Biến cố kinh hoàng ập đến, cướp đi 2 cánh tay và 1 chân nhưng ông Trần Hùng Bảo không buông xuôi số phận, cố gắng tôi luyện thành thợ vẽ tranh trên áo dài và nổi tiếng ở các tỉnh miền Tây.
Từng đối mặt với mặc cảm và bị từ chối vì khuyết tật, câu chuyện ông Trần Hùng Bảo (63 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) vượt lên nghịch cảnh để lập nghiệp, làm chỗ dựa cho gia đình bằng nghề vẽ tranh trên áo dài được nhiều người ngưỡng mộ.
Những nét vẽ diệu kỳ
Trong căn nhà ở đường Đề Thám (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), ông Bảo chăm chút vẽ từng chi tiết hoa văn trên chiếc áo dài truyền thống. Ông ngồi trên ghế, chân phải bị cắt gần một nửa tựa vào góc bàn làm điểm tựa cho cơ thể, cúi người về phía trước đi từng nét cọ. Tay trái ông bị cụt tới khớp vai, bàn tay giả bên phải với 2 ngón bằng inox đảm đương mọi chuyện gắp, nắm. Dẫu vậy, những nét vẽ diệu kỳ từ cánh tay giả toát lên sự thanh thoát, uyển chuyển đến khó tin. Ông có thể điều khiển cọ nhấn nhá những đường đậm nhạt, sáng tối, phối màu rất kỹ thuật.
“Dù vậy, trước đây, việc cầm cọ với 2 tay khuyết tật từng là nỗi ám ảnh với tôi. Tôi phải kiên trì tập luyện, vượt qua nỗi đau thốn ở đầu xương cụt, nhẫn nại tìm lại cảm giác khi dùng tay giả”, ông Bảo kể.
Qua bàn tay người thợ, chiếc áo dài truyền thống bình thường trở nên có sắc thái với những chi tiết sinh động, bắt mắt. Chủ đề ông Bảo vẽ đa dạng, nhưng phổ biến nhất là biểu tượng văn hoá, cảnh vật, hoa lá, chim muông. Người thợ này có thể vẽ theo yêu cầu của khách hàng và vẽ trên áo bà ba, đồ dạ hội, túi xách…
Ông Bảo kể, khoảng năm 1990, vẽ tranh trên áo dài là một trong những trào lưu thịnh hành trong giới thời trang, phụ nữ mặc áo dài ra đường rất phổ biến. Từ 2003 – 2005 có thể xem là giai đoạn phát triển cực thịnh của nghề, đơn hàng nhiều nên ông phải làm việc từ sáng đến tối. Nhờ đó, ông có thu nhập khấm khá, tích lũy tiền mua nhà mặt phố, nuôi con ăn học đàng hoàng.
Hơn 30 năm qua, ông đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của công việc, song vẫn yêu nghề. “Với sự xuất hiện của công nghệ in ấn, thêu hoa, kết cườm…, vẽ tranh trên áo dài có lúc thất thế, thậm chí ế khách. Chính tình cảm đặc biệt với quốc phục đã thôi thúc tôi giữ lửa nghề đến hôm nay”, ông Bảo nói.
Ông Bảo không ngừng học hỏi, đổi mới sáng tạo sản phẩm của mình. Ông cố gắng sử dụng máy vi tính, điện thoại để cập nhật xu hướng và thị hiếu khách hàng. Với những công cụ điện tử, ông phải tìm cách biến nó phù hợp với cánh tay giả và bàn chân còn lại của mình.
Lấy cần cù bù thiệt thòi số phận
Kể về nghịch cảnh, ông Bảo cho biết năm học lớp 4, ông bị tai nạn điện. Gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời, thoát chết trong gang tấc nhưng cơ thể đầy vết bỏng nặng. Lúc tỉnh lại, ông điếng người khi bị cưa mất một bên tay, kèm theo đó là nỗi lo lắng tột cùng khi bác sĩ dự báo khả năng nuôi 1 chân và cánh tay còn lại chỉ 50/50. Nhưng rồi nỗi thất vọng bủa vây khi cuộc điều trị bất thành.
Trong gia đình, ông Bảo là anh cả của 8 người em. Tai nạn khiến ông nhiều lúc rơi vào khủng hoảng tinh thần khi nghĩ tới tương lai mịt mù phía trước. Nhưng không để nỗi buồn lấn át quá lâu, 4 năm sau, ông quyết định đi học lại, nuôi hy vọng tìm được việc làm phù hợp với hoàn cảnh tật nguyền. Tiền gia đình gửi cho không đủ, ông cùng 3 người em bán hàng dạo ở các tuyến phố để gầy dựng sự học.
Chật vật lắm chàng trai khuyết tật mới học xong lớp 12. Cứ ngỡ điều ước sắp thành sự thật thì cánh cửa đại học bỗng dưng đóng lại. Ông ấp ủ được học ngành Anh ngữ để đi dạy, nhưng khi gửi hồ sơ vào các trường đại học ở Cần Thơ thì đều không được nhận vì cùng một lý do là không đủ sức khỏe.
Theo ông Bảo, người khuyết tật học nghề không dễ dàng, ông bị mất 3 chi nên càng khó khăn hơn. Khi có lớp dạy vẽ tranh truyền thần miễn phí, ông đăng ký học để tìm cơ hội mới. “Nhiều người nói tôi không biết lượng sức, trèo cao chỉ té đau. Người bình thường học vẽ đã khó, cánh tay giả của tôi sao làm nên chuyện. Tôi chỉ biết lấy sự cần cù, cố gắng để bù đắp thiệt thòi của số phận. Bởi lúc đó tôi không có sự lựa chọn khác, tôi không muốn mãi làm gánh nặng của gia đình”, ông Bảo tâm sự.
Nhờ nghề vẽ tranh truyền thần, ông Bảo tự tìm được miếng cơm, manh áo nuôi mình. Tuy nhiên, loại tranh này dần kén khách hàng nên từ năm 1990 đến nay ông chuyển sang vẽ tranh trên áo dài. Khi thành công, ông mở lớp dạy nghề miễn phí cho những người đồng cảnh ngộ. Lớp đã nhận đào tạo 4 học viên, trong đó có người câm điếc bẩm sinh.
“Hoàn cảnh của các em cũng ngặt nghèo không kém tôi. Giữa chúng tôi tuy khó trao đổi qua lại lẫn nhau nhưng không ai nghĩ đến bỏ cuộc. Hiện, một em đã ra mở tiệm vẽ tranh trên áo dài, những em còn lại chậm hơn nhưng rất triển vọng. Ai cũng không ngừng cố gắng vì khao khát sống tự lập, sống có ích cho gia đình”, ông Bảo tâm sự.
Theo Báo Thanh Niên