Dù chưa bắt buộc, nhiều người đã chủ động đi đổi bằng lái xe từ thẻ giấy qua thẻ PET để tích hợp vào ứng dụng VNeID.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an có đề xuất về giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình của Chính phủ. Dù đề xuất chưa được thông qua nhưng người dân ồ ạt đi đổi bằng lái sớm vì cho rằng khi luật mới có hiệu lực thì lượng người đi đổi bằng lái sẽ còn đông hơn nữa.
Đứng chờ đến lượt nộp hồ sơ
Ghi nhận của PV khoảng một tuần trở lại đây, tại điểm đổi bằng lái xe Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ (quận Tân Phú, TP.HCM), người dân đến đổi GPLX xếp hàng đông kín. Dù trường đã bố trí nhiều dãy ghế cho người dân đến nộp hồ sơ nhưng vẫn không đủ chỗ do lượng người đến quá đông. Nhiều người dân phải đứng chờ để đến số thứ tự nộp hồ sơ.
Tương tự, một số điểm đổi GPLX khác trên địa bàn TP.HCM cũng khá đông người dân đến nộp hồ sơ gồm cả GPLX ô tô và xe máy. Bà Ngô Thị Thu Minh (ngụ huyện Bình Chánh) cho biết: “Gần chỗ tôi đã có nhiều người đi đổi bằng cũ lấy bằng mới nên tôi cũng đi. Tôi nghe nói đổi bằng lái xe mới tích hợp được vào tài khoản định danh điện tử (VNeID)”.
Bà Minh đã nộp hồ sơ vào cuối tháng 9 và ngày 6-10 đến để lấy GPLX mới. Bà Minh muốn các giấy tờ của mình được tích hợp vào ứng dụng VNeID như CCCD, bằng lái xe, bảo hiểm. Đi đâu chỉ cần mang điện thoại là rất thuận tiện.
Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM cũng đã có kế hoạch về việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, Sở GTVT giao Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX phân công, tăng cường bố trí nhân sự tại các điểm đổi GPLX trực tiếp để hỗ trợ hướng dẫn người dân đổi GPLX trực tuyến toàn trình. Đồng thời, bố trí nhân sự theo dõi, trả lời, hướng dẫn người dân tham gia nhóm Zalo hỗ trợ đổi GPLX trực tuyến; rà soát quy trình nghiệp vụ, giảm thời gian giải quyết đối với hồ sơ nộp trực tuyến.
Đề xuất lộ trình đổi GPLX năm năm
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực, GPLX được phân chia thành 11 hạng. Trong số này, ba hạng GPLX không có thời hạn là A1, A2 và A3. Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an không phân chia cụ thể mà đề xuất Chính phủ sẽ quy định về các hạng và thời hạn của GPLX. Hơn nữa, trong quy định chuyển tiếp, Bộ Công an đề xuất GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đổi GPLX sang loại thẻ PET để quản lý được thuận tiện, đơn giản hơn nhưng Nhà nước cần tạo điều kiện tối đa cho người dân thực hiện và miễn phí phí cấp đổi.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho hay: Tùy thuộc vào ý tưởng mình quản lý sau khi đổi GPLX, nếu như nhằm mục đích tích hợp GPLX vào ứng dụng VNeID để thực hiện một số tiện ích khác thì cần thiết. Nếu việc này chỉ dừng lại ở hình thức thì không cần thiết.
“Nếu như việc này là bắt buộc thì Nhà nước nên đưa ra lộ trình năm năm vì hiện nay có khoảng 22 triệu GPLX. Vì chính năng lực giải quyết việc cấp đổi của cơ quan nhà nước thì có hạn, bố trí nguồn nhân lực để phục vụ việc cấp đổi GPLX hiện hành thôi” – ông Quyền nhận định.
Cũng theo ông Quyền, để cấp đổi 22 triệu GPLX và giải quyết trong thời gian ngắn đòi hỏi tăng thêm về số lượng máy móc, thiết bị và con người. Sau khi thực hiện xong việc cấp đổi này sẽ không sử dụng đến thì gây lãng phí. Do đó, lộ trình năm năm là phù hợp.
Đồng thời, vị chủ tịch hiệp hội cũng đề xuất cần phải xem xét việc giảm lệ phí cấp đổi GPLX, vì đa số đối tượng thuộc diện này là những người lớn tuổi, trong đó khoảng 50% là những người được cấp GPLX trước năm 2000.
“Điều kiện về thu nhập của những người này có mức độ. Hơn nữa, việc đổi GPLX nhằm mục tiêu quản lý nhà nước thì nên có chính sách giảm lệ phí cấp GPLX” – ông Quyền nói thêm.•
Đổi bằng lái xe sẽ thuận tiện cho người dân
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT, cho biết theo quy định tại Thông tư 32/2023 của Bộ Công an, trong công tác tuần tra, kiểm soát của CSGT có quy định được quyền kiểm tra giấy tờ trên ứng dụng VNeID, không cần thiết phải trình giấy tờ. Do đó, để thuận lợi trong việc thực hiện định danh mức 2 tích hợp các loại giấy tờ, trong đó có GPLX vào ứng dụng VNeID thì người dân cần đổi GPLX qua thẻ PET cho phù hợp. “Trước đây, đa số GPLX giấy của người dân đều được cấp từ số CMND nên không tích hợp được vào ứng dụng VNeID. Do đó, để tích hợp được các thông tin người dân phải đổi qua thẻ PET mới thực hiện được” – ông Quang cho hay. Cũng theo ông Quang, hiện nay GPLX đối với các hạng B1 trở lên đều có thời hạn nên đa số người dân đều đã đổi theo từng thời hạn của mỗi loại GPLX theo quy định và chuyển qua thẻ PET từ sau tháng 7-2012. Việc đổi GPLX trực tuyến (cấp độ 4) cũng chỉ thực hiện cho GPLX hạng ô tô do ngành GTVT cấp. “Chỉ có GPLX mô tô không thời hạn nên mới còn lưu lại một số lượng GPLX loại thẻ giấy. Loại này hiện chưa có dữ liệu quốc gia nên người dân không thể đổi trực tuyến được” – ông Quang nói. Cũng theo ông Quang, thủ tục đổi GPLX từ thẻ giấy sang thẻ PET chỉ cần có đơn đề nghị đổi GPLX, GPLX bản phôtô và CCCD gắn chip. Lệ phí là 135.000 đồng theo quy định của Bộ Tài chính. “Lợi ích từ việc đổi GPLX rất lớn và tạo thuận lợi cho người dân, tuy nhiên theo tôi cũng nên có lộ trình để người dân thực hiện được” – ông Quang nói thêm. |
Theo plo.vn