676 doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ số tài sản trị giá hơn 3,8 triệu tỉ đồng. Làm sao để lực lượng này hoạt động hiệu quả là vấn đề được đặt ra trong cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu sáng 3.3.
Phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng lên khoảng 430 tỉ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 4.300 USD. Kết quả này có sự đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng đề nghị đánh giá tình hình liên quan phát triển doanh nghiệp nhà nước, những thuận lợi và khó khăn hiện nay; phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước góp phần để kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Các giải pháp để khai thác hiệu quả hơn nữa tài sản, nguồn vốn rất lớn đang có tại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là giải pháp đầu tư; làm mới các động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) để doanh nghiệp nhà nước đi đầu, dẫn dắt, định hướng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới…
Thủ tướng lấy ví dụ về việc tích cực trao đổi với các đối tác liên quan của Nhật Bản và Kuwait để đi đến thống nhất các nội dung tái cấu trúc dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đầu tư hơn 9 tỉ USD, nhưng đến nay vẫn lỗ lũy kế lớn.
“Đảng, nhà nước, nhân dân tin tưởng các đồng chí để giao nguồn vốn, tài sản rất lớn thì phải làm thế nào để không phụ lòng tin đó. Những gì đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa, những gì chưa được thì khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát triển doanh nghiệp nhà nước với động lực mới, khí thế mới, cùng tiến bộ với cả nước, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp nhà nước khoảng 1,65 triệu tỉ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023. Trong đó, doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng công ty và tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nhà nước khoảng 125.800 tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 166.000 tỉ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai, như dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây…
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho rằng, để phát triển doanh nghiệp nhà nước tương xứng, phải lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước có trình độ, kinh nghiệm quản lý giỏi; đồng thời, có chế độ tiền lương và lợi ích tương xứng với năng lực và kết quả quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ KH-ĐT sẽ phấn đấu hoàn thiện trình Chính phủ đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.
Đại diện các doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), cho biết theo đánh giá của tổ chức FiinRatings, Petrovietnam có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng Việt Nam.
Quy mô tổng tài sản của Petrovietnam đến hết năm 2023 đạt 42,5 tỉ USD (998.000 tỉ đồng). Tập đoàn này cũng đặt mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực.