Tư duy “nghĩ lớn, làm lớn” là nền tảng để Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 mà còn tiến xa hơn, sẵn sàng đối mặt với những thách thức phía trước.
Năm 2024 dần khép lại với nhiều tín hiệu tích cực, nền kinh tế dự báo đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 7%, thậm chí có thể cao hơn nếu các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực tăng tốc về đích.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương, thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, do vậy giải pháp để hoàn thành các mục tiêu không có gì khác là tăng tốc tất cả những giải pháp đã đề ra từ đầu năm đến nay. Từ các nghị quyết, chỉ đạo liên ngành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phải thực hiện nốt trong tháng cuối cùng với cường độ, mức độ cao nhất có thể để về đích một cách tốt nhất…
Trong quý 4 của năm 2024, hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 đều tăng so với những gì dự báo hồi đầu năm hay giữa năm.
Ngay cả kịch bản điều hành kinh tế xã hội Bộ KH&ĐT đã báo cáo với Chính phủ vào quý III cũng cho thấy trong quý cuối năm của năm 2024, nếu không có những biến động lớn xảy ra, như bão, lũ hay những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta có cơ sở để đạt được mức tăng trưởng 7% năm 2024.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, từ nay đến cuối năm chúng ta vẫn có cơ hội để gia tăng thêm phần tăng trưởng.
Thứ nhất, về xuất khẩu, tín hiệu thị trường xuất khẩu hiện nay tương đối tốt. Các đơn hàng không những quay trở lại với doanh nghiệp trong năm 2024 mà đến giờ phút này, sự gia tăng của xuất khẩu đang ở mức rất tốt. Cố thêm một chút nữa có thể tăng trưởng thêm.
Thứ hai, về đầu tư, các nhà đầu tư và các chuyên gia nước ngoài đều đánh giá khi thị trường đầu tư trên thế giới ảm đạm thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lại rất tốt. “Đây là điều chúng ta tự tin để có thể nói rằng động lực đầu tư năm 2024 của chúng ta rất tích cực, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả năm…”, Thứ trưởng khẳng định.
Cuối cùng, trong tiêu dùng hàng hóa của thị trường trong nước nhìn thấy dấu hiệu tích cực nhưng phần tăng chưa đạt kỳ vọng. “Hy vọng vào thời điểm cuối năm có những ngành quan trọng của nước ta có thể tác động đến gia tăng tiêu dùng trong nước. Có thể tận dụng cơ hội chi tiêu của người dân vào thời điểm lễ Noel, dịp Tết dương lịch…”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT kỳ vọng.
Đó là chặng đường của năm 2024 đang dần khép lại. Chặng đường của năm 2025 đang đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% – cao hơn so với mức 6,5-7% mà Quốc hội đã quyết nghị.
Và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, biến động địa chính trị phức tạp khiến mục tiêu tăng trưởng 8% bị nhiều ý kiến đánh giá là “quá sức”.
Trên thế giới, nền kinh tế đang chịu nhiều tác động từ các yếu tố như bất ổn địa chính trị, xung đột khu vực (ví dụ, chiến tranh Nga-Ukraine), khủng hoảng năng lượng, biến động tài chính toàn cầu, và áp lực lạm phát kéo dài. Những yếu tố này làm suy giảm nhu cầu thị trường quốc tế và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Trong nước, nội tại kinh tế Việt Nam cũng còn nhiều thách thức như sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, năng suất lao động còn thấp, một số lĩnh vực đang phục hồi chậm sau đại dịch, và áp lực nợ công gia tăng. Những yếu tố này khiến việc đạt được tăng trưởng vượt bậc trở nên khó khăn hơn.
Mục tiêu tăng trưởng 8% cao hơn đáng kể so với các mục tiêu trước đây và cũng vượt qua mức trung bình của khu vực. Điều này đòi hỏi một sự bứt phá vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, từ cải cách thể chế, tăng năng suất lao động, đến thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương vẫn khẳng định: “Vấn đề không phải là quá sức hay không, mà đã đặt ra thì phải quyết tâm thực hiện.”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: năm 2025 không chỉ là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 mà còn mang ý nghĩa tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn 2026-2030 và xa hơn, tới năm 2045.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, bao gồm phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,5%, cả năm đạt trên 7%. Đồng thời, cần giữ nhịp tăng trưởng, tạo đà bứt phá cho năm 2025, với mục tiêu đạt tăng trưởng 8%, qua đó tạo nền tảng để giai đoạn 2026-2030 có thể đạt tăng trưởng hai con số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt hơn, mạnh dạn đặt mục tiêu 8% năm 2025.
Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2025 đã đưa ra hàng loạt định hướng cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Mặc dù mới là bản sơ thảo, nhưng tinh thần quyết tâm và định hướng chiến lược đã được thể hiện rõ.
Và một trong những nền tảng quan trọng là những thành quả đạt được trong năm 2024, kết hợp với các nhân tố mới mang tính đột phá. Đặc biệt, hàng loạt dự luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, với những đổi mới về thể chế, sẽ tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư, kinh doanh và giải phóng nguồn lực quan trọng. Các luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2025, tạo “điểm rơi” tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 mà còn cho cả giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, việc tinh gọn bộ máy nhà nước theo hướng hiệu lực, hiệu quả cũng được kỳ vọng là động lực lớn cho tăng trưởng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thực hiện đồng thời ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến đầu năm 2025 gồm: Tăng tốc, bứt phá và về đích năm 2024; Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Tổng kết năm 2024 và xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh việc cần mạnh dạn xây dựng chính sách với tầm nhìn chiến lược dài hạn, tư duy đột phá và hành động quyết liệt. Tư duy “nghĩ lớn, làm lớn” chính là nền tảng để kinh tế Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 mà còn tiến xa hơn, sẵn sàng đối mặt với những thách thức phía trước.
Chúng ta có thể tin rằng, dù năm 2025 được dự báo là năm khó khăn với các biến động khó lường, nhưng quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, cùng với những giải pháp cụ thể, nền kinh tế có cơ sở để kỳ vọng vào một năm phát triển vượt bậc, tạo đà cho tương lai bền vững.