Tháng 10 và tháng 11 được coi là mùa sự kiện thời trang ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, trong vài ngày qua, ngày càng nhiều sự kiện theo kế hoạch đã bị hoãn hoặc hủy bỏ do cuộc xung đột vũ trang Hamas – Israel…
Trên khắp Trung Đông, ngành thời trang đang nỗ lực ứng phó giữa một trong những mùa bận rộn nhất cho cả các sự kiện thương mại và tiêu dùng. Tuần lễ thời trang Dubai, bắt đầu vào ngày 9/10 và đang diễn ra, còn Tuần lễ thời trang Riyadh (từ 20 – 23/10) cho biết không có kế hoạch thay đổi lịch trình.
“Hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch hoãn Tuần lễ thời trang Riyadh. Sự kiện thương mại này nhằm mục đích ủng hộ các thương hiệu thời trang mới nổi bằng cách kết nối các thương hiệu Arab Saudi với người mua trong nước và quốc tế”, người phát ngôn của đơn vị tổ chức, Ủy ban Thời trang Arab Saudi, cho biết vào cuối tuần qua.
Trong khi đó, lễ trao giải Fashion Trust Arabia (FTA), dự kiến diễn ra vào ngày 25/10, đã thông báo vào tuần trước rằng sẽ hoãn lại. Tania Fares, đồng sáng lập, cho biết: “Sau khi cân nhắc cẩn thận và do tình hình đang diễn ra ở Trung Đông, chúng tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là hoãn lễ trao giải Fashion Trust Arabia dự kiến diễn ra tại Doha, Qatar vào ngày 25/10”, vị đồng chủ tịch của FTA tuyên bố. “Chúng tôi tin rằng, với tình hình hiện tại trong khu vực, việc tiếp tục diễn ra sự kiện là thiếu cân nhắc”.
Tuần trước, tạp chí Vogue Arabia cũng thông báo họ hủy bữa tiệc dự định diễn ra vào ngày ngày 13/10 để đánh dấu sự ra mắt của “Design in Dubai”, một chương trình quy tụ các nhà sáng tạo địa phương như Elie Saab, Bil Arabi và Andrea Wazen cùng nhau tỏa sáng. Nadine Kanso, người sáng lập Bil Arabi nói: “Tất nhiên, tất cả chúng tôi đều hiểu rằng công việc kinh doanh phải tiếp tục, nhưng đây không phải là lúc để ăn mừng”. Một bữa tối riêng tư vẫn diễn ra, Tạp chí Vogue Arabia cho biết họ sẽ sử dụng sự kiện này để hỗ trợ tổ chức phi lợi nhuận Bác sĩ không biên giới, tổ chức đang nỗ lực hỗ trợ thường dân vô tội ở khu vực bị ảnh hưởng.
Theo Vogue Business, thương hiệu mỹ phẩm YSL cũng quyết định hủy một sự kiện mà họ đã lên kế hoạch diễn ra trong tuần này và Marina Rinaldi đã hủy bữa tiệc ra mắt cho sự hợp tác mới với nhà thiết kế bao gồm kích cỡ có trụ sở tại Dubai, Dima Ayad vào ngày 16/10…. Nhưng vẫn có một số công ty đang thực hiện công việc kinh doanh như bình thường.
Vào tối thứ Năm tuần trước, Chanel đã tổ chức một bữa tối thân mật nhân dịp khai mạc “Chanel, A Journey to the Allure”, một cuộc triển lãm diễn ra từ ngày 12 đến ngày 22/10. Sự kiện “gặp gỡ nhà thiết kế” với Magda Butrym tại cửa hàng THAT the Concept ở Dubai, dự kiến diễn ra vào tuần tới vào ngày 17/10 cũng tiếp tục theo kế hoạch.
Rania Masri El Khatib, cố vấn thương hiệu và hàng xa xỉ, cho biết hoãn các sự kiện là một động thái hợp lý. “Trong khoảng thời gian đau buồn và bi thảm này, tôi không chỉ quyết định ngừng tham dự các sự kiện hiện tại mà còn khuyên các nhà quản lý PR, đại lý và thương hiệu nên trì hoãn bất kỳ lễ kỷ niệm nào. Ngày nay, hơn bao giờ hết, khách hàng đang theo dõi và mua hàng từ những thương hiệu có cùng giá trị và quan điểm đạo đức với họ. Đây là thời điểm rất nhạy cảm đối với nhiều người, và những lễ kỷ niệm cũng như sự phô trương xa hoa một cách công khai sẽ không được đón nhận”.
Tuy nhiên, một nhà tư vấn thương hiệu khác (không muốn nêu tên) tin rằng các thương hiệu không cần phải hoãn các sự kiện và chỉ ra thực tế là doanh số bán hàng vẫn rất cao trong khu vực. Ông này nói với tạp chí Vogue Business: “Thay vì hủy bỏ sự kiện, các thương hiệu có lẽ nên tổ chức các hoạt động gắn với mục đích từ thiện hoặc hỗ trợ nhân đạo phù hợp”.
Trong ngành thời trang, những nhân tố đại diện của Ả Rập và Trung Đông đang ở mức cao nhất mọi thời đại, và theo nghĩa đen, Trung Đông là trung tâm của thương mại dệt may toàn cầu trong nhiều thế kỷ, là một ngã tư giữa phương Đông và phương Tây. Đó là một điểm then chốt trên các tuyến đường thương mại “Con đường tơ lụa”, với hàng dệt may được vận chuyển qua lại giữa châu Âu và châu Á. Sự kết hợp những ảnh hưởng toàn cầu với truyền thống văn hóa của riêng khu vực khiến Trung Đông trở thành nơi hội tụ của các thương hiệu và nghệ nhân trong lĩnh vực thời trang.
Những năm gần đây, Arab Saudi đã thành lập Ủy ban Thời trang (Bộ Văn hóa), cam kết phát triển ngành công nghiệp thời trang đi kèm với bảo vệ di sản thủ công truyền thống của mình. Năm 2022, Ủy ban đã thành lập nền tảng “Saudi 100 Brands”, chọn ra 100 nhà thiết kế trong nước có tác phẩm được trưng bày trên khắp thế giới. Triển lãm du lịch năm 2023 cũng được đổi mới, lập ra một nhóm nghệ nhân tài năng, là cơ sở nâng cao nhận thức về thương hiệu trên toàn cầu.
Trong khi đó, Hội chợ World Expo Dubai hồi tháng 3/2022 là một sự kiện hoành tráng quy tụ nhiều thương hiệu xa xỉ toàn cầu tại tiểu vương quốc xa hoa và đắt đỏ nhất thế giới. Là thủ phủ thương mại của cả UAE và vùng Vịnh rộng lớn, Dubai được dự kiến sẽ là nơi trưng bày văn hóa, các phát kiến và kinh doanh. Hội chợ có sự tham gia của các thương hiệu xa xỉ lớn như Chanel và Giorgio Armani, những người sẽ phải tận dụng sự phục hồi của ngành du lịch Dubai và vùng Vịnh để thu hút và lôi kéo khách hàng trong thời gian tới.
NTK Giorgio Armani, chủ nhân thương hiệu Ý cùng tên, cho biết: “Thị trường này cực kỳ quan trọng với chúng tôi và Hội chợ Expo chắc chắn sẽ khiến khu vực Trung Đông trở thành cái nôi xa xỉ của thế giới mới”. Khalid Al Tayer, Giám đốc điều hành của công ty bán lẻ trực tuyến đa thương hiệu xa xỉ Ounass, công ty vận hành liên doanh với các thương hiệu bao gồm Gucci và Saint Laurent, cũng lạc quan không kém. “Là một trong số ít các thành phố cửa ngõ trên thế giới hiện đang mở cửa cho du lịch, Dubai sẽ trở thành thành phố du lịch toàn cầu số một trên thế giới. Nếu bạn đang tìm cách tận dụng sự phục hồi của bán lẻ du lịch thì không thành phố nào hấp dẫn hơn Dubai trong thời điểm này”.
Theo Financial Times số ra mới đây, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon cho biết: “Đây có thể là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ”. Người đứng đầu ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ lấy ví dụ về xung đột ở Ukraine và xung đột ở Trung Đông mới đây. Ông mô tả xung đột ở Trung Đông “có thể có tác động sâu rộng đến thị trường năng lượng và thực phẩm, thương mại toàn cầu và các mối quan hệ địa chính trị”.
Theo Minh Nguyệt/Vneconomy