Tác phẩm ‘Lượm’ của nhà thơ Tố Hữu bị biến hoá với vô số ca từ không phù hợp, nhận về sự phản đối kịch liệt từ dư luận.
Những ngày qua, đoạn nhạc phối chế lời từ bài thơ Lượm trở nên thịnh hành tại mạng xã hội TikTok.
Nền tảng này ghi nhận, hashtag “chubeloatchoat” (Chú bé loắt choắt) có hơn 18,4 triệu lượt nhắc. Các video sử dụng âm thanh này thu hút lượng tương tác lớn, có đến hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ.
Lời thơ ‘Lượm’ bị bẻ cong trên TikTok
Lượm vốn là bài thơ xuất hiện trong chương trình ngữ văn cấp 2, nhận được nhiều tình cảm yêu mến từ người đọc. Thông qua đó, nhà thơ Tố Hữu phác hoạ hình ảnh các em bé thiếu niên làm công tác liên lạc trong thời chiến.
Tuy nhiên, đoạn rap chế lời do 2see thực hiện và DJ FWIN phối nhạc đã biến tấu nội dung bài thơ mất đi tinh thần gốc ban đầu.
Lời của bài nhạc chế như sau: “Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi/ Gió đưa cành trúc thật Prada/ Trên mạng đang hot trend gì vậy ta/ Họa hổ họa bì gian nan họa cốt/ Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương/ Cười người hôm trước hôm sau người cười/ Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10/ Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều”.
Thêm vào đó, động tác “bắt trend” của học sinh đứng trên bàn ghế, bàn giáo viên với góc quay phản cảm nhận về không ít ý kiến trái chiều.
“Mình Gen Z, nghe xong cảm thấy không hiểu người viết mấy câu này đang nghĩ gì trong đầu. Không phải cái gì cũng đem ra chế, cật lực phản đối lan truyền những thể loại nhảm này ra khỏi mạng xã hội”.
“Nghe xu hướng này thật sự khó chịu, một bài thơ xúc động về chú bé Lượm mà bị chế và remix như thế này thật tệ”.
“Những nhân vật văn học mang tính biểu tượng thì không nên động vào một cách tùy tiện, thật sự bài nhạc này nghe khá phản cảm, dễ tạo hiệu ứng tiếp cận sai lệch khi nhắc về hình ảnh chú bé loắt choắt”… là những phản ứng của dư luận trước xu hướng chế nhạc bài thơ Lượm.
Tràn lan nhạc chế, nhạc rác gây phản cảm
Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội đã tạo thời cơ cho các nội dung “rác” được phổ biến rộng rãi.
Năm 2022, Lê Dương Bảo Lâm từng chế lời bài hát từ truyện tranh Doraemon nổi tiếng. Năm 2018, ca khúc Thương quá Việt Nam bị Vanh Leg, đăng trên YouTube với nội dung biến tướng.
Đặc biệt, trên nền tảng TikTok đếm không xuể những ca khúc có giai điệu, lời bài hát chối tai. Không chú trọng việc mang lại giá trị cho người nghe, những phân khúc thời lượng ngắn dễ trở nên thịnh hành dù ca từ sáo rỗng và thiếu chuẩn mực.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận giới trẻ khi thường xuyên tiếp xúc với văn hoá độc hại.
Theo Guardian, trong thư gửi tới Eric Han, giám đốc an ninh TikTok, các tổ chức yêu cầu ứng dụng phải hành động ngay để cải thiện việc kiểm duyệt nội dung, cũng như xóa bỏ những thông tin có hại.
Tuy nhiên, nền tảng này vẫn xử lý chậm ngay cả khi nhận được thư yêu cầu của các tổ chức xã hội. |
Theo Báo Tuổi Trẻ