Hướng đến kỷ niệm 63 năm hình thành và phát triển (9.7.1960 – 9.7.2023), ngành du lịch Việt Nam từng bước khẳng định vai trò, vị trí là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Dấu ấn nửa đầu năm 2023
6 tháng đầu năm nay, ngành du lịch triển khai hàng loạt sự kiện, hội nghị, hoạt động quảng bá, xúc tiến và kích cầu… Một số sự kiện nổi bật có sự góp mặt của du lịch Việt Nam phải kể đến Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 và Hội chợ TRAVEX 2023 nhằm tăng cường hợp tác du lịch giữa các nước thành viên ASEAN; Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2023 với quy mô gian hàng lớn nhất từ trước đến nay; hay Phiên họp Liên Ủy ban Đông Á – Thái Bình Dương và Nam Á của UNWTO lần thứ 35.
Ngành du lịch tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023 đánh dấu cột mốc 10 năm hình thành và phát triển; các địa phương khai mạc mùa du lịch hè 2023 với chuỗi các sự kiện hè, festival văn hóa – du lịch – ẩm thực…
Đáng chú ý, ngành du lịch còn có cơ hội quảng bá cảnh đẹp, văn hóa Việt Nam qua bộ phim “A Tourist’s Guide to Love” được khán giả đón nhận tích cực và lọt bảng xếp hạng phim thịnh hành nhất thế giới sau 10 ngày công chiếu trên Netflix.
Tiếp nối thành công của bộ phim này chính là tiếng vang của diễn đàn “Du lịch và Điện ảnh Việt Nam – Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh” và Hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023 được tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa). Từ đây nhiều ý kiến, ý tưởng đã được trao đổi để hướng đến những giải pháp cho điện ảnh, du lịch phát triển gắn kết.
Một dấu mốc quan trọng khác của ngành du lịch chính là sự kiện ra mắt cẩm nang ẩm thực Michelin Guide đầu tiên tại Việt Nam vào đầu tháng 6. Việt Nam lần đầu tiên có các nhà hàng gắn sao Michelin danh giá, ghi danh lên bản đồ ẩm thực thế giới.
Đây là bước ngoặt cho ngành du lịch ẩm thực của hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TPHCM.
Bước chuyển mình
Từ ngày 15.3.2022, Việt Nam là một trong những nước có chính sách cởi mở về hoạt động du lịch quốc tế. Dù vậy, chỉ hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022, đạt khoảng 70% kế hoạch.
Trong khi đó, thị trường nội địa trở thành điểm sáng của cả năm 2022 khi đạt trên 100 triệu lượt khách – con số vượt qua mọi dự báo, tăng gấp rưỡi so với mục tiêu và vượt xa mốc 85 triệu lượt khách vào năm 2019, trước đại dịch. Bước sang năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đón những tín hiệu tích cực hơn về cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Khách du lịch nội địa bùng nổ vào Tết Nguyên đán khi cả nước phục vụ khoảng 13 triệu lượt, mức cao nhất từ trước đến nay. Dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương cùng 30.4 – 1.5 thu hút lượng lớn khách du lịch, với hơn 300.000 lượt khách quốc tế và khoảng 7 triệu lượt khách nội địa, tăng 40% so với cùng kì năm 2022.
Ở thị trường quốc tế, tin vui đến với ngành du lịch từ 15.3, khi Trung Quốc nối lại hoạt động du lịch với Việt Nam, cho phép khách du lịch theo đoàn xuất cảnh theo đường bộ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 69% kế hoạch năm. Tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 343 nghìn tỉ đồng, cao hơn 29,4% so với cùng kì năm ngoái.
Theo báo cáo quý II/2023 của Tổng cục Thống kê, khu vực dịch vụ, du lịch của Việt Nam đạt tăng trưởng 6,33%, cao hơn gần gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP nền kinh tế (3,72%). Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ, du lịch tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.
Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng khi thay đổi về chính sách gia hạn thị thực điện tử (e-Visa) cho người nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15.8.2023 – trước thềm mùa cao điểm khách quốc tế.
Theo đó, thời hạn e-Visa sẽ được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong thời gian lưu trú. Chính sách mới sẽ là đòn bẩy để Việt Nam tăng tốc đón khách quốc tế, phấn đấu đạt và có thể vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách trong năm nay, thu về khoảng 650.000 tỉ đồng.
Theo Báo Lao Động