Về trang chủ Công nghệ Máy bay tàng hình có thực sự vô hình ?

Máy bay tàng hình có thực sự vô hình ?

Máy bay tàng hình có thực sự vô hình ?

Khái niệm “tàng hình” thường được đề cập như một công nghệ tiên tiến giúp các máy bay chiến đấu có thể thâm nhập sâu vào không phận đối phương, thực hiện thành công phi vụ, và trở về căn cứ an toàn, hoặc sẽ chịu tổn thất ít hơn so với các máy bay chiến đấu thông thường nếu không may bị phát hiện. Đây là công nghệ hiện đang được sở hữu bởi Mỹ với các máy bay tiêu biểu như F22, F35, B2 spirit, X47B,… ; Nga với Su-57, Su-75 Checkmate; và Trung Quốc với J-20, hay mẫu máy bay ném bom Xian H-20 đồn đoán.

main-qimg-39ba8921085f660f85749ec0c9c614aa-lq.jpeg
Ống xả trên máy bay F-22 Raptor

Nếu không tìm hiểu nhiều về khoa học quân sự, anh chị em có thể sẽ nhầm lẫn khái niệm tàng hình nghĩa là vô hình trong mắt đối phương. Thực ra thì máy bay tàng hình là một khái niệm khá rộng, nó bao gồm nhiều yếu tố công nghệ giúp máy bay hạn chế bị phát hiện hơn bằng radar, không bị theo dõi bởi các thiết bị quang trắc, tầm nhiệt, khả năng tránh né các loại vũ khí của kẻ thù, khả năng làm nhiễu tín hiệu của các khí tài quân sự của đối phương, và nhiều yếu tố khác. Để đạt được tất cả những điều này, máy bay cần phải được trang bị một loạt các giải pháp mà mình sẽ phân tích dưới đây dựa trên những gì mình đã tìm hiểu được:

1) Hình dáng đặc biệt


1679308158064.jpg
Cách hoạt động của radar quân sự về cơ bản là phóng một chùm sóng vô tuyến đi, khi gặp vật cản, các sóng này sẽ phản hồi lại radar. Bằng việc phân tích thời gian phản hồi, bước sóng, mức độ tín hiệu,… người ta sẽ có thể biết được máy bay hay tên lửa đang đến, cũng như hướng bay, tốc độ của chúng. Theo nguyên lý đó, để tránh được sự dò tìm, các máy bay tàng hình được thiết kế với hình dạng sao cho khi sóng radar khi gặp các bề mặt của máy bay, sẽ bị lệch hướng đi nơi khác hay bị hấp thụ chứ không phản hồi ngược lại nơi nó xuất phát.

QUẢNG CÁO

delta-wings-62833.jpg
Đơn cử như B2 spririt có thiết kế cánh bay (cánh liền thân), toàn bộ máy bay có hình dạng như chữ V, các góc cạnh của nó cũng được bo cong, và cánh đuôi cũng được loại bỏ. Thiết kế này giúp máy bay có thể giảm tối đa sóng phản hồi của radar.
Screenshot_20230317-160154~2.png
Cửa hút khí của các máy bay này cũng nằm phía trên, ống hút khí sẽ có hình như chữ Y, nhằm hạn chế radar quét được cánh quạt kim loại của động cơ.
Vũ khí mà máy bay mang theo được giữ bên trong khoang chứa nằm sâu trong thân. Các khoang này sẽ luôn đóng kín và chỉ mở trong thời gian ngắn để phóng tên lửa hay thả bom tại các thời điểm thích hợp.
Nhược điểm của các khoang này là lượng vũ khí mang theo sẽ không nhiều và đa dạng như giải pháp treo vũ khí bên ngoài cánh.
1679309296065.jpg

2) Lớp sơn và vật liệu

Lớp sơn của các máy bay tàng hình là loại đặc biệt được xử lý ở cấp độ phân tử. Chúng có tác dụng hấp thụ và làm tán xạ sóng radar của đối phương. Vật liệu composite cũng được áp dụng rộng rãi tại những vị trí thích hợp bên trong buồng lái để thay thế cho vật liệu kim loại. Ngoài việc hạn chế bộc lộ tín hiệu radar, vật liệu composite còn được gia cố ở các vị trí thích hợp, giúp máy bay hạn chế bộc lộ các tín hiệu quang hồng ngoại. Nó giống như việc anh chị em dùng smartphone vỏ nhựa sẽ cảm thấy ít nóng hơn smartphone vỏ kim loại.


3) Giảm bộc lộ tín hiệu hồng ngoại


main-qimg-39ba8921085f660f85749ec0c9c614aa-lq.jpeg

Như đã nói ở trên, các tín hiệu hồng ngoại của máy bay sẽ bị theo dõi nhằm hướng dẫn cho các tên lửa tầm nhiệt của đối phương. Các tên lửa này sẽ bám theo ống xả động cơ máy bay, nơi phát ra nhiệt độ cao. Vì vậy mà ống xả của máy bay thường có hình dáng và chất liệu đặc biệt nhằm hấp thụ hoặc làm giảm tối đa lượng nhiệt thoát ra.
Một hệ thống dẫn không khí lạnh hút từ phía trước cũng được liên kết vào hệ thống ống xả này nhằm giảm nhiệt độ ở đuôi, đồng thời cũng giúp máy bay tạo ra ít các vệt mây phía sau hơn.
Việc này có ý nghĩa đặc biệt trong trường hợp máy bay tàng hình đã thực hiện xong phi vụ và bay hành trình trở về căn cứ. Các vệt mây để lại trên bầu trời sẽ làm lộ hướng bay của chúng.

QUẢNG CÁO

4) Radar tầm xa
Screenshot_20230317-171554~2.png

Trong thực chiến, phi công lái máy bay tàng hình sẽ được hỗ trợ bởi radar có tầm quét xa và rộng hơn các máy bay chiến đấu thông thường. Khả năng này giúp chiến đấu cơ tàng hình có thể phát hiện, khoá mục tiêu, và phóng tên lửa tiêu diệt kẻ thù ngay trước khi bị phát hiện. Nếu trong tính huống đối phương có radar quét xa hơn, thì các giải pháp đã phân tích phía trên cũng giúp những con chim sắt tàng hình có nhiều cơ hội lẩn tránh và ẩn thân hơn một máy bay thông thường. Việc này giống như một tay xạ thủ được trang bị các thiết bị theo dõi tầm xa và khẩu súng ngắm để đối đầu với một tay súng ngắn trên chiến trường.
Máy bay tàng hình F22 raptor được cho là có khả năng trinh sát, vẽ địa hình chiến trường, và hoạt động như một máy bay cảnh báo sớm trong tình huống cần thiết. Khi đó, nó sẽ như tai mắt đi trước, để theo dõi và chỉ điểm cho các máy bay mang nhiều vũ khí hơn phía sau khai hoả tấn công các mục tiêu.


5) Tấn công điện tử


F-22_Raptor_edit1_(cropped).jpg
Trên chiến trường, máy bay đồng minh thường sẽ dùng các đường truyền tín hiệu không dây giao tiếp với nhau để hợp tác chiến đấu theo đội hình. Các hệ thống pháo phòng không, tên lửa cũng dùng các kết nối và tín hiệu điện từ để bắt bám, theo dõi, tìm diệt mục tiêu.
Máy bay tàng hình, trong tình huống này sẽ thể hiện khả năng ẩn thân bằng cách phát ra các sóng gây nhiễu loạn các tín hiệu nêu bên trên, khiến đối phương không thể ngắm bắn chuẩn xác, hoặc sẽ rối loạn đội hình, giảm sức chiến đấu tổng thể.
Ngoài mang bom thông thường, các máy bay tàng hình hiện đại của Mỹ được cho là còn mang thêm các bom xung điện từ. Tận dụng khả năng tàng hình, chúng sẽ thâm nhập sâu vào trận địa đối phương, thực hiện nhiệm vụ quét địa hình, tấn công điện từ các thiết bị theo dõi, tiêu diệt các mục tiêu có giá trị, sau đó quay trở về căn cứ an toàn. Ở giai đoạn 2, các máy bay không tàng hình, mang nhiều bom và tên lửa hơn, sẽ đến để tiêu diệt triệt để những gì còn lại.


6) Trần bay


blackbird-01_zguj.jpg

Trần bay, hay khả năng bay ở độ cao bao nhiêu cũng là một tính năng góp phần vào khả năng ẩn mình của các máy bay tàng hình. Với khả năng bay ở độ cao lớn, chúng sẽ tránh được sự theo dõi và tấn công của các máy bay, tên lửa tầm thấp, cũng như qua mặt được tầm quét của các radar lạc hậu.
Với lý do đó, F22 raptor được thiết kế để bay ở độ cao đến 18.000 mét, trong khi ở máy bay F/A-18C Hornet chỉ là 15.200 mét. Hay như máy bay trinh sát SR-71 blackbird dù không phải máy bay tàng hình, nhưng nó có khả năng bay ở độ cao 25.900 mét. Nó được cho là bất tử trước tất cả các loại tên lửa và máy bay cùng thời bởi chúng không thể bay tới trần bay đó.
Với nhiều công nghệ hiện đại tích hợp, máy bay tàng hình thường được đem ra so sánh để thể hiện vị thế quân sự trên chiến trường. Chúng có những khả năng mà quân đội nhiều quốc gia thèm muốn. Tuy nhiên, lắm tài thì nhiều tật, các đặc điểm như chi phí cao, nhiều yêu cầu hậu cần khắc khe, lớp sơn tàng hình dễ bong tróc, vũ khí mang theo không nhiều, tốc độ và khả năng cận chiến thấp… cùng nhiều hạn chế khác đã khiến máy bay tàng hình khó phổ biến trên thế giới. Mình sẽ có một bài phân tích riêng về vấn đề này.
Theo tinhte.vn

Có thể bạn quan tâm