Thị trường chứng khoán trải qua một tuần đầy biến động với tâm lý thận trọng bao trùm đầu tuần vì chuỗi sụp đổ ngân hàng Mỹ. Sự sôi động trở lại khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có động thái ngược chiều thế giới.
Silicon, Signature Bank sụp đổ, thận trọng bao trùm
Thị trường chứng khoán Việt Nam vào đầu tuần 13-17/3 biến động tiêu cực sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank tại Mỹ sụp đổ ít ngày trước. Trước đó, một ngân hàng khác là Silvergate Bank cũng sụp đổ và tạo ra làn sóng rút tiền.
Hôm 12/3, các nhà chức trách Mỹ đã đóng cửa Signature Bank. Đây là ngân hàng tiền ảo lớn nhất ở Mỹ và trên thế giới. Trước đó 2 ngày, vụ Silicon Valley Bank (SVB) phá sản cũng đã làm rúng động nước Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, áp lực bán dâng cao khiến chỉ số VN-Index có những phiên giảm điểm khá mạnh (vào đầu tuần) cho dù khối ngoại vẫn mua ròng khá đều đặn, trong đó có dòng tiền đến từ quỹ Fubon (Đài Loan – Trung Quốc) mới huy động thêm được tiền rót vào cổ phiếu Việt.
Trong những phiên đầu tuần, cổ phiếu nhiều nhóm ngành bị chi phối bởi trạng thái giao dịch ảm đạm, trong đó có nhóm bất động sản, chứng khoán, thép… Tâm lý thận trọng kéo lùi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm.
Tuy nhiên, TTCK bất ngờ khởi sắc vào giữa tuần sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngược dòng thế giới, giảm một số lãi suất điều hành chủ chốt.
NHNN hạ lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
Trên TTCK, trong phiên ngày 15/3, chỉ số VN-Index tăng 21,11 điểm lên 1.061,24 điểm. HNX-Index tăng 5,3 điểm lên 207,85 điểm. Thanh khoản cũng được cải thiện, đạt 11.100 tỷ đồng trên 3 sàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và chứng khoán tăng mạnh. Cổ phiếu Chứng khoán SSI (SSI) tăng trần. Nhóm cổ phiếu họ Vin và Novaland tăng khá mạnh. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng điểm, trong đó có Sacombank (STB), ACB, HDBank (HDB), Techcombank (TCB)…
Ngóng chờ thế giới, sự thận trọng vẫn còn
Kết tuần, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.045,1 điểm, giảm 0,8% so với tuần trước. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 1,6% về mức 204,5 điểm và chỉ số Upcom-Index giảm nhẹ -0,5% về mức 76,4 điểm.
Nhưng thanh khoản trên TTCK tiếp tục cải thiện trong tuần qua với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 18,2% lên mức 11.713 tỷ đồng/phiên. Điểm tích cực là khối ngoại đã mua ròng mạnh với giá trị trên sàn HOSE đạt 2.163 tỷ đồng (+136% so với tuần trước) nhờ hoạt động giải ngân của các quỹ ETF như VNM ETF, Fubon ETF.
Tương tự, khối ngoại cũng gia tăng 76% giá trị mua ròng trên sàn HNX-Index lên mức 168 tỷ đồng trong khi bán ròng nhẹ 16 tỷ đồng trên sàn Upcom-Index (+17%).
Ngành bất động sản diễn biến tích cực trong tuần qua nhờ những thông tin hỗ trợ như Nghị định 08 về trái phiếu, NHNN hạ lãi suất điều hành. Đà tăng của ngành được dẫn dắt bởi Vinhomes (VHM, tăng 1,2%); Novaland (NVL, tăng 3,2%)…
Đồng thời, ngành chứng khoán chứng kiến một tuần tích cực khi được đánh giá là hưởng lợi từ xu hướng lãi suất giảm. Ngược lại, nhóm ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng tâm lý tiêu cực khi cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ và châu Âu bị bán tháo sau sự kiện ngân hàng SVB sụp đổ.
Vụ ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ Credit Suisse đứng trên bờ vực phá sản sau khi nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse – Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út (SNB) ngừng bơm thêm vốn cũng khiến giới đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng tại Mỹ lan sang châu Âu.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối phân tích VnDirect cho rằng, thị trường chờ đợi tín hiệu từ cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 21/3.
Đây sẽ là tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu trong tuần giao dịch tới. Thị trường đang nghiêng về kịch bản Fed tăng 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành.
Cũng đã có một số dự báo cho rằng, Fed có thể tạm ngừng nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 3 (tuy nhiên xác suất này thấp hơn). Trong kịch bản cơ sở là Fed tiếp tục tăng lãi suất điều hành, tâm lý của thị trường tài chính toàn cầu có thể vẫn thận trọng, chưa cải có sự cải thiện rõ nét. Mặt bằng lãi suất cao vẫn sẽ đặt ra thách thức đối với sức khỏe của một số tổ chức tài chính.
Trong nước, động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN được đánh giá là tích cực đối với TTCK. Tuy vậy, tác động trong ngắn hạn sẽ chưa lớn và cần có thời gian để hiệu ứng tích cực lan tỏa tới các ngành, nghề và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Hinh, trong ngắn hạn, dòng tiền nội vẫn tương đối yếu do mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn còn cao hơn thời điểm trước Covid-19, cũng như những điểm nghẽn về trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản chưa được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, việc quỹ Fubon ETF chia nhỏ lượng giải ngân vào thị trường cũng khiến cho tác động tích cực của dòng tiền ngoại là không lớn. Do vậy, thị trường trong nước sẽ khó bứt phá trong ngắn hạn và chỉ số VN-Index nhiều khả năng vẫn giao dịch trong biên độ hẹp từ mức 1.030-1.070 điểm trong tuần tới.
Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng, sự kiện SVB và Credit Suisse không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Còn Fitch Ratings cho biết các ngân hàng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có khả năng chống chọi với những rủi ro nổi lên sau các sự vụ ngân hàng Mỹ sụp đổ gần đây.
Theo Chứng khoán CSI, TTCK giảm điểm trong tuần nhưng vẫn giữ được mốc hỗ trợ 1.030-1.040 điểm nên xu hướng tiêu cực chưa mạnh. VN-Index có thể hồi phục và ngưỡng kháng cự mạnh tại mốc 1.070-1.080 điểm.