Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Năm 2024 – Bước ngoặt trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam

Năm 2024 – Bước ngoặt trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam

Năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam, với những chương trình có tầm vóc, sức thu hút mạnh mẽ và tạo ra hiệu ứng xã hội lớn. Các sự kiện văn hóa từ điện ảnh, âm nhạc đến lễ hội truyền thống đã không chỉ góp phần làm phong phú thêm

Các sự kiện văn hóa từ điện ảnh, âm nhạc đến lễ hội truyền thống đã không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn thúc đẩy đáng kể cho ngành du lịch và kinh tế địa phương. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.

Ngành công nghiệp văn hóa chứng kiến sự bùng nổ với hàng loạt sự kiện tầm cỡ

PV: Năm 2024 đã ghi nhận nhiều thành công trong công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về sự chuyển mình của lĩnh vực này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Năm 2024 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Từ chỗ được xem như lĩnh vực phi lợi nhuận, văn hóa giờ đây được nhìn nhận như một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế. Những ngành như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, và du lịch văn hóa không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn.

Sự thay đổi này là kết quả từ các chính sách chiến lược như Nghị quyết 33 về phát triển văn hóa, con người Việt Nam và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định công nghiệp văn hóa là trụ cột kinh tế quốc gia, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sáng tạo, và xây dựng cơ chế pháp lý thuận lợi. Các lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, và thiết kế đã được ưu tiên đầu tư, mở rộng thị trường quốc tế, góp phần tạo việc làm và nâng cao giá trị xuất khẩu.

 

Năm nay, ngành công nghiệp văn hóa chứng kiến sự bùng nổ với hàng loạt sự kiện tầm cỡ. Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, Tuần lễ Thiết kế – Sáng tạo Hà Nội, hay kể cả Liên hoan Phim Hoạt hình lần đầu tiên đã tạo dấu ấn sâu sắc, đưa văn hóa Việt đến gần hơn với công chúng quốc tế. Các sự kiện này không chỉ giới thiệu những sản phẩm sáng tạo mà còn khẳng định vai trò thiết yếu của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh quốc gia.

Bên cạnh đó, những lễ hội du lịch văn hóa như Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước TP.HCM, Festival hoa Đà Lạt, và Festival Pháo hoa Đà Nẵng,… đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Những địa phương như Nha Trang, Đà Lạt, Hội An, và Sa Pa cũng không ngừng tổ chức các tuần lễ văn hóa, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch kết hợp văn hóa.

Điện ảnh và âm nhạc tiếp tục khẳng định vị thế với sự thành công của các bộ phim đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng và các concert âm nhạc cháy vé từ khi mở bán. Các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước đã giúp nâng tầm giá trị sản phẩm văn hóa Việt Nam, tạo tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn quốc tế.

Với nền tảng chính sách vững chắc, năm 2024 là bước ngoặt quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đây không chỉ là động lực kinh tế mà còn là công cụ bảo tồn bản sắc dân tộc, góp phần thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế sáng tạo toàn cầu. Những dấu ấn này không chỉ khẳng định vị trí ngày càng quan trọng của công nghiệp văn hóa mà còn mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

PV: Các sự kiện như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, Liên hoan Âm nhạc Quốc tế TPHCM lần thứ 4 – Hò Dô 2024, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, Jazz quốc tế lần thứ I – Nha Trang 2024… có ý nghĩa ra sao trong việc nâng tầm thương hiệu văn hóa Việt Nam?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Những sự kiện trên mang ý nghĩa đặc biệt trong việc nâng tầm thương hiệu văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Đây không chỉ là những hoạt động nghệ thuật đơn thuần mà, theo tôi, còn là cách Việt Nam khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của mình trong dòng chảy hội nhập toàn cầu. Tôi nhận thấy, thông qua những sự kiện này, chúng ta không chỉ tôn vinh giá trị truyền thống mà còn thể hiện khát vọng sáng tạo, đổi mới và sự vươn mình mạnh mẽ của văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên hiện đại.

Tôi cho rằng các sự kiện này đóng vai trò như những cánh cửa để bạn bè quốc tế hiểu hơn về một Việt Nam giàu bản sắc, đa dạng về văn hóa và luôn sẵn sàng hội nhập. Chẳng hạn, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 có thể xem là điểm nhấn quan trọng, thể hiện Hà Nội không chỉ là một thủ đô ngàn năm văn hiến mà còn là một thành phố sáng tạo được quốc tế công nhận. Đây là cơ hội để Hà Nội giới thiệu những ý tưởng thiết kế độc đáo, các sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương, góp phần làm phong phú thêm mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Mỗi sự kiện đều là một cơ hội quý báu để Việt Nam truyền đi thông điệp về một đất nước cởi mở, giàu sáng tạo, vừa bảo tồn những giá trị truyền thống quý báu, vừa không ngừng hội nhập và đổi mới. Những dấu ấn mà các sự kiện này để lại, tôi nghĩ, không chỉ dừng lại ở những con số ấn tượng về lượt tham gia hay sự chú ý của truyền thông quốc tế, mà còn nằm ở những cảm xúc, sự kết nối và ấn tượng tốt đẹp mà bạn bè quốc tế dành cho văn hóa, con người Việt Nam. Điều này, tôi tin rằng, sẽ tạo nên sức lan tỏa lâu dài, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn trên bản đồ thế giới.

PV: Những bộ phim như “Mai”, “Lật mặt: Một điều ước” hay “Đào, phở và piano” vừa lập kỷ lục doanh thu, vừa tạo hiệu ứng xã hội lớn. Theo ông, điện ảnh Việt Nam cần làm gì để tiếp tục duy trì sức hút này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Những bộ phim như “Đào, Phở và Piano”, “Lật mặt” hay “Mai” đã chứng minh sức hấp dẫn mạnh mẽ của điện ảnh Việt Nam đối với khán giả trong nước lẫn quốc tế. Đây không chỉ là các tác phẩm nghệ thuật mà còn là minh chứng cho sự phát triển và sáng tạo không ngừng của các nhà làm phim Việt Nam. Thành công của những bộ phim này đến từ sự kết hợp hài hòa giữa câu chuyện mang đậm giá trị văn hóa dân tộc và cách kể chuyện hiện đại, hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu khán giả hôm nay.

Để tiếp tục duy trì và phát huy sức hút này, điện ảnh Việt Nam cần tập trung vào một số yếu tố cốt lõi. Trước hết, tôi nghĩ rằng cần đầu tư vào việc xây dựng kịch bản. Một câu chuyện hay, ý nghĩa, và gần gũi với cuộc sống luôn là yếu tố quan trọng nhất để thu hút khán giả. Tôi nhận thấy rằng những bộ phim thành công thường có kịch bản chặt chẽ, nhân vật được khắc họa sâu sắc, tạo sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ với người xem.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng ngành điện ảnh cần chú trọng phát triển đội ngũ làm phim trẻ, khuyến khích sự sáng tạo và những góc nhìn mới mẻ. Những tài năng trẻ, nếu được trao cơ hội và nguồn lực phù hợp, chắc chắn sẽ mang đến những ý tưởng đột phá, giúp điện ảnh Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Một yếu tố khác không thể bỏ qua là việc đầu tư vào công nghệ sản xuất. Hiện nay, kỹ xảo điện ảnh và các công nghệ hiện đại đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng hình ảnh và hiệu ứng đặc biệt của các bộ phim. Điện ảnh Việt Nam, theo tôi, cần tiếp tục cải tiến về mặt kỹ thuật để có thể cạnh tranh với các nền điện ảnh lớn trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, việc tiếp thị và quảng bá phim cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ rằng các nhà làm phim cần tận dụng tối đa các nền tảng truyền thông xã hội, chiến lược marketing sáng tạo và hợp tác với các hệ thống rạp chiếu để tăng sức lan tỏa cho tác phẩm của mình.

 

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và khai thác các yếu tố văn hóa bản sắc là điểm mấu chốt để điện ảnh Việt Nam tạo ra sự khác biệt. Những câu chuyện đậm chất Việt Nam, với bối cảnh, nhân vật và thông điệp phản ánh được tâm hồn, đời sống và tinh thần của người Việt, luôn có sức hút mạnh mẽ không chỉ với khán giả trong nước mà còn với công chúng quốc tế.

Tôi tin rằng, với sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố sáng tạo, công nghệ hiện đại và sự trân trọng giá trị văn hóa, điện ảnh Việt Nam sẽ không chỉ duy trì sức hút mà còn vươn xa, khẳng định vị thế trên bản đồ điện ảnh thế giới.

PV: Năm 2024 chứng kiến sự thành công của các concert nội địa như “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Ông đánh giá như thế nào về tín hiệu tích cực của thị trường âm nhạc Việt Nam?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Sự kiện các concert nội địa như “Anh trai say hi” hay “Anh trai vượt ngàn chông gai” lập kỷ lục bán vé trong năm 2024 là một tín hiệu vô cùng tích cực đối với thị trường âm nhạc Việt Nam, cho thấy rằng khán giả Việt Nam ngày càng quan tâm và sẵn sàng chi trả để thưởng thức các sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ trong nước. Đây không chỉ là sự thay đổi trong thị hiếu mà còn phản ánh sự trưởng thành và phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam.

Tôi cho rằng thành công của các concert nội địa này đến từ nhiều yếu tố. Trước hết, đó là chất lượng âm nhạc ngày càng được nâng cao. Các nghệ sĩ Việt Nam đã đầu tư nghiêm túc vào sản phẩm của mình, từ việc sáng tác, sản xuất đến biểu diễn. Những ca khúc chạm tới cảm xúc của khán giả, kết hợp với phong cách biểu diễn chuyên nghiệp và sáng tạo, chính là yếu tố thu hút đông đảo người hâm mộ.

Tôi cũng nghĩ rằng sự đổi mới trong việc tổ chức concert đã góp phần quan trọng vào thành công này. Những chương trình được đầu tư công phu từ khâu sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến cách xây dựng kịch bản biểu diễn đã tạo ra những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ cho khán giả. Tôi nhận thấy rằng việc áp dụng các công nghệ hiện đại và phong cách tổ chức chuyên nghiệp, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, đã giúp nâng tầm các concert nội địa, tạo niềm tin và sự háo hức cho công chúng.

Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc quảng bá và lan tỏa hình ảnh của nghệ sĩ cũng như các chương trình âm nhạc. Những chiến lược marketing sáng tạo, khả năng kết nối mạnh mẽ với người hâm mộ thông qua các nền tảng số đã giúp các nghệ sĩ nội địa xây dựng cộng đồng fan lớn mạnh, trung thành.

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy khán giả Việt đang ngày càng tự hào và trân trọng giá trị âm nhạc nội địa. Sự thành công của các concert nội địa không chỉ là thành tựu của riêng các nghệ sĩ mà còn là minh chứng cho sự thay đổi tích cực trong nhận thức của công chúng đối với nền âm nhạc nước nhà.

Nếu được tiếp tục đầu tư và phát triển đúng hướng, thị trường nhạc Việt sẽ không chỉ dừng lại ở việc chinh phục khán giả trong nước mà còn có thể vươn ra quốc tế. Các nghệ sĩ Việt Nam, với tài năng và sự nỗ lực, hoàn toàn có khả năng tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam nhưng cũng phù hợp với thị hiếu toàn cầu. Đây chính là thời điểm để nhạc Việt khẳng định vị thế và tạo dựng một thương hiệu vững chắc trên bản đồ âm nhạc quốc tế.

Các chương trình văn hóa lớn góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

PV: Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất để một chương trình văn hóa đạt được tầm vóc lớn và tạo sức hút với công chúng?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Yếu tố quan trọng nhất để một chương trình văn hóa đạt được tầm vóc lớn và tạo sức hút mạnh mẽ với công chúng chính là sự kết hợp hài hòa giữa nội dung sáng tạo, giá trị văn hóa sâu sắc và cách tổ chức chuyên nghiệp. Một chương trình chỉ thực sự ghi dấu trong lòng khán giả khi nó không chỉ mang lại những trải nghiệm độc đáo mà còn truyền tải được những thông điệp ý nghĩa, chạm đến cảm xúc và sự quan tâm của công chúng.

Tôi nhận thấy rằng nội dung sáng tạo đóng vai trò then chốt trong việc định hình sức hút của một chương trình văn hóa. Sự mới mẻ trong cách thể hiện, ý tưởng đột phá hoặc cách lồng ghép các yếu tố truyền thống với hiện đại có thể tạo nên dấu ấn riêng biệt. Khán giả ngày nay không chỉ tìm kiếm sự giải trí đơn thuần mà còn mong muốn được tham gia vào những trải nghiệm văn hóa có chiều sâu, giúp họ hiểu thêm về bản sắc dân tộc hoặc kết nối với các giá trị nhân văn phổ quát.

Theo tôi, tầm vóc của một chương trình phụ thuộc rất lớn vào cách thức tổ chức và chiến lược quảng bá. Một sự kiện được đầu tư kỹ lưỡng về sân khấu, âm thanh, ánh sáng, cùng sự chỉn chu trong từng chi tiết, từ khâu đón tiếp khán giả đến điều hành chương trình, sẽ tạo nên những ấn tượng khó phai. Đồng thời, việc tận dụng hiệu quả các nền tảng truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, giúp lan tỏa hình ảnh và thông điệp của chương trình đến đông đảo công chúng, thậm chí vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Sự tham gia của các nghệ sĩ, chuyên gia uy tín hoặc những nhân vật có sức ảnh hưởng cũng là một yếu tố quan trọng để tăng tính thuyết phục và hấp dẫn của chương trình. Những tên tuổi lớn không chỉ đảm bảo chất lượng nghệ thuật mà còn tạo nên sức hút mạnh mẽ với khán giả, khiến chương trình trở thành một sự kiện đáng mong chờ.

Ngoài ra, yếu tố không thể thiếu chính là sự thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của công chúng. Một chương trình thành công phải biết lắng nghe, tìm hiểu thị hiếu, kỳ vọng của khán giả để từ đó tạo nên những sản phẩm văn hóa thực sự phù hợp và ý nghĩa. Khi người tham dự cảm nhận được sự kết nối giữa mình với chương trình, họ sẽ không chỉ đơn thuần là người xem mà còn trở thành một phần trong hành trình của sự kiện.

PV: Công nghiệp văn hóa đang tạo động lực phát triển kinh tế. Ông có thể chia sẻ thêm về vai trò của các chương trình văn hóa lớn trong việc thúc đẩy du lịch và thương mại?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Các chương trình văn hóa lớn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của du lịch và thương mại, trở thành một trong những động lực chính để kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững. Những sự kiện này không chỉ là sân chơi sáng tạo của ngành văn hóa mà còn là những cầu nối mạnh mẽ để quảng bá hình ảnh quốc gia, thu hút du khách trong và ngoài nước cũng như kích hoạt các hoạt động thương mại liên quan.

Đối với du lịch, các chương trình văn hóa lớn có sức hấp dẫn đặc biệt bởi chúng mang đến những trải nghiệm độc đáo, đậm đà bản sắc địa phương. Chẳng hạn, những lễ hội âm nhạc, liên hoan phim, hay triển lãm nghệ thuật không chỉ là dịp để khán giả thưởng thức nghệ thuật mà còn khơi gợi sự tò mò và khát khao khám phá về văn hóa, ẩm thực và phong tục tập quán của địa phương tổ chức sự kiện, góp phần gia tăng lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú của họ, từ đó tạo hiệu ứng tích cực lên toàn bộ ngành du lịch.

Tôi cho rằng các sự kiện văn hóa lớn cũng là cơ hội vàng để thúc đẩy thương mại, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thời trang, và ẩm thực. Khi du khách tham gia vào các chương trình văn hóa, họ thường dành sự quan tâm đặc biệt đến những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Việc tổ chức các hội chợ, khu vực trưng bày, hoặc triển lãm thương mại song hành cùng các sự kiện văn hóa sẽ giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng doanh thu.

Các chương trình văn hóa lớn không chỉ tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp mà còn gián tiếp xây dựng thương hiệu quốc gia. Những sự kiện như vậy có thể được ví như một “cửa sổ” để thế giới nhìn vào Việt Nam, từ đó làm nổi bật sự sáng tạo, bản sắc dân tộc và tiềm năng phát triển của đất nước. Hơn nữa, khi các chương trình được tổ chức thành công, với sự tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng hay sự quan tâm từ truyền thông quốc tế, hình ảnh quốc gia sẽ được nâng cao trên trường quốc tế, thúc đẩy thêm dòng vốn đầu tư và hợp tác kinh tế.

Tôi nhận thấy rằng, để các chương trình văn hóa phát huy tối đa vai trò trong việc thúc đẩy du lịch và thương mại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành văn hóa, du lịch và kinh tế. Những chiến lược quảng bá hiệu quả, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cùng sự hỗ trợ từ chính sách sẽ tạo nền tảng vững chắc để các sự kiện văn hóa lớn trở thành đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Tôi tin rằng, khi được tổ chức một cách chuyên nghiệp và sáng tạo, các chương trình văn hóa lớn không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mà còn mang lại những giá trị kinh tế bền vững, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn trên bản đồ thế giới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV.

Có thể bạn quan tâm