Về trang chủ Văn hóa Người dọn rác giúp khai quật những bức tượng đồng cổ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên

Người dọn rác giúp khai quật những bức tượng đồng cổ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên

Một trong những phát hiện khảo cổ đáng chú ý nhất của Ý trong nhiều thập kỷ được trưng bày trong tháng 6.2023 là những bức tượng thuộc nền văn minh Etruscan và La Mã, được kéo lên từ bùn ở Tuscany, một phần nhờ vào trực giác của một người dọn rác đã nghỉ hưu.

Khoảng 20 bức tượng đồng từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, được lấy ra từ tàn tích của một spa cổ đại, sẽ được trưng bày tại Cung điện Quirinale, Rome từ ngày 22.6, sau nhiều tháng trùng tu.

Bức tượng đồng cao 90 cm

Khi phát hiện được công bố vào tháng 11.2022, các chuyên gia gọi đây là bộ sưu tập tượng đồng cổ lớn nhất từng được tìm thấy ở Ý và nhận định đó là một bước đột phá để “viết lại lịch sử”.

Những bức tượng được tìm thấy vào năm 2021 và 2022 tại một ngôi làng trên đỉnh đồi San Casciano dei Bagni, nơi có các bồn tắm nước nóng thiên nhiên nổi tiếng mà các nhà khảo cổ từ lâu đã nghi ngờ có thể phát hiện ra những tàn tích cổ xưa.

Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu để xác định vị trí của chúng từng không thành công.

Chi tiết còn rất rõ trên gương mặt bức tượng “cậu bé gầy gò”

Thị trưởng San Casciano – Agnese Carletti – nói với Reuters việc khai quật bắt đầu vào năm 2019 trên một khu đất nhỏ bên cạnh các nhà tắm công cộng thời Phục hưng của làng, nhưng nhiều tuần khai quật cho thấy “chỉ có dấu vết của một số bức tường”.

Kho báu được nhà khảo cổ học nghiệp dư địa phương, từng là người dọn rác đã nghỉ hưu Stefano Petrini phát hiện. Ông nói đã có “một tia sáng” trực giác và nhớ rằng nhiều năm trước đó, ông đã nhìn thấy những mảnh cột La Mã cổ đại trên bức tường ở phía bên kia của nhà tắm công cộng. Và chỉ có thể nhìn thấy những chiếc cột này từ khu vườn bỏ hoang từng thuộc về bạn của ông là người bán rau quá cố ở San Casciano, người đã trồng trái cây và rau ở đó để bán trong một cửa hàng.

Nhà phục chế Laura Rivaroli làm việc trên một bức tượng thần Apollo bằng đồng

Khi Petrini đưa các nhà khảo cổ đến đó, họ biết rằng mình đã tìm đúng chỗ.

“Mọi chuyện bắt đầu từ đó, từ những chiếc cột”, Petrini nói.

Emanuele Mariotti, người đứng đầu dự án khảo cổ học San Casciano, cho biết nhóm của ông “khá tuyệt vọng” trước khi nhận được thông tin dẫn đến việc phát hiện ra một ngôi đền ở trung tâm của khu phức hợp spa cổ đại.

Những bức tượng được tìm thấy ở đó là lễ vật của người La Mã và người Etruscan, khi họ trông đợi vào các vị thần để có được sức khỏe tốt. Những đồng xu, tác phẩm điêu khắc về các bộ phận cơ thể như tai và chân cũng được tìm thấy từ địa điểm này.

Một trong những phát hiện ngoạn mục nhất là bức tượng đồng “cậu bé gầy gò”, cao khoảng 90 cm về một thanh niên La Mã mắc bệnh còi xương.

“Bức tượng lộ diện từ bùn dù bị che phủ một phần. Sau khi được làm sạch và nhìn kỹ thì rõ ràng đó là bức tượng về một người bệnh”, nhà khảo cổ học Ada Salvi của Bộ Văn hóa Ý xác nhận, đồng thời cho biết dấu vết của những lễ vật khác thường hơn cũng đã được tìm thấy, bao gồm vỏ trứng, quả thông, hạt đào và mận, dụng cụ phẫu thuật, một lọn tóc xoăn 2.000 năm tuổi.

Salvi nhận định: “Những bức tượng mở ra một cơ hội để biết thêm về người La Mã và người Etruscan, về mối liên hệ giữa sức khỏe, tôn giáo và tâm linh”.

Hy vọng khai quật nhiều kho báu

Ngôi đền được niêm phong vào đầu thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, khi khu phức hợp spa cổ xưa bị bỏ hoang, để lại những bức tượng qua nhiều thế kỷ.

Ngôi làng trên đỉnh đồi San Casciano dei Bagni

Công việc khai quật sẽ tiếp tục vào cuối tháng 6.2023. Mariotti cho biết “chắc chắn” sẽ có thêm nhiều bức tượng nữa được tìm thấy trong những năm tới, thậm chí có thể là 6 hoặc 12 bức tượng khác mà một bản khắc ghi là do Marcius Grabillo để lại.

“Chúng tôi chỉ vừa mới mở nắp kho báu”, Mariotti nói.

Sau cuộc triển lãm ở Rome, các bức tượng và đồ tạo tác khác sẽ được chuyển đến một ngôi nhà mới trong bảo tàng mà các nhà chức trách hy vọng mở ở San Casciano trong vài năm tới.

Stefano Petrini mong muốn kho báu sẽ mang lại “việc làm, văn hóa và tri thức” cho ngôi làng 1.500 dân của ông, nơi đang phải vật lộn với tình trạng giảm dân số giống như phần lớn vùng nông thôn của Ý. Ông khiêm tốn nói: “Khám phá ra bức tượng đồng cổ nhờ vào nhiều người, không bao giờ chỉ nhờ vào một người. Không bao giờ”.

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm