Tuần này, Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm gần đây, bao gồm: Trẻ giảm khả năng phản biện do phụ thuộc vào công nghệ; Cẩn trọng khi mua đồ cũ qua mạng.
Trẻ giảm khả năng phản biện do phụ thuộc vào công nghệ
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, chuyên gia tâm lý, cho biết: “Trí tuệ nhân tạo không làm suy giảm khả năng tư duy phản biện hay suy nghĩ độc lập. Vấn đề nằm ở chỗ, một số trẻ em và cả người lớn khi tiếp cận thông tin lại lười suy nghĩ, thiếu kỹ năng phản biện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng ra quyết định và hiệu quả làm việc trong cuộc sống”.
Em Đ.C.T, học sinh tại TP.HCM, chia sẻ rằng em gặp khó khăn trong học tập do thiếu kỹ năng tư duy phản biện. “Tra Google rất nhanh nên em không cần suy nghĩ nhiều. Khi làm bài văn hay toán khó, em chỉ tìm mẫu hoặc bài giải rồi chép lại”, Đ.C.T. nói. Theo em, nhiều bạn cùng lớp cũng có thói quen tương tự: chỉ cần chép đáp án từ mạng và mang đến lớp. Khi được thầy cô hỏi lại, các em thường im lặng vì không hiểu rõ vấn đề.
Tương tự, em N.N.A, học sinh tại TP.HCM, thừa nhận rằng bản thân và nhiều học sinh hiện nay ngại tranh luận, phần vì đã quen với việc tra cứu nhanh thông tin trên mạng thay vì tự suy nghĩ: “Tụi em quen tìm đáp án hơn là tự đặt câu hỏi hay phản biện. Có lần trong giờ Ngữ văn, cô giáo hỏi về ý kiến trái chiều nhưng không ai giơ tay. Em nghĩ do tụi em không quen nhìn vấn đề theo nhiều góc độ”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh vai trò của phụ huynh trong việc định hướng con sử dụng AI đúng cách. Chị nói: “Hãy hỏi con xem con có cách trả lời nào khác không, hoặc theo con nghĩ góc nhìn này đã phù hợp chưa. Những câu hỏi này sẽ giúp trẻ phát triển tư duy phản biện và nhìn nhận đa chiều”. Chị cũng khẳng định: “Con người vẫn là chủ thể chính quyết định cách sử dụng công nghệ. Hãy xem AI là công cụ, đừng xem là đáp án duy nhất trong cuộc sống”.
Bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng cha mẹ bận rộn, ít quan tâm đúng mức sẽ khiến trẻ bỏ lỡ các giai đoạn phát triển quan trọng. Theo ông, nếu được chọn lọc phù hợp, các trò chơi điện tử cũng có thể trở thành công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả. “Trò chơi điện tử về ngôn ngữ hay đòi hỏi tư duy sẽ giúp trẻ cải thiện kỹ năng đọc, viết và phát triển nhận thức. Những trò chơi cần động não, đặc biệt là các trò chơi vận động đòi hỏi sự khéo léo sẽ giúp trẻ hoàn thiện các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống”, ông nhận xét.
Clip Trẻ giảm khả năng phản biện do phụ thuộc vào công nghệ: https://www.youtube.com/watch?v=omlvIRCOfP4
Cẩn trọng khi mua đồ cũ qua mạng
Anh Phạm Văn Nghĩa (TP.HCM) cho biết hiện nay có rất nhiều hội nhóm thanh lý đồ cũ trên mạng xã hội, từ máy ảnh, đồ gia dụng đến quần áo. Tuy nhiên, việc mua bán trên các nền tảng này tiềm ẩn nhiều rủi ro: “Bạn tôi từng mua một chiếc tủ quần áo qua nhóm thanh lý. Sau khi chuyển khoản, người bán lập tức chặn liên lạc. Sau này mới biết người đó đã lừa nhiều người khác với chiêu thức tương tự”, anh Nghĩa chia sẻ.
Em N.T.A, sinh viên năm cuối đại học tại TP. Thủ Đức (TP.HCM), cũng trở thành nạn nhân của chiêu lừa bán đồ cũ trên mạng xã hội. Thấy bài đăng thanh lý gương và bếp điện với giá chưa đến 250.000 đồng, A. liên hệ mua. Người bán tỏ ra nhiệt tình, cho biết cả hai ở gần nhau nên thuận tiện trao đổi, đồng thời viện lý do “hàng khan hiếm, nhiều người hỏi mua” để yêu cầu chuyển cọc nhằm giữ hàng và xóa bài. Tin tưởng, A. nhanh chóng chuyển tiền nhưng sau đó bị chặn liên lạc và không nhận được bất kỳ món hàng nào.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Công ty TNHH Mindcare, cho rằng trong quá trình mua sắm, con người thường bị chi phối bởi yếu tố tâm lý cá nhân. “Khi có nhu cầu với một món đồ, chúng ta sẽ ưu tiên các tiêu chí như giá rẻ, hiệu quả nhanh và giao hàng ngay. Dù sản phẩm có thể thiếu chất lượng, người mua vẫn dễ dàng bỏ qua các yếu tố về độ bền hay giá trị thực”, chị phân tích. Theo chị, đây là biểu hiện của “tính lựa chọn” – xu hướng đưa ra quyết định dựa trên nhu cầu cá nhân thay vì lý trí.
Nữ thạc sĩ cũng cảnh báo thêm về tâm lý “sợ bị bỏ lỡ” khi mua sắm trên mạng: “Những thông tin như ‘chỉ còn 5 sản phẩm’ hay ‘chỉ bán trong ngày hôm nay’ tạo cảm giác cấp bách, khiến người mua đưa ra quyết định vội vàng, thiếu phân tích và dễ bị dẫn dắt bởi cảm xúc”.
Về mặt pháp lý, luật sư Bùi Trọng Hiển, Giám đốc Công ty Luật Bùi Trọng Hiển, cho biết các hành vi lừa đảo trong giao dịch trực tuyến như bán hàng giả, nhận tiền nhưng không giao hàng có thể bị xử lý hình sự. “Theo Bộ luật Hình sự, người gian dối để chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu chiếm đoạt từ 5 triệu đồng trở lên và có tình tiết tăng nặng, mức án có thể từ 12 đến 20 năm, thậm chí chung thân”.
Clip Cẩn trọng khi mua đồ cũ qua mạng: https://www.youtube.com/watch?v=73m4pg4N8Yk
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự, xã hội…
Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.
Gia Huy (theo TTV)