Về trang chủ Chưa được phân loại Nghệ An: Học sinh chế tạo máy róc lá mía

Nghệ An: Học sinh chế tạo máy róc lá mía

Gần một năm mày mò nghiên cứu, hai nam sinh trường THPT Quỳnh Lưu 4 đã hoàn thiện máy róc lá mía, giành giải đặc biệt của tỉnh Nghệ An.

Tại cuộc thi Sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Nghệ An năm 2019, máy róc lá mía của Nguyễn An Anh và Mai Văn Đạt – lớp 11A2 trường THPT Quỳnh Lưu 4 – đã giành giải đặc biệt.

Chia sẻ cảm xúc khi giành giải cao nhất cuộc thi, An Anh nói: “Em rất vui, hy vọng công trình sẽ được các nhà sản xuất quan tâm, cải tiến thêm để trở thành dụng cụ hỗ trợ đắc lực cho nông dân trồng mía”. An Anh cảm ơn sự tận tình chỉ bảo của thầy Hồ Xuân Hợi, sự giúp sức của bạn cùng lớp Mai Văn Đạt và sự động viên của gia đình, nhà trường.

Tác giả Nguyễn An Anh (đội mũ) hướng dẫn nông dân cách sử dụng máy róc lá mía.

An Anh là con trong gia đình thuần nông ở xã miền núi Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu. Người dân nơi đây chủ yếu làm nông với nhiều loại cây trồng, như: mía, dứa, sắn, cam, quýt, lúa, ngô…, trong đó mía là cây chủ lực. Mỗi năm gia đình An Anh trồng khoảng 3-4 hecta mía.

Những lần cùng cha mẹ lên đồi, trực tiếp chăm sóc và thu hoạch mía, An Anh ấp ủ ý tưởng làm điều gì đó giúp đỡ cha mẹ. Quan sát quá trình trồng mía, em thấy tốn nhiều công sức nhất chính là róc lá mía. Từ trước đến nay, việc róc lá mía hoàn toàn được làm thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc. Ý tưởng về cái máy có thể róc lá mía, giúp giảm công sức, nhân công hình thành trong An Anh.

Từ đầu năm lớp 10, An Anh đã tham gia câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật của trường Quỳnh Lưu 4. Em trình bày ý tưởng với thành viên câu lạc bộ. Có người cho rằng không khả thi, vì nhiều kỹ sư học hành bài bản còn không làm được. Tuy nhiên, An Anh cũng nhận được sự động viên, giúp đỡ của thầy giáo và bạn bè, đặc biệt là thầy Hồ Xuân Hợi và bạn cùng lớp Mai Văn Đạt.

Những lá mía già, gần gốc đã được làm sạch. Ảnh: An Anh

Đầu hè 2018, ba thầy trò bắt đầu thiết kế mô hình sản phẩm, rồi đến hàng đồng nát tìm mua dụng cụ lắp ráp. Họ gặp nhiều khó khăn, do liên tục phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp thực tế, các thiết bị được tận dụng từ đồ cũ nên không đồng bộ, phải làm đi làm lại nhiều lần.

Khi máy cơ bản hoàn thiện, đưa ra chạy thử thì lại nảy sinh vấn đề mới. Ở trên đồng, hàng mía không phải lúc nào cũng đều tăm tắp, nhiều cây bị đổ, phải làm sao để dựng chúng lên mà không dùng tay người? Thầy trò lại mày mò thiết kế thêm càng gắn hai bên máy để nâng các cây bị đổ đứng lên.

Thiết kế bánh xe trước ban đầu gồm hai vòng tròn bằng sắt, không có răng cưa nhằm hạn chế ma sát. Nhưng khi ra đồng, bánh xe này rất dễ trơn trượt, không phù hợp với địa hình đồi dốc, mặt đất gồ ghề. Do vậy, thầy trò đã thử nghiệm và bổ sung các rãnh sắt để tăng độ bám cho bánh xe.

Sau nhiều lần chạy thử và điều chỉnh thiết kế, cuối cùng sản phẩm máy róc lá mía cũng hoàn thành. Tổng kinh phí cho một sản phẩm khoảng 5 triệu đồng. Nếu được sản xuất đại trà, giá thành có thể giảm xuống thấp hơn nữa, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ nông dân.

Theo tính toán của các em, để róc lá cho mỗi hecta mía cần 13 công, với giá nhân công hiện là 160.000 đồng thì chi phí lá 2.080.000 đồng. Nếu sử dụng máy chỉ mất 3 công, tiêu thụ 10 lít xăng, tổng chi phí chỉ còn 665.000 đồng. Vậy máy đã giúp tiết kiệm 1.415.000 đồng – khoản tiền không nhỏ với nông dân.

Nhắc đến hai học trò, thầy Hợi đánh giá An Anh và Văn Đạt năng động, có nhiều ý tưởng sáng tạo, đam mê tìm tòi nghiên cứu. Khi bắt tay vào làm, hai em chưa hiểu nhiều về cấu tạo động cơ, thiết kế bản vẽ, thuyết trình về sản phẩm… Quá trình thực hiện, cả hai đã rất nỗ lực, sẵn sàng học hỏi.

Nói về ước mơ, An Anh và Văn Đạt đều muốn sau khi tốt nghiệp THPT sẽ theo học chuyên ngành chế tạo máy ở trường đại học.
Theo VNE

Du lịch nông nghiệp: Dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam

Vợ giáo viên trong khách sạn với trai lạ ở Lạng Sơn: Chỉ là ôm nhau cho qua cơn rét

30 năm nữa thu nhập nông thôn mới bằng 80% thành thị

Hoa hồi: Mỏ vàng xanh 35.000ha xứ Lạng canh tác theo định hướng hữu cơ

Có thể bạn quan tâm