Cả Nga và Mỹ đều đang muốn tăng cường khả năng kết nối các khu vực xa xôi, dân cư thưa thớt nhờ công nghệ 6G.
Mạng 6G là chìa khóa kết nối với các khu vực xa xôi, hẻo lánh
Các hoạt động trực tuyến thiết yếu như hội nghị truyền hình và truyền hình độ phân giải cao ngày nay đều yêu cầu tốc độ tải xuống ở mức từ 25 Mbps. Năm 2019, trung bình có khoảng 4,4% người dân Mỹ không thể truy cập với tốc độ như vậy.
Vấn đề còn tồi tệ hơn gấp 4-5 lần ở các vùng nông thôn và lãnh thổ xa xôi của người Mỹ, với tỷ lệ lần lượt là 17% và 21%, làm trầm trọng thêm sự phân hóa về kỹ thuật số trong các cộng đồng dân cư.
Trong một thế giới mà hoạt động của doanh nghiệp, đời sống và liên lạc ngày càng được thực hiện thông qua các thiết bị di động, Internet tốc độ cao đang trở thành một nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, các khu vực rộng lớn của Mỹ vẫn thiếu dịch vụ di động hoặc băng thông rộng tốc độ cao.
Một giải pháp khả thi có thể được đưa ra bởi mạng di động thế hệ thứ sáu (6G). Theo các chuyên gia, mạng 6G sẽ bổ sung những lỗ hổng cho các hệ thống mặt đất bằng mạng không gian.
Giữa năm 2023, Chính phủ Mỹ đã thực hiện các bước nhằm cải thiện khả năng kết nối, bằng cách mở rộng cơ sở hạ tầng băng thông rộng hiện có. Cuối tháng 6/2023, chính quyền Mỹ đã phân bổ 42,4 tỷ USD cho chương trình “Công bằng, Truy cập và Triển khai Băng thông rộng”/(BEAD), nhằm mục đích cung cấp cho người dân Mỹ khả năng truy cập Internet tốc độ cao đáng tin cậy.
Năm 2022, các sản phẩm phần mềm được phát triển ở Nga để đẩy nhanh sự phát triển của mạng 5G và 6G. Tuy nhiên, bất chấp những kế hoạch đầy tham vọng, việc triển khai đầy đủ mạng 5G ở Nga gặp một số khó khăn, bao gồm các lệnh trừng phạt và thiếu sự đồng thuận về vấn đề triển khai 5G.
Vì vậy, không giống như nhiều quốc gia khác, Nga đang xem xét bỏ qua việc triển khai đầy đủ 5G và chuyển thẳng sang phát triển mạng 6G.
Các chuyên gia Nga đang tích cực phát triển công nghệ 6G, bao gồm sử dụng vệ tinh và máy bay không người lái, nhằm nỗ lực cải thiện tốc độ kết nối, giảm độ trễ mạng và cho phép phủ sóng diện rộng, tới cả các khu vực xa xôi và dân cư thưa thớt của đất nước.
Hệ thống mạng 6G cung cấp kết nối nhanh hơn, với độ trễ mạng thấp hơn
Nhiều khu vực trên thế giới vẫn phải đối mặt với việc chưa thể triển khai rộng rãi mạng 5G. Tổng phạm vi phủ sóng của mạng 5G ước tính mới chỉ chiếm khoảng 10% bề mặt Trái đất. Với sự ra đời của 6G, một phần trong đó sẽ được đưa vào không gian, con số này có thể thay đổi đáng kể tình trạng hiện nay.
Mạng 6G vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và thậm chí còn chưa định hình được những thông số quan trọng. Tuy nhiên, dự kiến công nghệ 6G sẽ nhanh hơn rất nhiều, thậm chí gấp hàng ngàn lần so với mạng 5G hiện tại do sử dụng sóng vô tuyến tần số cao hơn. Công nghệ này sẽ cung cấp kết nối nhanh hơn, với độ trễ mạng thấp hơn.
Các nỗ lực nghiên cứu và phát triển 6G hiện tại tập trung vào việc tạo ra các mạng “ngoài Trái đất” thông qua sự hỗ trợ của các vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO) và các phương tiện bay không người lái, giúp giảm bớt chi phí so với mạng 5G, bởi lẽ mạng 5G hiện chủ yếu dựa vào hệ thống cáp quang mặt đất và trạm phát di động.
Các chuyên gia cho rằng công nghệ 6G sẽ mở ra cánh cửa cho các công nghệ tương lai. Đặc biệt, mạng 6G sẽ cung cấp các dịch vụ vượt quá khả năng của bộ định tuyến tại nhà hiện nay, đặc biệt là về độ trễ, nhờ sự hỗ trợ của các trạm phát từ xa ngày càng tăng.
Việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong 6G sẽ giúp cải thiện khả năng phân tích sử dụng dữ liệu theo thời gian thực và tăng tốc độ xử lý dữ liệu.
Dù công nghệ 6G hứa hẹn những thay đổi mang tính cách mạng, việc triển khai vẫn còn một chặng đường dài: 6G dự kiến sẽ không được ứng dụng thương mại trước năm 2030.
Theo Vietnamnet