Ngôi chùa Ấn Độ được người dân Sài Gòn gọi chùa Bà Ấn chính là đền thờ bà Mariamman của người theo đạo Hindu nằm trên đường Trương Định (quận 1). Ban đầu, đền được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20, khi một bộ phận lớn dân cư người Ấn nhập cư vào mảnh đất Sài Gòn và sinh sống gần khu vực ngôi đền cho tới tận ngày nay. Và cũng như một số ngôi đền thờ thần khác, luôn có sự kết hợp, dung hòa với tín ngưỡng bản địa, khi tượng Phật được đưa vào thờ, vì thế đền cũng được gọi là chùa.
Bà Mariamman là hình ảnh của một người phụ nữ trẻ xinh đẹp với khuôn mặt hung đỏ, trang phục hung đỏ, có nhiều tay tượng trưng cho nhiều sức mạnh được coi là hiện thân của thần Mưa – vị thần của mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ. Ngoài ra, người Hindu giáo tin rằng, bà có khả năng chữa bách bệnh, giúp người ta mọi sự như ý nên chùa Bà Ấn luôn tấp nập người đến ghé thăm, cầu xin, không chỉ người Hindu mà cả người Việt.
Trong ánh sáng khá tối, chùa vẫn có cảm giác khá ấm cúng chứ không lạnh lẽo như một số ngôi chùa khác. Nét đặc sắc của chùa là được thiết kế hình chữ U, chính điện thờ thần Mariamman, hai bên có hai thần bảo vệ Maduraiveeran và Pechiamman. Trên cao gần mái, dọc bên tường là tượng của 18 vị thần với những dáng vẻ, sắc thái khác nhau được coi là tượng trưng cho 18 ước nguyện của người dân. Trong chùa, cũng có non bộ và hồ nước, phiên bản thu nhỏ của núi Meru và đại dương theo thần thoại Ấn Độ thời kỳ Tiền- Veda 1.500 năm trước Công nguyên…
Theo Lao Động