Sau quá trình thai nghén 6 năm cũng như quá trình sản xuất công phu và tốn kém, bộ phim Đất rừng phương Nam đã chính thức được giới thiệu đến báo giới tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội những ngày giữa tháng 10 năm 2023. Bên cạnh rất nhiều ngợi khen từ giới hoạt động văn học nghệ thuật và khán giả thì bộ phim cũng đang gây dư luận về việc liệu có làm sai lệch lịch sử.
Phá vỡ những định kiến
Có thể nói, với Đất rừng phương Nam, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ekip làm phim đã dũng cảm bước qua những lằn ranh vô hình vẫn mặc định trong giới điện ảnh Việt xưa nay, đó là dòng phim giải trí của tư nhân và dòng phim truyền thống vốn thường do Nhà nước đặt hàng. Từ tác phẩm gốc của nhà văn Đoàn Giỏi, có nhiều cách tiếp cận để thực hiện bộ phim, ekip Đất rừng phương Nam đã nỗ lực tìm một hướng đi mới để kể một câu chuyện khác về mảnh đất phương Nam huyền thoại.
Bộ phim xoay quanh hành trình cùng mẹ đi tìm người cha hoạt động cách mạng nơi phía bưng biền của cậu bé An. Sau khi người mẹ mất trong một cảnh hỗn loạn và đàn áp của quân Pháp, An một mình lưu lạc và may mắn được Út Lục Lâm, một thiếu niên giang hồ lãng tử sống bằng nghề trộm cắp vặt nhưng có trái tim nhân hậu bao bọc. Sau đó, cậu đã về với cha con ông Tiều, một thành viên của Thiên Địa Hội hoạt động kháng Pháp bí mật, cuộc sống trên ghe đi khắp miệt đồng bằng. Với những sự cưu mang và cơ duyên khác nhau, cậu bé An đã được dẫn dắt đến vùng hoạt động của cha và được bố trí gặp gỡ cha trong một tình thế ngặt nghèo đe dọa tính mạng của Hai Thành cha cậu vốn là thủ lĩnh của một tổ chức yêu nước. Gánh hát Liễu Nam, nơi thầy Bảy, thầy giáo dạy học của An khi xưa, vì yêu nước đã bỏ trường gia nhập để đem lời ca tiếng hát thức dậy lòng yêu nước của nhân dân là nơi được bố trí để cha con An gặp nhau. Kế hoạch bị lộ bởi nữ gián điệp phản động Tư Mắm. Gánh hát bị bao vây để truy bắt Hai Thành trong khi ông Tiều, người cưu mang An, cũng bị bắt khai thác để tìm ra tung tích vị thủ lĩnh giấu mặt. Út Lục Lâm trong những phi vụ trộm cắp của mình đã vô tình kết hợp hỗ trợ đánh Pháp cũng như nắm được những thông tin quý giá để giải cứu cho ông Tiều. Phim có một cái kết đẹp khi sự xuất hiện của Võ Tòng, người trước đó bị Pháp xử tử nhưng được nghĩa quân giải cứu, như một bảo chứng về sự an toàn của Hai Thành, người cha của cậu bé An. Bên cạnh đó, Út Lục Lâm sau màn giao đấu trong nhóm những người cuối cùng rút ra đìa lầy bị nhóm phản động thân Pháp truy đuổi, Út trúng thương tưởng không qua khỏi nhưng đã hồi tỉnh trong niềm vui vỡ òa của An, dù cảnh này nhiều chất kịch nhưng đã đem đến cho phim một cái kết đẹp.
Lần đầu tiên một bộ phim của các nhà sản xuất tư nhân đã dũng cảm tiếp cận với đề tài mang màu sắc chiến tranh cách mạng với sự đầu tư kinh phí lớn, lến đến 40 tỉ, cũng là một sự ghi nhận. Mất 5 năm để xây dựng kịch bản và làm công tác chuẩn bị, năm thứ sáu mới có thể bấm máy, theo chia sẻ từ đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, điều quan tâm hàng đầu của anh là mang lại cảm xúc cho khán giả. Sự chuẩn bị công phu và mức độ làm việc căng thẳng của khâu hậu kì diễn ra cho đến tận ngày phim ra mắt.
Điểm cộng lớn cho phim là các cảnh quân Pháp đàn áp, đối đầu với những nghĩa quân đất phương Nam được dàn dựng chân thực và nhiều chất điện ảnh. Các cảnh giao đấu, các pha hành động vốn là điểm yếu của phim Việt thì ở Đất rừng phương Nam lại là điểm sáng, cả ở những đại cảnh hoành tráng hay những pha quay cận hành động cũng như biểu cảm của diễn viên.
Chỉ có 41 diễn viên chính và phụ nhưng Đất rừng phương Nam huy động tới 3.672 diễn viên quần chúng, chủ yếu cho những cảnh nổi dậy đấu tranh của nhân dân cùng với các tổ chức yêu nước chống lại quân Pháp. Người xem có thể đo đếm sự tốn kém khi xem những đại cảnh được dàn dựng công phu và kĩ lưỡng, đem lại cảm xúc khá chân thực và hiệu ứng thẩm mĩ cho bộ phim, là đối trọng khốc liệt bên cạnh những khung cảnh trữ tình. Dù mang âm hưởng chiến tranh cách mạng thì Đất rừng phương Nam vẫn là một bộ phim thương mại với mức đầu tư lớn, bởi thế, khán giả là yếu tố sống còn cho việc thu hồi vốn và có lãi. Theo phản ứng ban đầu thì phim đã được hào hứng đón nhận.
Vẻ đẹp thuần khiết của đất phương Nam
Với lợi thế của phim điện ảnh, khán giả đã đọc Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi hay đã xem Đất phương Nam bản truyền hình sẽ gặp ở Đất rừng phương Nam bản điện ảnh với những cảnh quay mãn nhãn về vùng đất cực Nam Tổ quốc, những khuôn hình như mơ cho thấy những vẻ đẹp khác nhau của vùng đất phương Nam phóng khoáng và hoang sơ, ôm chứa tâm hồn xứ sở. Đây là điều nhận được sự đồng thuận rộng rãi của những người xem phim, kể cả những người đã có dịp khám phá mảnh đất Nam Bộ hay chưa có dịp đến nơi này.
Nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn nói rằng, để tìm bối cảnh cho phim, khắp các tỉnh Nam Bộ anh đã đi qua, cuối cùng chốt lại 45 bối cảnh tại 6 tỉnh trong đó điểm nhấn của phim là bối cảnh rừng tràm Trà Sư tại An Giang. 6.000 đạo cụ cũng được huy động, trong đó có hơn 500 đạo cụ đặc biệt được thiết kế riêng cho bộ phim. Hơn 100 ghe thuyền được thiết kế, sửa chữa, đóng mới để phục vụ quay phim. Biên kịch Trần Khánh Hoàng cho biết, kể cả khi đã viết đi viết lại kịch bản nhiều lần trong 5 năm thì khi quay kịch bản vẫn phải tiếp tục thay đổi để phù hợp với bối cảnh phim và trường quay.
Đoàn làm phim làm việc theo chiến thuật “qua sông đốt thuyền”, nghĩa là giải quyết triệt để các vấn đề trên từng bối cảnh, xong là di chuyển sang bối cảnh khác không quay lại nữa. Bộ phim được hoàn thành phần quay sau 48 ngày quay với hơn 700 giờ làm việc trên phim trường, không kể thời gian chuẩn bị cũng như thu dọn trước và sau đó. Như đại cảnh diễn ra ở một khu chợ, hơn 40 người đã phải làm công tác chuẩn bị trong hơn một tháng mới có thể triển khai được cảnh quay này trên một phim trường. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, dù là người con của Miền Nam nhưng chỉ đến khi làm phim Đất rừng phương Nam anh mới thấy hết vẻ đẹp của miền đất này. Đạo diễn hi vọng bộ phim sẽ đem lại những thước phim đẹp nhất về vùng đất phương Nam.
Một cậu bé An của phiên bản điện ảnh đã được diễn viên nhí Huỳnh Hạo Khang diễn tròn vai và để lại những thiện cảm nhất định nơi khán giả. Tuấn Trần với vai Út Lục Lâm cũng là vai ấn tượng, nhiều đất diễn và đã thể hiện rất tốt trong những trường đoạn khác nhau. Kịch bản đã dành nhiều đất diễn để diễn viên này bộc lộ những màu sắc, năng lực của mình, và Tuấn Trần đã làm tốt điều này. Cảm giác như vai diễn được viết để dành riêng cho anh theo kiểu “đo ni đóng giày”. Có thể nói đây cũng là nhân vật xuyên suốt làm dây dẫn cảm xúc cho khán giả suốt thời lượng phim, tuy nhiên, cũng đẩy đến việc nhân vật phụ ấn tượng và sắc nét hơn các nhân vật chính của phim.
Nếu có gì đó gây gợn cợn ở Đất rừng phương Nam thì đó là âm hưởng sân khấu đôi khi vẫn bị trồi lên trong cách xử lí các trường đoạn. Cùng với đó, người ta bắt gặp “chất Trấn Thành” trong phim khá nhiều, xem phim dễ liên tưởng đến những vai trò đằng sau khá quan trọng của anh, sự chi phối của Trấn Thành lên phim từ nét diễn của các diễn viên đến dựng hậu kì rất rõ, dù ở vai trò diễn viên Trấn Thành chỉ góp một vai nhỏ là bác Ba Phi và xuất hiện với thời lượng khá ít ỏi. Trường đoạn cha con Hai Thành và An gặp nhau trong sự bố trí đã báo trước nhiều điềm dữ khi quân Pháp vây bố gánh hát Liễu Nam quá dền dứ và “cải lương” là một pha xử lí rất đáng chê cũng như câu nói kết phim của An người lớn và giáo điều. Bỏ qua những điều trên thì Đất rừng phương Nam vẫn là một bộ phim hoành tráng được chăm chút tỉ mỉ, một bộ phim đáng xem cho mọi đối tượng khán giả.
Hư cấu làm sai lệch lịch sử?
Dù nhận được nhiều ngợi khen từ những người làm chuyên môn cũng như khán giả nhưng vấn đề của Đất rừng phương Nam sau khi công chiếu lại có vẻ khá… nghiêm trọng. Đó là vấn nghi án “viết lại lịch sử” được một số người đưa ra. Nổi bật sau khi công chiếu là ý kiến của T.S văn học Hà Thanh Vân sau khi chị đi xem suất chiếu sớm và đã có bài phản hồi công phu và chi tiết chỉ sau hai tiếng với những cứ liệu lịch sử được trích dẫn để nêu ra vấn đề: sự hư cấu trong phim đã làm sai lệch lịch sử. Bằng những trích dẫn từ các tài liệu lịch sử, T.S văn học Hà Thanh Vân đã chứng minh phong trào yêu nước kháng Pháp của Thiên Địa Hội dù có diễn ra ở miền Nam nhưng đã kết thúc từ năm 1916, sau cuộc nổi dậy cứu Phan Xích Long – người được tôn làm thủ lĩnh các hội kín Nam Kỳ – vào năm 1916, trong khi bối cảnh tác phẩm của Đoàn Giỏi là cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ từ năm 1945. Dù trong phim không có những tình tiết “hé lộ” về mặt thời gian câu chuyện phim diễn ra nhưng trong một chia sẻ hậu kì về việc tìm diễn viên đóng vai An, đạo diễn có nói muốn tìm một gương mặt phù hợp với thành thị Miền Nam thập niên 20-30 của thế kỉ XX, có nghĩa là bối cảnh lịch sử mà Đất rừng phương Nam thể hiện nằm trong khoảng thời gian này.
Dù bộ phim chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi và phim truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn thì, theo T.S Hà Thanh Vân, nên chọn một cái tên khác để không quá lệ thuộc vào nguyên tác cũng như bị quy chiếu từ không gian lịch sử của tác phẩm gốc. Cốt lõi của bài viết dài sau khi xem phim, T.S Hà Thanh Vân nêu quan điểm: “Trong một bộ phim như Đất rừng phương Nam, không ai đòi phải giống như nguyên tác. Thậm chí có thể là hư cấu. Nhưng nên hư cấu như thế nào cho phù hợp với sự thật lịch sử, tránh đi quá đà”.
Cũng đặt ra vấn đề tương tự về việc lấy tên các tổ chức yêu nước là các tổ chức vốn dĩ xuất xứ từ nước ngoài với những ý nghĩa hoàn toàn khác không có trong nguyên tác văn học, nhà văn Nguyễn Thúy Loan, Nhà xuất bản Kim Đồng, nơi in và tái bản tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi đưa ra giả định về việc chọn hai tổ chức yêu nước kháng Pháp trong phim là Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn là bởi “có lẽ các màn võ thuật, đấu súng trong phim sẽ phù hợp hơn với các hội kiểu này”.
Về điều này, chưa có phản hồi chính thức từ đoàn làm phim nhưng trước đó, trước những ý kiến đặt ra về “yếu tố Hoa” cũng như một số vấn đề lịch sử trong phim, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, trong lễ ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh, ở phần trả lời nhanh báo chí đã nói đại ý, việc phân định lịch sử thuộc các nhà nghiên cứu, giao trách nhiệm đó cho đoàn làm phim là quá khó, và trên thế giới không một bộ phim lịch sử nào làm y chang như lịch sử cả. “Tôi nghĩ phim không phải là sách giáo khoa, không mang nhiệm vụ là tư liệu”. Trong clip về hành trình làm nên Đất rừng phương Nam đạo diễn cũng nói về việc “làm về chuyện xưa nhưng phải phù hợp với thẩm mĩ của công chúng bây giờ”.
Vấn đề các tác phẩm khai thác đề tài lịch sử vốn được tranh luận nhiều trong văn học nay đã lại nổi lên trong điện ảnh Việt. Năm 2022, bộ phim điện ảnh Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khai thác tư liệu về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng rơi vào tranh cãi về lằn ranh giữa hư cấu và thực tế cuộc đời nhạc sĩ. Đây cũng là vấn đề rất đáng quan tâm để những nhà làm phim khi thực hiện những bộ phim lịch sử, việc xây dựng một không gian nghệ thuật cần phù hợp với không gian lịch sử, không đi quá xa trong những gì liên quan đến bối cảnh lịch sử của câu chuyện. Hư cấu để làm nên tác phẩm văn học nghệ thuật, tuy nhiên không có nghĩa là một tác phẩm văn học nghệ thuật có thể hư cấu vô tội vạ theo kiểu bất quy tắc và vẫn cần những giới hạn nhất định.
Theo Thiện Nguyễn/Văn Nghệ Quân Đội