Tôi lớn lên, không xẻ đá, ngược đường vô Biên Hòa rồi Sài Gòn tìm việc. Đuổi theo hoa thơm cỏ lạ, cây lành quả ngọt, tôi dạt riết tận miền gạo trắng nước trong. Má tôi dõi mắt trông theo. “Con đi rồi con sẽ về”. Đó là câu nói cuối cùng của tôi hồi rời khỏi núi Le. Chính tôi cũng đâu biết rằng mình mai này sẽ ở lại đất người mãi mãi…
Đó là một đêm ẩm ướt và lạnh. Trong khoảng trắng mênh mông ngoài sương còn thấp thoáng một bóng thùng. Thùng nhỏ cỡ 40DC còn nguyên niêm phong. Gió lọt qua khe hở rò rỉ nước tong tong thổi xộc thứ mùi tanh nồng của hải sản. Phía trước bật đèn sương mù. Chiếc đầu kéo đang chuyển động thẳng phải đột ngột đổi hướng. Âm thanh “coong coong” dần thưa, dần nhỏ rồi tắt hẳn sau một tiếng “xì”. Gã nhỏ thó nhẹ tay kéo mũ áo lên trùm đầu tránh sương, rời khỏi cabin, phóng xuống mặt đường, chạy tọt vào quán cháo của bà hàng quen, suốt đêm mở cửa.
“Thời buổi khó khăn, tiền kiếm nhỏ giọt mà một khi hữu sự là ra như thác. Không cố thì chỉ có chết”. “Cố quá thì cũng chết tong thôi, bà à. Nói ai xa, thằng xế cũ chiếc đầu kéo bốn chục feet nằm kia vừa làm lễ truy điệu cách đây mấy bữa cũng vì kiệt sức”. Vài câu chủ khách bâng quơ. Người đàn bà làm dấu thánh. Người khách đặt hai tờ tiền lại rồi thoáng cái đã chìm trong sương. Ngoài kia tĩnh lặng, chẳng nghe thấy tiếng khởi động của xe hàng. “Chắc người tài xế nọ đã ra đánh một giấc”. Gã bước vào, tần ngần cố chọn một chỗ ngồi trông có vẻ ấm áp rồi đổ người xuống.
“Vẫn như cũ heng?”. Gã búng tay, cảm giác khoan khoái. Người đàn bà bưng tô cháo nghi ngút khói rồi ngoe nguẩy kiểu “cậu cứ tự nhiên ăn”. Thoắt ẩn thoắt hiện trong màn hơi nước tụ như khói đục là một bóng lưng quẩy tỏ mờ một chiếc ba lô vẻ không đến nỗi nhọc. “Đi đâu dưới sương đấy chú ơi? Đón xe buýt à? Phải hơn một tiếng nữa mới có chuyến đầu nhé. Vào đây mà chờ”. Đó là một người đàn ông gầy thấp, dáng người khắc khổ, mặc bộ đồ bảo hộ lao động lốm đốm vết hồ khô. Cái ba lô ông đeo trên lưng nhìn không rõ là màu xám đậm hay đen, nhưng đã sờn, chắc chỉ đựng đôi bộ quần áo.
“Đợt này không dưng sương dày quá. Lạnh run cả người”. Người đàn bà lẳng lặng đi pha một bình trà. Bà rót một chén cho người lỡ đường, giọng nhũn nhặn. “Chứ chú đón xe về đâu?”. “Dà, tôi về núi Le”.
***
Gần bốn giờ. Sương chẳng có dấu hiệu gì là sẽ tan đi. Gã cài cao thêm khóa kéo, cầm theo một que tăm xỉa răng rồi đứng dậy. Gã đặt tờ tiền màu xanh phớt dằn dưới đáy tô. Bà hàng gọi với:
“Chờ chút, Phương ơi!”.
Người đàn bà cất tiếng gọi khẳn, khi đứng từ cửa quán, gã chỉ còn là hình thù nhòe nhoẹt, loang lổ trong màn sương. Hình thù đó đi chệch về trái, ý tránh chiếc đầu kéo của gã tài xế ban nãy. Ấy vậy mà cạnh gã, mặt đường trống lạnh, chẳng có thùng sắt nào nằm chờ ngoài xe hàng của gã, đang cách đó độ chục mét đường. Kỳ lạ. “Hắn đã đi tự bao giờ?”. Khi gã quay lại thì thấy cô hàng và người đàn ông chờ xe buýt đang nói to nhỏ với nhau điều gì. Người đàn ông gật gật tỏ ý đang lắng nghe và cũng rất lấy làm cảm kích.
“Xe trống không chú mày?”. Gã cười xòa. “Một cháu một cabin. Buồn miên man”. “Đây đang có người chờ xe về núi Le. Chuyến buýt sớm nhất cũng phải đợi thêm một giờ nữa, đang muốn nhờ chú mày…”. Gã mau lẹ đồng ý khi chưa cả nghe hết câu. Gã đang thèm có người trò chuyện cho đường dài đỡ buồn ngủ. Tần ngần sợ người đàn ông đổi ý, gã thuận tay cầm luôn chiếc ba lô nhẹ hẫng, mời khách lên đường. “Mình đi chú Hai!”.
Người đàn ông lặng lẽ đi theo gã. Gã định huýt sáo nhưng ước chừng chẳng kêu, vội vàng đạp ly hợp để hơi nóng tỏa ra, làm ấm cái dáng người đang cúm rúm. Người đàn ông xoa xoa hai bàn tay gầy guộc, ánh mắt mờ như khói nhìn vào khoảng sương, đoán trời muốn quang phải sau bảy giờ.
“Chị bảo trông chú em thế thôi chứ hiền như đất. Tính tốt, tâm lành. Biết nhau lâu mới mạnh dạn gửi gắm người, chứ bậy bạ là chị chẳng dám”.
Gã cười hềnh hệch, làm lộ những chiếc răng màu khét, nhỏ xíu. Dưới ánh sáng của đèn mui vàng vọt, những vết sẹo rỗ nhi nhúc như mè cùng lúc xô lại vào nhau trên làn da nhăn nheo, rám nắng, xỉn màu. Chiếc mũi bạnh ra theo nụ cười chẳng nghĩ ngợi mất hút sau mô gò má. Hai mắt híp gí chỉ còn là một đường kẻ dài và mỏng rạch giữa hàng mày thưa thõng và hốc mắt hoắm sâu.
“Cháu xấu như ma bẩm sinh, mẹ vợ bảo bệnh xấu của cháu không tiệm thẩm mỹ nào dám nhận, chỉ có nước cắt bỏ cái đầu này đem thay thì may ra”. “Mô Phật, lời đâu mà như dao cứa”. Gã cười khì khì. “Cháu quen rồi. Cô hàng cũng thiện lắm, với ai cổ cũng nói tốt chứ có riêng gì cháu đâu”. Người đàn ông gật gù. “Hiếm lắm! Hiếm lắm!”.
Tiếng khành khành nảy lên inh tai, sau đó là âm thanh coong coong chuyển bánh. Bù lại là hơi nóng, cảm giác đã hong khô làn sương mỏng đậu trên vai người. Khoang cũng ấm hơn bởi tiếng trò chuyện, vài lời thăm hỏi nhà cửa, quê quán lẫn nhau. Người đàn ông gốc gác cạnh chân núi Le, trôi dạt rồi định cư bên bờ sông Hậu, nay về thăm cố sở. “Cũng dòng đời đẩy đưa cả. Chuyện dài lắm, chú em à”.
Giọng người đàn ông rủ rỉ hòa với tiếng xe khoan nhặt, rì rầm.
…Quê tôi xóm đá dưới chân ngọn núi nằm giữa hai hồ nước lớn, xanh trong văn vắt bốn mùa. Tôi lớn lên từ trong một con ngõ hẹp nằm bên cạnh cơ sở làm đá. Tôi với em Man gọi nó là hẻm nhánh, chẳng phải tên riêng, chỉ là thấy mặt đặt tên, bởi từ lộ nhựa rẽ vào, hẻm tẻ đường xiên xéo hai bên, phải đi ngoằn ngoèo qua mấy ngã ba mới tới một căn nhà lợp ngói nung cũ, được một người đàn bà hết lòng vun vén. Nhà tôi khi ấy thưa lắm, chỉ ba người là má, tôi và em Man. Sau này, có thêm một con chó con, tên Xù, là em Man xin được của nhà hàng xóm. Tôi và em Man không còn cha. Má biểu ông chết trong một trận càn, xác tan hòa với đất. Sau nhà đắp một ngôi mộ gió bên gốc cây điều già. Tôi còn nhớ đường nét cha đôi chút, em Man thì chưa từng nhìn thấy mặt ông.
Nhà chỉ có đàn bà với con nít nhưng sống bằng nghề đục đá, nặng nhọc lại chỉ đắp đổi thôi. Má tôi là người đàn bà lực điền, lại chịu khó nên anh em tôi chưa ngày nào phải chịu đói. Tôi nhớ có rất nhiều ngày, từ tờ mờ sáng, khi sương còn kết mành phủ trắng đỉnh núi, má đã dậy cắp đồ nghề ra đi. Trong bếp, má phần cho tôi và em Man chén cơm nóng với ít hạt điều rang, đó là đủ cho cả ngày đến khi má về, chúng tôi sẽ cùng ăn khoai vào buổi tối.
Má tôi hiền và cam chịu, được gì ngon, có gì tốt bà đều nhường hết cho anh em tôi. “Giờ ở đâu cũng vậy thôi, người ta phải vất vả lắm mới có cái ăn. Tụi bây ráng học hành rồi mai sau làm gì thì làm, ở đâu thì ở, má không giữ”. Câu này má cốt động viên em Man. Còn tôi hết lớp bốn đã bỏ trường, má không ép, bởi nhà cần người đỡ đần mà sức đàn bà có hạn. Nhưng, tôi phụ trợ má thì ít, ở nhà với em Man thì nhiều.
Những khi má vắng nhà, tôi và em Man thường chơi đánh trận cùng nhau. Má dạy anh lớn phải biết nhường em nên lần nào tôi cũng giả đò thua, cho em Man bắt nhốt. Đánh trận chán thì chúng tôi trèo cây. Ngày tháng tuổi thơ cứ vậy mà trôi qua êm đềm.
Giáp ranh xứ cát, quê tôi cũng khô hanh nắng gió mùa qua mùa. “Xẻ đá không nổi thì trồng màu. Trồng màu không đặng thì đi cạo mủ”. Má tôi suốt đời vẫn cứ lạc quan như vậy. “Ai người khó mãi đâu”. Má tôi nói câu này khi bà mới hơn ba mươi nhưng mái đầu đã bạc ra hai thứ tóc.
Tôi lớn lên, không xẻ đá, ngược đường vô Biên Hòa rồi Sài Gòn tìm việc. Đuổi theo hoa thơm cỏ lạ, cây lành quả ngọt, tôi dạt riết tận miền gạo trắng nước trong. Má tôi dõi mắt trông theo. “Con đi rồi con sẽ về”. Đó là câu nói cuối cùng của tôi hồi rời khỏi núi Le. Chính tôi cũng đâu biết rằng mình mai này sẽ ở lại đất người mãi mãi…
Người đàn ông đưa tay lên vuốt mặt. “Một lời thật khó nói hết. Lúc nào có dịp, mời chú em về ấp bưởi, dưới chân cầu dây văng, trước gặp cố nhân, sau cũng dư dả thì giờ mà rỗi rãi tâm sự”. Gã gật đầu hứa chắc: “Nhất định cháu sẽ tìm thăm chú”.
***
Và, đó là một chiều tháng ba nắng nhuộm vàng mặt sông, xa xa váng vất vài bóng tàu chở nặng khuỳnh khuỳnh xé nước về bến. Con đường nhựa thẳng tắp dẫn về tận thôn ấp, hai bên mọc đầy những khóm cúc dại vàng, những chùm hoa mắc cỡ e thẹn phớt hồng bao bọc những trụ điện xi măng cứng cáp, dẫn điện vào địa phương. Đón gã là một thanh niên, vẫn còn khá trẻ, hai người chào hỏi thân thiết, hệt như đã quen biết tự đời thuở nào.
“Em tên Bình. Tía biểu mai kia nhà có khách ghé thăm, hai ba lần về tía đều dặn em phải chờ đón anh. Em cứ thắc mắc mãi”. Gã mừng rỡ. “Chú Hai thật có lòng”. Cậu trai hỏi: “Anh quen biết sao với tía em?”. Gã đáp: “Chú lỡ đường, đi nhờ xe. Hồi tạm biệt, chú mời anh dịp nào ghé lại”. “Anh gặp tía em từ khi nào?”. “Trước Tết”. Bình tỏ vẻ hoài nghi. “Sao vậy được?”.
Hai người vừa đi, vừa nói chuyện. Gã bắt đầu kể về cơ duyên gặp gỡ người đàn ông. Bình im lặng chăm chú nghe, đến những bước chân cũng phăng phắc đi, không phát ra tiếng động nào.
“Y bảo mình tha phương cầu thực, rồi ở luôn trong này”. “Dạ phải. Người đàn ông đã thành gia lập thất với người con gái đất Cửu Long rồi theo nàng sang sông trồng bưởi Năm Roi, không về núi Le nữa, anh Phương à!”.
Bình co ngón tay trỏ khéo quệt dòng nước mắt chực rơi. “Không sai. Người đàn ông anh gặp quả đúng là tía em đấy”. “Nói vậy chú Hai nghề chính là trồng bưởi, giống bưởi đặc sản ngày nay đã lên đường xuất khẩu phải không?”. “Thưa phải. Nhưng, khởi sắc chăng là chuyện sau này. Chứ ngày mới về đây, bốn công bưởi với giá cả bấp bênh thì làm sao nuôi sáu miệng ăn nhà em được”. “Vậy rồi chú Hai có làm thêm việc gì khác không?”. “Thưa có. Tía em làm thợ hồ”. Mắt Bình buồn man mác, thẳng hướng nhìn miết về phía cầu dây văng, phải khó khăn lắm lá phổi mới đưa được gió ra ngoài, nằng nặng một hơi thở. “Cũng là ma đưa lối quỷ đưa đường…”.
…Nhà em bên triền sông này. Đứng bên đây cù lao phóng một tầm mắt về hữu ngạn là thành phố gạo trắng nước trong, dân cư bốn mùa an cư lạc nghiệp. Tía em qua bao miền đất hứa, cuối cùng xuôi về vùng châu thổ mưa thuận gió hòa, thời tiết mát mẻ, rau ngọt quả lành quanh năm để định cư. Duyên trời nên tía gặp má em, họ kết duyên rồi về chốn này để dựng nhà, mua một mảnh vườn phù sa bồi đắp không lúc nào hết mỡ màu để trồng hoa trái. Ngày ấy ngoài xã vừa mọc lên khu công nghiệp mới, cách nhà gần lắm. Tía em thời sung sức, xin vào làm đóng hàng cho công ty sản xuất, còn má thì sắm một gánh hàng, bán cóc keng trên những chuyến phà lại qua. Cuộc sống không dư dả là bao, nhưng cũng chẳng kém để gọi là túng thiếu, tất thảy thuận hòa yên ấm.
Cùng nhiều hộ trong xã, gia đình em dốc tiền lên liếp trồng chuyên cây bưởi. Đây là giống bưởi lạ được mang từ vùng đất khác về nhưng dường như lại chịu đất địa phương nên cho quả to, đẹp và ngọt hơn. Xã bưởi ngày ngày chăm lo lao động hăng say nên cây trong vườn cứ vươn lên mỗi ngày một tươi tốt. Không khí thôn ấp những năm đầu phá ruộng trồng quả, mà được bội thu, thực tình là vui như ngày hội, xe tham quan vào ra dập dìu.
Cả nhà cùng hợp sức chăm sóc vườn cây trái đang say. Công việc cũng nhẹ nhàng. Nước tưới được dẫn từ sông, có hệ thống đàng hoàng, việc vun bón thì có hai anh lớn của em đỡ đần, chẳng vất vả mấy.
Mỗi ngày tía vào công ty tám tiếng, chiều chiều lại về làm nông với má con em. Năm đó bưởi trúng đậm toàn xã, nhà nhà khấp khởi, cả nhà em ôm nhau khóc vì hoàn cảnh lâu nay còn ngặt nghèo quá. Nhưng, hễ trời đãi thì người lại chẳng tha. Bưởi chín đầy vườn mọng nước rồi cũng chỉ để thả trôi sông vì không có thương lái nào đến cắt. Quãng đó người ta bần cùng đến mức dọa sẽ giết chết kẻ nào phao tin đồn thất thiệt, rằng ăn bưởi sẽ bị ung thư. Tía em ra vô như người mất hồn. Lẩn thẩn thế nào lại gặp tai nạn lao động trong nhà xưởng, phải nghỉ hẳn. Chẳng biết có phải vì áy náy mà đận ấy người xã bưởi được ưu tiên có việc làm ngay khi người Nhật khởi động dự án xây dựng cầu dây văng. Tía em qua mấy lần điều trị, sức không như trước nhưng đã khá hơn, thấy dự án cũng gần nhà nên mấy cha con mới xin vào làm phụ hồ, vất chứ, nhưng kiếm được đồng tiền thì việc nào mà chẳng nhọc. Công việc làm cũng ổn, nghe đâu phải mất mấy năm mới hoàn thành.
***
Gã lắng nghe, buông lời ta thán: “Đúng trời không theo ý người”. Bình trầm ngâm một lúc lâu, đoạn hỏi: “Hai người còn nói thêm gì nữa không?”. Gã gật rồi nhắm mắt lại. Những hình ảnh nhất loạt trở về.
…Chiếc xe hàng vẫn chầm chậm trườn trong màn sương.
“Chẳng mấy nữa là đến nơi rồi đó chú Hai”. “Mù vẫn còn dày quá. Nếu không, phía đó là sừng sững núi đá, xe vật liệu, cần cẩu hì hục xuyên đêm ngày”. “Vậy rồi bao giờ chú trở vào kia?”. “Chưa biết nữa. Tên tôi là Hai Nơi, nên số phận cũng giống như tên, lòng đặt hai quê, nơi nào cũng muốn về”. “Cháu và chú thật có duyên. Cháu tên Hai Phương, mà cuộc đời đi khắp tứ phương. Ở đâu cũng chẳng đặng lâu được”. “Âu cũng là mối duyên tri ngộ. Chừng mai mốt chú em có về dưới đó, cứ ghé tìm tôi. Tôi sẽ đưa chú em tham quan cả một vùng nguyên liệu bưởi Năm Roi nức tiếng xứ mình”.
“Chắc chắn rồi. Sau Tết, đợi mùa bưởi trổ bông, cháu xuống rồi chú cháu mình lai rai. Quê chú có bưởi ngon, quê cháu có gạo tuyệt, mình ngồi nói chuyện xuất khẩu”. Người đàn ông hồ hởi. “Được được. Kể ra, cũng nhờ vào chiếc cầu dây văng, thúc đẩy giao thương mới nhộn nhịp những chuyến hàng”. “Hồi cầu khánh thành, cả thế giới trầm trồ khen, đẹp không tì vết”. “Cũng không ít máu xương, chú em à!”. “Phải chú đang nhắc sự kiện sập trụ mười ba?”. Người đàn ông gật gù: “Với tôi, đó dẫu gì vẫn là một ngày đặc biệt”.
…Hôm ấy, bà nhà tôi dậy sớm hơn thường lệ. Bà bảo ra chợ canh mẻ cá linh đầu mùa nước sớm, mua về nấu canh chua. Đó là một buổi sáng nhiều mây, bà nhà tôi trở về bằng tâm trạng rất vui vẻ. “Em mua nửa ký, có ba chục bạc. Lát em nấu canh, trưa mình có về thì mấy cha con ăn. Còn nữa, tối nay là Trung thu, em sẽ mua thêm ít bánh và trái cây. Chiều anh và con về sớm một chút, cả nhà cùng ăn bữa cơm đoàn viên nhé”. Vợ tiễn tôi ra cổng. Tôi và các con cưỡi xe đạp thong thả dưới ánh mặt trời chẳng có dấu hiệu sẽ rạng lên. Thằng lớn chở tôi vụt đi trước. Thằng nhỏ chở em đến lớp rồi mới ra công trường.
Hôm ấy, người có vẻ đông hơn bình thường. Chờ mãi chẳng thấy thằng nhỏ trở lên, tôi và thằng lớn theo nhóm phân công mà vào vị trí. Trời bắt đầu hửng nắng, nhưng đám mây mù vẫn giấu mất mặt trời. “Mấy anh em lên phía này, theo tôi”. Tôi theo lệnh, trèo lên cốp pha. Thằng lớn dưới mặt đất cùng khoảng trăm nhân công nữa. Càng trèo lên cao, tôi càng thấy nhỏ bé những thân dừa xanh ngắt dưới chân. Tôi thấy nhà tôi núp dưới những tán cây kia. Tôi thấy những quả bưởi non xanh chi chít đầy cành hứa hẹn một mùa no ấm mới.
Dòng người vẫn cứ thoăn thoắt, cần mẫn. Tôi và hơn năm mươi anh em nữa vừa khuân, vừa í ới gọi người. Đúng khoảng ấy, người tôi như có kiến bò, bồn chồn, nôn nao, trống ngực đập thì thụp. Tôi muốn trèo xuống để tìm thằng lớn. Nó ở kia, vẫn đang hăng hái, như một con kiến trung thành với sứ mạng của mình. Tôi đứng lặng một chỗ rất lâu, nhìn thằng lớn và nước mắt tôi chảy sống. “Này Nơi, sao lại ngây người ra đấy?”. Tôi quệt nước mắt. “Làm đi, mắt mình có bụi tí ấy mà”. Rồi như có một thần lực nào đó giục tôi, sai khiến tôi dùng hết sức bình sinh tháo tấm cốp pha thả xuống chỗ thằng lớn. Những hành động đó chỉ được tính bằng khắc. Chuyện sau đó thì có lẽ ai cũng biết rồi. Chỗ tôi đứng, mặt đất rúng động và tiếp theo là một tiếng nổ vang trời.
***
Mắt Bình đỏ như người xuất huyết dưới kết mạc, giọng nghẹn ngào: “Vậy là chính tía đã cứu anh lớn em. Hôm ấy, nhờ tấm cốp pha đè lên người mà anh lớn em thoát chết”. Rồi Bình chỉ tay vào một người đàn ông trạc tuổi gã, đang ngồi dưới mái hiên, nhìn về phía mây trời. “Anh lớn em đấy! Ảnh bị tổn thương đốt sống cổ. Giờ về chăm vườn bưởi, không làm thợ hồ nữa”. “Vậy còn tía em đâu?”. Bình gạt nước mắt. “Anh đi theo em”. Bình đưa gã đến thăm một ngôi chùa u trầm chuông mõ nằm dưới chân cầu. Người ta xây một tượng đài trong khuôn viên nhà chùa, đóng khung màu đỏ rực.
“Tía em ở đây”.
Gã đứng như trời trồng giữa xiên dọc những cái tên. Chẳng biết có phải vì khói nhang mà mắt gã chảy nước.
***
“Tía mất, anh bị thương, gia đình em được người ta bồi thường số tiền khá lớn. Em dùng số tiền ấy ăn học, thi vào Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, ra trường làm kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi cho địa phương. Xã bưởi bây giờ chẳng còn canh tác rời rạc, nhỏ lẻ như xưa, đã mở rộng diện tích thêm nhiều, áp dụng tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap sẵn sàng lên đường sang quốc tế. Bộ mặt nông thôn giờ thay đổi, nhà nhà no ấm, người người an vui. Đó cũng là để đáp đền cho xương máu của những người đã có ơn nối liền những con đường để bưởi đi khắp xứ. Tía em nơi chín suối coi như có thể ngậm cười”.
Giọng của Bình cứ thảng hoặc vang lên trong đầu gã dìu dặt, rưng rưng. Gã cho xe đi thật chậm trên cây cầu sừng sững, uy nghi, cố nhìn lâu chút nữa một miền thắm xanh đang cho mùa bông trắng như sương, đợi ngày trĩu quả. Mặt trời ngơ ngẩn vẫy tay rồi đi lướt qua gã, từ từ chìm xuống vườn cây ăn trái rực rỡ sắc vàng. Người đàn ông cài lại “sít beo”, phủi phủi lấm tấm bụi đường, nhắc gã tài xế xấu mặt nhưng tốt lòng: “Tôi xong việc rồi, mình về chỗ chú em lai rai. Đây tôi có bưởi Năm Roi, gạo chú em mời phải đúng là ST25 mới được đấy!”.