Với tốc độ tăng trưởng hai con số, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến tăng trưởng kép ở mức 16%, chạm mốc 36 tỷ USD vào năm 2024.
Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 9” do Google, Temasek và Bain & Company công bố, năm 2024, kinh tế số Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng hai con số với tổng giá trị hàng hóa dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 16%. Hai lĩnh vực: thương mại điện tử và du lịch trực tuyến là động lực thúc đẩy chính phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Thương mại điện tử Việt Nam được thúc đẩy thần tốc bởi mô hình video thương mại
Theo báo cáo, thương mại điện tử năm 2024 đã tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm trước, tổng giá trị hàng hóa chạm mốc 22 tỷ USD. Mức tăng trưởng này được thúc đẩy thần tốc bởi mô hình sử dụng video trực tuyến để quảng bá sản phẩm và bán hàng (video thương mại).
Cùng với thương mại điện tử, du lịch trực tuyến của Việt Nam tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 5 tỷ USD năm 2024, đóng góp đáng kể vào tổng giá trị hàng hóa. Sự tăng trưởng này được đóng góp bởi quá trình phục hồi du lịch của nhóm khách trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), chiếm 52% tổng chi tiêu du lịch tại Việt Nam.
Trong khi đó, người Việt cũng chi tiêu cho du lịch nhiều nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu du lịch nước ngoài của người Việt, tương đương 36%. Đáng chú ý, chi tiêu của du khách Việt ở nước ngoài tăng trưởng 290% kể từ nửa đầu 2020, với 58% chi tiêu dành cho mua sắm.
Ngoài 2 động lực trên, truyền thông trực tuyến tại Việt Nam cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tổng giá trị hàng hoá ngành truyền thông trực tuyến năm 2024 trên đà chạm mốc 6 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng kép tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán đạt mức 11 tỷ USD vào năm 2030. Ngày càng có nhiều nhà phát triển ứng dụng Việt Nam tạo nên ảnh hưởng toàn cầu với các ứng dụng phổ biến cho người dùng trên toàn thế giới.
Báo cáo cũng đề cập đến tăng trưởng của thị trường gọi xe trực tuyến với tổng giá trị hàng hoá cho hai lĩnh vực vận tải và thực phẩm dự kiến đạt 4 tỷ USD (tăng trưởng 12%) trong năm nay. Không chỉ vậy, lĩnh vực gọi xe của Việt Nam đang trải qua thời kỳ cạnh tranh gay gắt với sự xuất hiện của các hãng xe nội địa và xe điện. Khi lĩnh vực này tiếp tục phát triển, dự kiến sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn, định hình lại ngành và có khả năng đẩy nhanh sự lấn sân của xe điện.
Kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số trong năm 2024
Nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ khiến cho xã hội không tiền mặt đang nhanh chóng được hình thành tại Việt Nam, được thúc đẩy bởi các sáng kiến cộng đồng và giải pháp tài chính sáng tạo. Sự phát triển của ví điện tử cùng với việc áp dụng rộng rãi thanh toán bằng mã QR đã làm giảm đáng kể các giao dịch tiền mặt. Các sáng kiến của Chính phủ đã tiêu chuẩn hóa hệ thống thanh toán và nâng cao khả năng tương tác, khuyến khích hơn nữa việc chuyển đổi sử dụng không tiền mặt.
Ông Andrea Campagnoli – đối tác tại Bain & Company cho biết: Nền kinh tế số của Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt là với hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động và phát triển, hứa hẹn trở thành điểm nóng cho công nghệ AI và đổi mới.
Để khai thác toàn diện tiềm năng chuyển đổi của AI tạo sinh, các doanh nghiệp phải vượt qua giai đoạn thử nghiệm và đầu tư vào các yếu tố nền tảng – liên kết các sáng kiến AI với mục tiêu kinh doanh cốt lõi để giải quyết những vấn đề thực tế và tạo ra giá trị hữu hình, tăng cường nhân tài AI và xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng mở rộng, thích ứng để phát triển bền vững”.
Còn theo nhận định của ông Marc Woo – Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam của Google Châu Á – Thái Bình Dương, 5 năm qua chứng kiến sự tăng trưởng mạnh và liên tục của nền kinh tế số Việt Nam và năm 2024 tiếp tục chứng minh tiềm năng ấy. Người dùng Việt Nam cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn về AI trong năm 2024 và thật đáng khích lệ khi Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên lĩnh vực này. Google tiếp tục hỗ trợ kinh tế số Việt Nam tăng trưởng bằng cách giúp lực lượng lao động, doanh nghiệp địa phương trang bị kỹ năng và kiến thức sẵn sàng cho kỷ nguyên AI.