Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mì ăn liền chỉ là 1 loại thực phẩm, trong khi bữa ăn của chúng ta đòi hỏi sự đa dạng.
“Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về lượng tiêu thụ mì ăn liền và trung bình mỗi người dân sử dụng 55 gói mì ăn liền/1 năm.” Đây là thông tin được đề cập tại Hội thảo khoa học thực phẩm ăn nhanh trong xã hội hiện đại với sức khỏe con người, được Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức sáng nay (18/11) tại Hà Nội.
Hiện nay, lượng tiêu thụ mì ăn liền mỗi năm tại Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, 2 năm trở lại đây, việc tiêu thụ mì ăn liền của người Việt Nam gia tăng đáng kể: “Hiện nước ta đang đứng thứ 5 trên thế giới về số lượng mì ăn liền tiêu thụ trong năm. Với Trung Quốc (quốc gia đông dân nhất thế giới) tiêu thụ mì gói nhiều nhất 40,25 tỷ gói mì ăn liền/1 năm. Indonesia đứng thứ 2 với 12,54 tỷ gói, Ấn Độ hơn 6 tỷ gói, Nhật Bản 5,78 tỷ gói, Việt Nam là 5,2 tỷ gói mì ăn liền/1 năm. Việt Nam tiêu thụ 55 gói mì/1 người/1 năm cao hơn cả Trung Quốc (31 gói mì/1 người/1 năm), Indonesia là 46 gói và Nhật Bản là 45,8 gói”.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mì ăn liền chỉ là 1 loại thực phẩm, trong khi bữa ăn của chúng ta đòi hỏi sự đa dạng; không có thực phẩm xấu nhất và cũng không có thực phẩm tốt nhất, chỉ có bữa ăn xấu và bữa ăn tốt. Để đảm bảo khoa học đòi hỏi sự kết hợp giữa các loại thực phẩm khác nhau trong các bữa ăn.
Theo VOV