Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Năm 2025: Phấn đấu tăng trưởng GDP 7 – 7,5%

Năm 2025: Phấn đấu tăng trưởng GDP 7 – 7,5%

Xác định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 – 7%, phấn đấu khoảng 7 – 7,5% trong bối cảnh, tình hình thuận lợi hơn.

Nguồn: Chính phủ Đồ họa: Phương Anh

Năm “tăng tốc, bứt phá”

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2025 bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ. Triển vọng kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc dự báo còn nhiều khó khăn. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông quan trọng

Năm 2025, Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; các dự án quan trọng, động lực như Sân bay Long Thành, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột… để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Với Việt Nam, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) 5 năm 2021 – 2025, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, năm củng cố các nền tảng phát triển mới để không bị “lỡ nhịp” trong triển khai kế hoạch phát triển KTXH, các ngành, lĩnh vực, các vùng, các địa phương trong giai đoạn 2026 – 2030, hướng tới thực hiện mục tiêu Chiến lược Phát triển KTXH 10 năm 2021 – 2030. Do đó, Chính phủ xác định đây là năm tăng tốc, bứt phá, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025.

Trên cơ sở đó, Chính phủ dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 có 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP ước khoảng 6,5 – 7%, phấn đấu khoảng 7 – 7,5% trong bối cảnh, tình hình thuận lợi hơn để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 – 33 thế giới về quy mô GDP. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến hết năm 2023, GDP của Việt Nam đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới.

Cùng với đó, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,1%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3 – 5,5%…

Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà trước hết là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác được phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa; nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đối với chính sách tiền tệ, nhiệm vụ là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, điều tiết lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đối với chính sách tài khóa, Chính phủ xác định điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt với các dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ xác định lấy dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) – Phố Nối (Hưng Yên) làm hình mẫu điển hình về chỉ đạo, điều hành quyết liệt; có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết.

Trong đó, nguồn lực của ngân sách trung ương được ưu tiên bố trí thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế. Các địa phương phải chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để đầu tư các dự án thuộc phạm vi tỉnh với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Với lĩnh vực tài chính, ngân sách, nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN). Quản lý chặt chẽ thu NSNN, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi NSNN; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử; phấn đấu thu NSNN năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024.

Về phát triển hạ tầng, giải pháp trọng tâm là tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.

Cụ thể, Chính phủ phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025; hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Các chỉ tiêu nợ công, bội chi thấp hơn nhiều phạm vi cho phép

Trên cơ sở những kết quả đạt được từ năm 2021 đến nay và dự kiến Kế hoạch Phát triển KTXH năm 2025, theo đánh giá của Chính phủ, Việt Nam sẽ đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 – 2025 do Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Đồng thời, cuối giai đoạn cũng hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng khác, đặc biệt là nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn nhiều phạm vi cho phép.

Dự kiến đến hết năm 2025, nợ công của nước ta khoảng 36 – 37% GDP (mức trần là 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP), nợ chính phủ khoảng 34 – 35% GDP (mức trần là 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP), nợ nước ngoài quốc gia khoảng 33 – 34% GDP (mức trần là 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP). Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 – 2025 là 3,7% GDP.Cũng trong giai đoạn này, một chỉ tiêu khác cũng vượt mục tiêu đề ra là đưa vào sử dụng hơn 3.000 km đường bộ cao tốc.

Riêng một số chỉ tiêu liên quan đến GDP, nhất là tốc độ tăng GDP, Chính phủ đánh giá là khó đạt do bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo, đất nước ta bị tác động sâu sắc bởi những yếu tố bất lợi từ bên ngoài, nhất là đại dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, cạnh tranh nước lớn, xung đột quân sự tại các khu vực làm giá đầu vào nguyên liệu diễn biến bất thường…

 

Theo Thời báo Tài chính.

Có thể bạn quan tâm