Nhiều người có thói quen lựa chọn những ly nước có kích cỡ khủng để giải khát, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng. Nhưng hãy cẩn thận với sự “tham lam” này.
Nắm bắt nhu cầu giải khát của người đi đường tăng cao trong những ngày hè nắng nóng, thời gian gần đây, dọc các vỉa hè trên địa bàn TP.HCM mọc đầy rẫy những quầy bày bán các loại nước giải khát có kích cỡ khổng lồ với giá khá rẻ.
Ly 1 lít chỉ với giá 8.000 – 10.000 đồng
Theo ghi nhận, hầu hết các quán nước giải khát dọc vỉa hè đều dùng loại ly nhựa thể tích 500 – 1.000ml (1 lít). Trong đó, loại ly 1 lít được khách hàng ưa chuộng hơn trong những ngày hè nắng nóng như hiện nay. Dọc một số tuyến đường ở TP.HCM, cứ cách khoảng 100m lại có một quầy nước, thậm chí có những khu vực các quầy nước nằm san sát nhau. Điểm nổi bật tại các quầy này là giá từng loại nước chỉ 8.000 – 10.000 đồng.
Đang chạy xe máy trên đường giữa trưa nắng, một phụ nữ ghé vào quầy nước vỉa hè gọi một ly trà tắc 1 lít. Tích tắc, người này đã có một ly trà tắc đầy với giá 8.000 đồng. Theo quan sát, lượng trà tắc chỉ chiếm 1/3 ly, còn lại là nước đá.
Cùng lúc, một nam thanh niên cũng ghé và gọi một ly nước cam vắt loại 1 lít. Với yêu cầu của khách, người bán vắt 3 trái cam và cho 1 muỗng lớn đường lỏng vào khuấy đều. Vừa cầm trên tay ly nước cam “khủng”, nam thanh niên này liền hút một hơi thật dài.
Chị N.T.D. -chủ quầy nước trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), nói: “Trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng 120 ly và chủ yếu là loại ly 1 lít. Trời càng nóng càng đắt khách, đặc biệt vào lúc 10-15h”.
Càng đã khát, càng nguy hiểm
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn -Khoa dinh dưỡng-tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho hay: Trong những ngày nắng nóng, việc uống đủ nước sẽ giúp cơ thể giải nhiệt, đồng thời là cách giảm mất nước. Tuy nhiên, việc lựa chọn những loại nước giải khát như nước cam, trà tắc, chanh dây… dọc vỉa hè với dung lượng 500 – 1.000ml có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe.
Nếu uống hết ly có thể sẽ dung nạp vào cơ thể một lượng đường 40-80gram. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng đường tiêu thụ mỗi ngày ở cả người lớn và trẻ em nên dưới 200 calo, tương đương khoảng 50gram hoặc 12 thìa cà phê.
Theo bác sĩ Nhàn, đối với những người trẻ, khỏe mạnh thì khi uống nhiều, nạp lượng đường nhiều như trên sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu uống liên tục nhiều ngày liền, uống nhiều như vậy có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sớm hoặc bị thừa cân, hoặc gây rối loạn mỡ trong máu.
Đối với người từ độ tuổi trung niên trở lên, đặc biệt những người đang mắc các bệnh mãn tính, mặc dù vẫn tuân thủ theo chế độ ăn của bác sĩ nhưng nếu uống nhiều có thể làm tăng đường huyết, dẫn đến hôn mê.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nhàn cho hay việc uống quá nhiều nước đá có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm vì phần lớn các cơ sở sản xuất nước đá là tự phát, không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, việc uống lượng nước đá lớn trong thời gian ngắn cũng có thể làm co mạch máu ở dạ dày gây khó hấp thu, viêm họng hoặc choáng nhẹ do giảm nhịp tim, tụt huyết áp…
Giải khát đúng cách
Để giải khát trong những ngày nắng nóng, người dân có thể chọn nước lọc để mát hoặc nước trái cây như bí đao, rau má, dưa hấu, nước dừa… nhưng hạn chế việc bổ sung đường.
Đối với những người mắc bệnh mãn tính có thể uống những loại nước trái cây nguyên chất với lượng vừa đủ và lưu ý không nên thêm đường. Đặc biệt với những người đang mắc bệnh tiểu đường cần hạn chế tối đa việc uống nước ép. Thay vào đó nên ăn sinh tố vì chứa đầy đủ chất xơ, không làm tăng đường huyết đột ngột.
Theo TTO