Về trang chủ Khỏe-Đẹp Người bệnh phong tàn tật được phẫu thuật miễn phí tại BV Da liễu Trung ương

Người bệnh phong tàn tật được phẫu thuật miễn phí tại BV Da liễu Trung ương

BV Da liễu TW hiện đang tiến hành phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân phong tàn tật tại các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ trong khuôn khổ hoạt động Hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh phong, người bệnh vảy nến và người bệnh da nặng từ năm 1990 do Hội chống phong Việt Nam – Thụy Sĩ tài trợ kinh phí.

Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh phong tàn tật.

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Lê Hữu Doanh – Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, hiện nay tại 25 tỉnh phía Bắc có hơn 1.800 người bệnh phong tàn tật đang được quản lý và cần chăm sóc tàn tật. Tuy nhiên, do mô hình ngành da liễu tuyến tỉnh có sự thay đổi, cán bộ làm công tác da liễu được đào tạo bài và có kinh nghiệm trong hoạt động phòng chống bệnh phong điều chuyển công tác đã làm ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống bệnh phong tuyến tỉnh. Thêm vào đó, các cán bộ phụ trách chương trình phong đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều chương trình nên việc săn sóc, khám và theo dõi tàn tật cho người bệnh phong chưa được sát sao.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Nguyễn Văn B. sau phẫu thuật.

Trong những năm gần đây, mặc dù tỷ lệ mới mắc bệnh phong đang giảm dần nhưng tỉ lệ tàn tật độ 2 ở bệnh nhân mới phát hiện có xu hướng cao hơn. Các hoạt động sàng lọc, khám phát hiện chủ động bệnh phong không còn được ưu tiên, các bệnh nhân phong mới thường tự tìm đến các cơ sở y tế khi đã có tàn tật, dẫn đến việc phát hiện và chẩn đoán muộn, với nhiều hậu quả tàn tật nặng nề.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế về chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và dựa trên đề xuất của các đơn vị da liễu tuyến tỉnh, BV Da liễu Trung ương đã có công văn gửi Sở Y tế và các đơn vị da liễu 25 tỉnh phía Bắc và 6 tỉnh Bắc Trung Bộ để thu dung, tiếp nhận các người bệnh phong tàn tật có chỉ định điều trị vượt quá khả năng tuyến tỉnh như ung thư da, loét lỗ đáo có viêm xương…

Dựa theo danh sách các đơn vị da liễu cung cấp, BV Da liễu Trung ương đã tổ chức hội chẩn chuyên môn giữa Ban Giám đốc bệnh viện, Phòng Chỉ đạo tuyến, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Phòng Công tác xã hội. Qua đó, 27 bệnh nhân từ 31 tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã được lên kế hoạch để chuyển về Bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị, đặc biệt ưu tiên 4 trường hợp theo dõi ung thư da.

Các tổn thương ở người bệnh phong ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của họ

 

“Từ tháng 2/2023 đến nay, bệnh viện đã sắp xếp đưa lần lượt 10 bệnh nhân về điều trị, ưu tiên những trường hợp ung thư, loét lỗ đáo nặng. Người bệnh được hỗ trợ toàn bộ tiền viện phí, trong đó có cả chi phí phẫu thuật, tiền ăn và chi phí đi lại từ nguồn viện trợ của Hội chống phong Việt Nam – Thụy Sĩ. Mục đích của dự án là giúp người bệnh tàn tật do phong được điều trị sớm và tích cực các tổn thương loét, ung thư, gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân” – PGS.TS Lê Hữu Doanh nói.

Là một trong số những người bệnh phong tàn tật đầu tiên được phẫu thuật, bà Đặng Thị L., nữ, 64 tuổi (ở Chương Mỹ, Hà Nội) không khỏi xúc động nói lời cảm ơn đến các y bác sĩ đã giúp bà có cơ hội điều trị miễn phí. Trước đó, bà L. có dấu hiệu của bệnh phong, được khám và điều trị tại Khu điều trị phong Quốc Oai (nay là cơ sở 3 – BV Da liễu Hà Nội) từ năm 1999.

Khoảng 10 năm nay, bà thấy xuất hiện vết loét ở bàn chân phải, và gần đây tổn thương trở nên lớn hơn, sùi loét, lan rộng. Các bác sĩ BV Da liễu Trung ương chẩn đoán bà mắc ung thư biểu mô tế bào vảy/ di chứng do phong. Bà L. được dự án tài trợ chi phí điều trị, loại bỏ tổn thương ung thư và các chi phí ăn uống đi lại khác. Hiện tại, bà L. đã hồi phục sức khỏe, vết mổ liền tốt, sinh hoạt bình thường.

Trường hợp khác, bệnh nhân Nguyễn Văn B., nam, 49 tuổi (xã Tân Kim, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) vào viện ngày 24/02/2023. Ông B. được chẩn đoán phong và điều trị tại khu điều trị phong Phú Bình, Thái Nguyên. Ông B. đã cắt cụt chân trái từ năm 1998 do loét bàn chân. Gần đây, ông thấy thêm tổn thương loét ở bàn chân phải, một năm nay tổn thương tiến triển nhanh, sùi lan tỏa.

Theo dự án hỗ trợ cho bệnh nhân phong, ông được chuyển đến BV Da liễu Trung ương để thăm khám và điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán ông B. mắc ung thư biểu mô tế bào vảy/ di chứng do phong. Ông đã được điều trị phẫu thuật loại bỏ tổn thương ung thư. Sau phẫu thuật, sức khỏe ông đã hồi phục.

Nâng cao chất lượng sống cho người bệnh phong tàn tật

Theo ThS.BS. Lê Thị Mai, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến BV Da liễu Trung ương, hiện nay số lượng bệnh nhân phong có tàn tật vẫn còn nhiều và rải rác ở các địa phương. Các tổn thương tàn tật ở bệnh nhân phong phổ biến gồm: loét lỗ đáo lòng bàn chân nhiều năm tái đi tái lại; cụt rụt ngón tay, ngón chân, người bệnh mất cảm giác, liệt dây thần kinh… khiến chất lượng cuộc sống của họ giảm sút, sinh hoạt hàng ngày khó khăn, thậm chí ngay cả trong ăn uống, vệ sinh cá nhân.

Trong dự án hỗ trợ lần này, những người bệnh tàn tật do phong đã được đơn vị da liễu tuyến dưới gửi danh sách lên BV Da liễu Trung ương, được hội chẩn đánh giá tình trạng bệnh và phân loại các mức độ ưu tiên khác nhau. Ví dụ bệnh nhân có nguy cơ ung thư thì ưu tiên số 1, được điều trị sớm nhất có thể, rồi đến các bệnh nhân có tàn tật nhẹ hơn. Sau đó người bệnh sẽ được sắp xếp thời gian hợp lý, chuyển lên BV Da liễu Trung ương để tiến hành phẫu thuật.

ThS.BS. Nguyễn Mạnh Tân, Phòng Chỉ đạo tuyến BV Da liễu Trung ương cho biết, phẫu thuật cho bệnh nhân phong thường liên quan đến vấn đề cắt cụt chi, phẫu thuật tạo hình phức tạp do các loại hình tàn tật khá đa dạng, mỗi một tổn thương phải xử lý khác nhau. Do đó, bác sĩ phải đánh giá kỹ và lựa chọn phương án phù hợp cho từng loại tổn thương. Sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng để có thể sớm hoạt động lại bình thường.

Một điểm đáng chú ý nữa là, ngoài các tổn thương nhìn thấy được thì ở bệnh nhân phong còn có các tổn thương thần kinh, cảm giác nên cần tiếp tục theo dõi bệnh nhân ngay cả khi phẫu thuật xong. Khi bệnh nhân có bất kỳ tàn tật nào, nếu được phát hiện sớm, kịp thời xử lý sẽ hạn chế được biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Nhân viên y tế đồng thời cũng sẽ tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân phong cách chăm sóc hàng ngày để giúp họ có cuộc sống tốt hơn (như đi găng tay, đi giày, bôi dưỡng ẩm, kiểm tra thường xuyên lòng bàn tay bàn chân kịp thời phát hiện vết loét, tập phục hồi chức năng ép giãn khớp tay cò…).

Được biết, Dự án hiện vẫn đang được tiếp tục với mong muốn là nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân phong tàn tật, giúp họ có thể hòa nhập xã hội dễ dàng.

Theo Báo Sức Khỏe Và Đời Sống

Có thể bạn quan tâm