Xuất hiện trước những năm 50 của thế kỷ trước, làng Đông Hồ (Bắc Ninh) có 17 dòng họ làm tranh, thế nhưng hiện nay chỉ còn 3 hộ gia đình với khoảng 30 người thuộc 4 thế hệ còn giữ được nghề. Trước thực trạng này, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ và đệ trình UNESCO xét đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trong năm 2024.
Tranh Đông Hồ ra đời gắn với tập tục treo tranh vào ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tranh có nhiều loại, bao gồm tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh thờ, tranh sinh hoạt, tranh phong cảnh… Từ xa xưa, người làng Đông Hồ coi nghề làm tranh vừa là kế sinh nhai, vừa thể hiện bản sắc văn hóa và tập quán xã hội của cộng đồng, được trao truyền từ đời này qua đời khác.
Niềm tự hào của người làm tranh Đông Hồ
Ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh cho biết, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh đời sống văn hóa, xã hội, sinh hoạt hằng ngày của người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ như chăn trâu thổi sáo, thả diều, hứng dừa, đánh ghen… Do đó, người làm tranh Đông Hồ đòi hỏi phải có tài năng, tri thức về văn hóa dân tộc và kỹ năng để có thể thể hiện ý tưởng, chủ đề, làm sao để lại những dấu ấn đậm nét, mang sắc thái riêng trong mối quan hệ giữa nghề làm tranh với đời sống văn hóa, thực hành tín ngưỡng của cộng đồng.
“Tuy nhiên hiện nay, số lượng người thành thục nghề quá ít để phát triển bền vững nghề làm tranh của làng, bởi không đảm bảo được sinh kế cho gia đình, và họ đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Hiện chỉ còn gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh và nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả tiếp nối và lưu truyền nghề truyền thống. Các thành viên của 3 gia đình trên đều có thể tham gia vào các khâu làm tranh, từ sáng tác mẫu, khắc ván, làm màu, giã điệp, phủ điệp lên giấy dó, in tranh, phơi tranh và mong muốn trao truyền tri thức nghề làm tranh dân gian Đông Hồ cho thế hệ trẻ. Mặc dù hầu hết các hộ trong làng đã chuyển sang làm hàng mã để đảm bảo thu nhập, nhưng họ vẫn khao khát được trở lại với nghề làm tranh vì đây chính là một phần di sản của họ”, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh nhấn mạnh.
Là một thành viên trong gia đình nghệ nhân làm tranh Đông Hồ Nguyễn Thị Oanh, con trai cố NNƯT Nguyễn Hữu Sam – ông Nguyễn Hữu Hoa bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi biết tin nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ và đệ trình UNESCO xét đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Ông Hoa cho biết, đây là sự quan tâm của Nhà nước đối với nghề truyền thống độc đáo của người dân Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng. Đồng thời cũng là cơ hội để Chính phủ, địa phương và cơ quan chức năng ban hành những chỉ đạo quyết liệt, chương trình hành động cụ thể hơn để phát triển nghề tranh Đông Hồ, qua đó sẽ ngày càng có nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Không chỉ gắn bó mật thiết với đời sống con người, nghề làm tranh Đông Hồ là một quy trình hoàn toàn thủ công, từ sáng tác mẫu, vẽ tranh bồi giấy, khắc ván, in tranh, mỗi màu là một bản khắc, mỗi màu là một bản in. Bên cạnh đó, tất cả nguyên vật liệu làm tranh đều từ cỏ cây hoa lá trong thiên nhiên, giấy làm từ cây dó mềm, dai và rất bền với thời gian; màu vàng được làm từ hoa dành dành hoặc hoa hoè; màu nâu từ son núi; màu đen từ than tre; màu trắng từ vỏ sò, vỏ điệp… Người làm tranh Đông Hồ tự hào với sản phẩm có mùi thơm của thảo mộc, thân thiện với môi trường, được khách quốc tế rất yêu mến.
Để nghề dân gian không bị mai một
Dù tự hào nhưng vì thu nhập từ nghề không đủ đảm bảo cuộc sống nên người làm tranh Đông Hồ đã giảm đi nhiều. Ông Nguyễn Hữu Hoa cho rằng, điều này cũng là bình thường theo quy luật cung – cầu dưới góc nhìn kinh tế. Nhưng xét về mặt văn hóa thì đây là câu chuyện mà chúng ta phải trăn trở làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.
Mới đây, chương trình Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023 với chủ đề Vẻ đẹp Bắc Ninh – Kinh Bắc do Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức, đã thu hút gần 150 đại biểu là các đại sứ, trưởng đại diện từ các Ngoại giao đoàn và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các đại sứ Việt Nam mới được bổ nhiệm… đến tham quan. Chương trình nhằm mục đích giới thiệu và quảng bá văn hóa vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc tới đại biểu quốc tế, trong đó có nghề làm tranh Đông Hồ. Tại đây, khách mời được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm tranh, được giải thích về ý nghĩa của mỗi bức tranh và được tặng mang sản phẩm của mình về nhà.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc bày tỏ: Xin chân thành cảm ơn những nghệ nhân tài hoa đã mang đến cho bạn bè quốc tế và chúng tôi những trải nghiệm và cảm xúc thú vị, độc đáo của quá trình công phu “thổi hồn lên giấy dó”, tạo nên những bức tranh dân gian Đông Hồ đẹp dung dị mà sâu sắc. Các bức tranh phản ánh một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người lao động vùng thôn quê Bắc Bộ, khắc họa ước mơ ngàn đời của người Việt về cuộc sống gia đình thuận hoà, ấm no, hạnh phúc, về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Đây lại thêm một minh chứng sinh động cho thấy văn hóa là sức mạnh trường tồn của dân tộc, là sợi dây gắn kết bền chặt cộng đồng qua mọi biến cố thăng trầm của thời cuộc, là bản sắc độc đáo của chúng ta qua hàng nghìn năm lịch sử.
“Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, tôi đánh giá cao quyết tâm của nhân dân và chính quyền tỉnh Bắc Ninh trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa độc đáo của mình, mà nổi bật là dân ca Quan họ và tranh dân gian Đông Hồ. Những nỗ lực không mệt mỏi trong thời gian qua đã góp phần gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè, du khách quốc tế. Nhưng chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, mà nổi bật là sự thu hẹp của thị trường tiêu thụ và nguy cơ mai một của thế hệ nghệ nhân cao tuổi. Đây cũng là lý do vì sao Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong chuyến về thăm, làm việc tại huyện Thuận Thành đã căn dặn phải tập trung sưu tầm, lưu giữ tài liệu, hiện vật quý; chú trọng đào tạo nghề làm tranh cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh quảng bá tranh dân gian”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Theo Báo Văn Hóa