pháp luật.
Đồng tình, LS Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP.HCM) còn cho rằng người bị xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan thẩm quyền buộc người đó chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của BLDS.
Cũng theo LS Quỳnh Như, ngoài việc bị xử phạt theo Khoản 4 Điều 47 Nghị định 88/2019 như ThS Thương đã nói, thì tùy vào mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm, cá nhân có hành vi công khai các thông tin cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015.
Không có dấu hiệu của tội liên quan đến tài khoản ngân hàngCó ý kiến cho rằng hành vi của nhân viên ngân hàng MB có dấu hiệu của tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng theo Điều 291 BLHS 2015. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà báo PLO, hành vi của người nhân viên này không có dấu hiệu phạm vào tội này.Bởi lẽ, khoản 1 Điều 291 BLHS 2015 quy định: Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Trong khi đó, người nhân viên này chỉ làm lộ, lọt thông tin của một tài khoản (của Hoài Linh) nên không thỏa mãn quy định của tội danh này.
Theo YẾN CHÂU (PLO)