Về trang chủ Chưa được phân loại Ngành cá tra: Hoàn thành sớm chỉ tiêu 2018, tỉnh táo cho cuộc đua 2019

Ngành cá tra: Hoàn thành sớm chỉ tiêu 2018, tỉnh táo cho cuộc đua 2019

Năm 2018, ngành cá tra hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trên 2 tỷ USD, kỳ vọng sẽ tạo đà cho những kỳ tích mới. Tuy nhiên, những thông tin phản hồi gần đây cho thấy, thị trường cá tra thế giới 2019 chứa nhiều ẩn số bất ngờ, cần phải tỉnh táo để xử lý một cách khéo léo

Hấp lực từ con cá tra
Bà Trương Thị Lệ Khanh -Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), cho biết: Trước đây, giá cá tra luôn thấp hơn cá rô phi khoảng 5-6cent/kg. Năm nay, lần đầu tiên, giá cá tra đã cao hơn cá rô phi với khoảng cách chênh lệch tới 1USD/kg. Tại thị trường Trung Quốc -quốc gia xuất khẩu cá rô phi hàng đầu thế giới, giá cá tra cũng cao hơn cá rô phi.

Chính vì vậy, nhiều nước đang ngày càng quan tâm hơn tới con cá tra. Có những nước trước đây từng có chương trình phát triển cá tra nhưng không thành công nên đã tạm dừng, nay lại quay trở lại với loại cá này. Tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Bangladesh… nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào con cá tra.

Giá sản phẩm cá tra tăng cao trong năm 2018 đã mang đến lợi nhuận hấp dẫn.

Theo Bộ Công Thương, sản lượng cá tra của Trung Quốc năm 2018 có thể đạt 30.000 tấn với mức giá cạnh tranh hơn so với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá, ngành cá tra nội địa của Trung Quốc đã cất cánh trong năm 2018. Đặc biệt, quốc gia này đang đẩy mạnh chế biến cá tra trên khắp cả nước với hơn 20 nhà máy.

Công ty Zhanjiang Shimei Aquati (Trung Quốc) đã báo giá cá tra phi lê cỡ 340 – 680 gram/con ở mức 16,1 – 16,2 NDT/kg (tương đương 2,32 – 2,38 USD/kg), thấp hơn so với giá nhập khẩu từ Việt Nam do không phải nộp thuế nhập khẩu.

Ông Dương Nghĩa Quốc -Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, bày tỏ lo lắng về đầu ra của ngành cá tra trong thời gian tới. Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đang mở rộng diện tích nuôi cá tra, trong tương lai có thể chưa cạnh tranh trực tiếp với cá tra của Việt Nam, nhưng cũng không nên xem thường vì nếu những quốc gia này tự cung, chắc chắn họ không tiếp tục nhập hàng của Việt Nam.

Nhiều nước đã bước vào đường đua
Một số nước nuôi cá tra đã bắt đầu chiến lược xâm nhập vào các thị trường tiêu thụ quan trọng. Tại triển lãm Seafex tổ chức ở Dubai (UAE) vừa qua, Hiệp hội Doanh nhân cá da trơn Indonesia đã cho ra mắt thương hiệu cá tra với mục tiêu xâm nhập vào thị trường Trung Đông.

Thông qua khẩu hiệu “Cá tra Indonesia – sự lựa chọn tốt”, cá tra Indonesia đang được giới thiệu ra thế giới là sản phẩm được nuôi bằng chế phẩm sinh học, sử dụng nước ngầm sạch với mật độ nuôi thấp.

Cùng với Indonesia, các nhà sản xuất cá tra Trung Quốc cho biết, nghề nuôi cá tra tại nước này mới bắt đầu nhưng với kinh nghiệm ngày càng tăng, phương pháp canh tác và công thức thức ăn chăn nuôi tốt hơn, sản lượng sẽ tăng. Năm tới, sẽ có nhiều nông dân nước này chuyển sang nuôi cá tra.

Dự báo thị trường cá tra thế giới 2019 nhiều biến động, nhiều nước cùng tham gia sản xuất, cuộc cạnh tranh thêm phần gay gắt.

Gần đây, Tập đoàn Guangdong Evergreen, một trong những công ty nuôi trồng và chế biến thức ăn lớn nhất Trung Quốc, cho biết dự kiến sẽ chế biến 7.000 tấn cá tra trong năm nay và nông dân đang nỗ lực để nuôi cá.

Với việc giá sản phẩm này đang quá hấp dẫn, các nước quan tâm nhiều hơn tới việc phát triển nghề nuôi cá tra cộng với những sự tiến bộ mới về công nghệ, đã không khỏi khiến cho các doanh nhân ngành hàng cá tra Việt Nam phải lo lắng. Trước đây, Việt Nam từng chiếm tới hơn 90% sản lượng cá tra toàn cầu, đến nay chỉ còn chiếm hơn 50%.

Phải nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu
Với tình hình nêu trên, dự bán sản lượng cá tra thế giới sẽ tăng cao trong thời gian tới, có thể sẽ xảy ra khủng hoảng thừa. Do đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có chính sách kiềm chế không để bùng nổ về sản lượng như đã từng xảy ra cách đây 10-12 năm. Mặt khác, cần đảm bảo chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

VASEP khuyến cáo doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa chất lượng sản phẩm, để tăng giá bán và có chiến lược trong dài hạn. Bởi, ngoài sản phẩm cá thịt trắng, đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhất với cá tra, thì nay tại một số quốc gia cũng đang tính toán tới việc phát triển cá tra cạnh tranh với cá tra Việt Nam trên nhiều thị trường nhập khẩu lớn.

Tại Việt Nam, cá tra luôn được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng vấn đề con giống, thương hiệu, công nghệ chế biến… chưa được quan tâm đúng mức. Ông Quốc cho biết, vấn đề xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam đã được bàn từ cách đây 10 năm, nhưng đến nay mới dừng ở khâu chuẩn bị đăng ký thương hiệu.

Đẩy mạnh chất lượng con giống cũng là vấn đề cần bàn, nghiên cứu đưa công nghệ vào sản xuất thức ăn, liên kết chuỗi sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt, phải đưa công nghệ vào khâu chế biến, từ đó đa dạng hóa sản phẩm cá tra và nâng cao giá trị, tạo ra sự khác biệt của cá tra Việt Nam về mặt chất lượng.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, tất cả giải pháp này cần phải làm đồng bộ. Có như vậy mới giữ vững được khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam, không chỉ với cá tra của các nước khác mà còn với cả các mặt hàng cá thịt trắng như cá rô phi, cá tuyết.

VASEP cho biết, tới nay xuất khẩu cá tra sang thị trường Arab Saudi vẫn tiếp tục bị đóng cửa. Nhiều yêu cầu ngặt nghèo về việc phê chuẩn “Chương trình chăn nuôi Halal” đối với các sản phẩm, thức ăn chăn nuôi, cơ sở sản xuất giống phải có Chứng nhận Halal khiến xuất khẩu cá tra sang thị trường này cho tới nay vẫn chưa được khơi thông.
Phan Đại Hữu -Langmoi.vn

Loạn nông sản dịp Tết: Chuyện cũ có lặp lại vào Tết Nguyên đán-2019 ?

Bình Định: Công bố nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương”

Hà Tĩnh: PGĐ ngân hàng, cán bộ kiểm lâm cùng 2 cô giáo tham gia tiệc ma tuý

Trung Quốc: Cặp đôi vợ 65-chồng 28 nhờ người mang thai hộ

Có thể bạn quan tâm