Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển” do UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 7/4 đã khuyến khích sự tham gia và kết nối của các làng nghề – phố nghề, các nghệ nhân, thợ thủ công với tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển du lịch.
Lấy sáng tạo làm cốt lõi cho phát triển
Với 1.350 làng nghề, trong đó hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống, Hà Nội có tài nguyên dồi dào cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Sau khi được đầu tư tu bổ, tôn tạo, đình Nam Hương (quận Hoàn Kiếm) với nét kiến trúc cổ truyền và là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng đã trở thành điểm sáng tạo để các nghệ sỹ trẻ được tiếp cận với tranh dân gian Hàng Trống. Hiện nơi đây đang trưng bày 11 tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh này. Qua các buổi giới thiệu, hướng dẫn của Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, các nghệ sỹ trẻ được học hỏi, trải nghiệm kỹ thuật vẽ tranh; đồng thời, sáng tác và tổ chức nhiều buổi triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng như: Triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống”, “Hổ dạo phố”, “Cõi Tiên”…
Theo Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn, hiện UBND quận đang xây dựng Đề án Bảo tồn dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với việc quảng bá di tích đình Nam Hương phục vụ phát triển du lịch địa phương giai đoạn 2021 – 2026 và những năm tiếp theo. Đây sẽ là cơ sở để các nghệ sỹ sáng tạo dòng tranh dân gian trên nền tảng các giá trị truyền thống.
Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống trở thành ngành “Công nghiệp sáng tạo” có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Các chuyên gia đánh giá, hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng nghề thủ công truyền thống Việt Nam là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển.
Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, phố cổ Hà Nội là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương. Để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, khôi phục hoạt động của các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu phố cổ Hà Nội (phố Hàng), tiềm năng của làng nghề truyền thống trong và xung quanh Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nêu rõ, quận sẽ phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống và thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển. Nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực. Để các sản phẩm thủ công trở thành món quà lưu niệm được du khách ưu chuộng, sáng tạo sản phẩm mới dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống, địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật…
Quảng bá tinh hoa nghề thủ công truyền thống
Thời gian qua, các nghề thủ công truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó marketing và thị trường tiêu thụ bị hạn chế. Nhiều địa phương đã hỗ trợ làng nghề xây dựng những điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng của các làng nghề – phố nghề Hà Nội, nhằm quảng bá tinh hoa làng nghề và tăng tính trải nghiệm cho du khách khi đến với thành phố.
Lãnh đạo huyện Phú Xuyên cho biết, huyện chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề để hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ. Từ năm 2011 đến nay, địa phương đã tổ chức thành công 7 kỳ Lễ hội vinh danh làng nghề, thu hút hàng vạn khách đến tham quan, mua sắm; qua đó lan tỏa, quảng bá hình ảnh con người và văn hóa Phú Xuyên đến du khách trong nước và quốc tế, góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Huyện đã xây dựng trang thông tin điện tử làng nghề để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề. Trên địa bàn hiện có 3 điểm tổ chức trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại 3 xã là Vân Từ, Tân Dân và Sơn Hà.
Quận Hoàn Kiếm trong những năm qua đã tập trung nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại một số tuyến phố như: Bảo tồn, trùng tu đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), Ngôi nhà 51 Hàng Bạc; trùng tu mặt đứng tuyến phố Đông Nam dược Lãn Ông; bảo tồn, trùng tu đình Tú Thị (số 2A Yên Thái). Bên cạnh đó, quận xây dựng cơ chế phối hợp để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa phục vụ cho giáo dục truyền thống, phát triển văn hóa, quảng bá phát triển du lịch.
Trong khuôn khổ tọa đàm, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” nhằm giới thiệu tinh hoa của dòng tranh này và các sáng tạo mới từ tranh dân gian của các nghệ sỹ đương đại tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 Đào Duy Từ). Triển lãm giới thiệu 23 bức tranh Hàng Trống với các chủ đề tranh thờ và tranh trang trí của Nghệ nhân Lê Đình Nghiên (do nhà sưu tầm Nguyễn Quang Trung cung cấp), cùng 23 tác phẩm của các họa sỹ trẻ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống trên nhiều chất liệu khác nhau qua không gian sắp đặt của hoạ sỹ Nguyễn Thế Sơn.
Theo TTXVN