Về trang chủ Văn hóa Làng nghề Người đánh thức thanh âm đại ngàn dưới chân núi lửa Đắk Nông

Người đánh thức thanh âm đại ngàn dưới chân núi lửa Đắk Nông

Để bà con, nhất là thế hệ trẻ không lãng quên thanh âm M’nông truyền thống, già Y Xuyên ở Đắk Nông dành nhiều tâm huyết truyền dạy cồng chiêng. Ông còn có biệt danh “vua hòa giải” giúp hàn gắn những mâu thuẫn của bà con trong bon (buôn) làng.

Ở bon Ja Răh (xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông), già Y Xuyên (SN 1954, người M’nông) được bà con yêu quý. Gần 70 mùa rẫy, già Y Xuyên vẫn dành trọn tâm huyết của mình cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Già Y Xuyên tâm sự, văn hóa truyền thống là hồn cốt của dân tộc. “Thuở nhỏ, tôi được hòa mình vào những lễ hội xuyên đêm, được nghe âm thanh cồng chiêng ngân xa, nghe các già làng kể sử thi bên ché rượu cần. Những ngày nông nhàn, các ông hay vào rừng chặt tre đan gùi; còn các bà, các mẹ miệt mài bên khung dệt…Cuộc sống tuy khó khăn nhưng ấm áp lắm.

Bây giờ, cuộc sống đã có đổi thay. Nhiều người vì lo mưu sinh, để cồng chiêng, khung dệt nguội lạnh nơi góc nhà. Có người đã bán đi những bộ chiêng quý mà trước đây phải đổi nhiều con trâu, bò mới sở hữu được” già Y Xuyên đau đáu và chia sẻ, cái bụng có thể đói chứ quyết không bán đi bộ chiêng cổ có tên Jăm Pul của gia đình.

Già Y Xuyên bên bộ chiêng quý

Năm 2020, già Y Xuyên từng vay 10 triệu đồng để mua chiếc ché cổ có tên Hlung tại xã Đắk Sắk (huyện Đắk Mil, Đắk Nông). Theo già Y Xuyên, ché Hlung có hàng trăm năm tuổi và được xem là tài sản quý giá trong gia đình người M’nông xưa. Chiếc ché này có ý nghĩa rất quan trọng trong các lễ cúng của người M’nông. Do đó, già cố gắng gìn giữ và chỉ khi có lễ quan trọng, mới đem ché rượu cột vào cây nêu để làm lễ.

Sau nhiều đêm trăn trở, sẵn có bộ chiêng quý, già Y Xuyên tranh thủ thời gian dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên, nhất là các em nhỏ. Già thường chọn khung thời gian chiều tối để dạy thanh niên, còn trẻ em sẽ dạy vào dịp hè.

Điều già Y Xuyên cảm thấy ấm áp là dù bận việc nhưng nhiều người cũng cố gắng tham gia. Nhờ vậy, hiện nay trên toàn xã đã có khoảng 30-40 người ở nhiều độ tuổi khác nhau biết đánh cồng chiêng và tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện.

Không chỉ tâm huyết với công tác bảo tồn văn hóa, già Y Xuyên còn tích cực tham gia gìn giữ bình yên cho bon làng. Năm 2017, già được bầu làm Tổ phó tổ hòa giải của bon Ja Răh. Từ đây, già được bà con gọi là “vua hòa giải” của bon. Già thường “đến từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhắc nhở, bà con giúp đỡ nhau trong làm ăn hay lúc ốm đau, bệnh tật, góp phần gắn kết đoàn kết dân tộc.

Để tránh tình trạng thanh thiếu niên xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau, trước khi trong bon tổ chức tiệc, đám cưới…, già Y Xuyên đều vận động toàn bộ thanh, thiếu niên cùng nhau giữ gìn trật tự an ninh. Ông cũng lấy các vụ phạm tội do mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày để răn đe.

Già Y Xuyên cũng tham gia hóa giải mâu thuẫn hằng ngày của những cặp gia đình, nhất là cặp vợ chồng trẻ. Già Y Xuyên kể, mới hòa giải thành công cho cặp vợ chồng Y Học. Đôi vợ chồng này mới lấy nhau được 1 mặt con vợ đã đòi bỏ vì chồng đi làm nhưng không đưa tiền. Hiểu được vấn đề, già Y Xuyên kiên trì giải thích trách nhiệm của mỗi người. Từ đó, đôi vợ chồng trẻ làm lành với nhau, không đòi ly hôn nữa.

Già Y Xuyên rất tâm huyết với công tác bảo tồn văn hóa dân tộc

Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung tỉnh Đắk Nông cho biết, già làng Y Xuyên là người gương mẫu tại địa phương trong phát triển về kinh tế, gìn giữ văn hóa gia đình. Già thường xuyên tham gia các cuộc họp, vận động, tuyên truyền người dân sinh sống, làm việc theo đường lối chính sách của Đảng, pháp luật.

Từ năm 2015, già Y Xuyên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Già làng Y Xuyên từng tham gia cách mạng, từng được tặng nhiều Giấy khen của các cấp chính quyền, Huy chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu 40 tuổi Đảng…

Theo Báo Tiền Phong

Có thể bạn quan tâm