Với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Jrai ở Tây Nguyên, nước là mạch nguồn của sự sống, sinh trưởng và phát triển. Vì thế, hàng năm, người Jrai luôn tổ chức Lễ cúng giọt nước để cầu mong thần nước phù hộ cho dân làng luôn được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật trong làng đều tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là một biểu tượng văn hóa độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của cộng đồng đồng bào dân tộc Jrai.
Tây Nguyên mùa này, hoa cà phê nở trắng muốt, thơm phức len lỏi khắp các buôn làng Jrai, Bahnar, hòa cùng những lễ hội văn hóa đặc sắc. Theo tiếng gọi của âm thanh cồng, chiêng trầm hùng đó, chúng tôi về với Lễ cúng giọt nước của làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) khi mặt trời mới gác nơi ngọn tre của làng.
Để chuẩn bị cho lễ phục dựng, cấp ủy chi bộ, ban nhân dân, ban Công tác mặt trận, các đoàn thể của thôn và các vị già làng của làng Bồ đã tổ chức họp dân bàn bạc, giao nhiệm vụ cho từng gia đình, nhóm hộ. Vì thế, ngay từ sáng sớm, dân làng Bồ đã tập trung nơi giọt nước linh thiêng của làng để chuẩn bị cho lễ cúng.
Với người Jrai, để tổ chức lễ cúng giọt nước, lễ vật dâng lên các thần linh gồm 1 con gà nướng, gan gà sống, tiết gà sống, ghè rượu, một cành lá cây…
Ông Rơ Chăm Pố, Bí thư Chi bộ làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai cho biết, để tổ chức lễ cúng giọt nước, mỗi thành viên trong làng là một hạt nhân của sức mạnh. Các phần việc đều được các thành viên trong làng chia nhau đảm nhận như phụ nữ đảm nhận việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm, dọn dẹp khu vực đường xuống giọt nước; thanh niên vào rừng chặt tre, nứa đan thành các vòm hoa văn, dựng một cây nêu tại khu vực làm lễ cúng. Người già chuẩn bị trang phục truyền thống, các bài văn tế trong lễ tế thần nước.
Lễ vật được chuẩn bị hoàn tất, già làng cùng 2 người uy tín của làng Bồ bắt đầu thực hiện các nghi thức của lễ cúng. Già làng đọc lời khấn cầu Yàng Đak mong cho dân làng khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, không có dịch bệnh xảy ra, nước chảy quanh năm… Khi lời khấn kết thúc, lần lượt từ già làng rồi người dân làng Bồ xuống giọt nước để rửa mặt, rửa chân, té nước vào nhau để cầu mong mọi điều tốt lành.
Ông Rơ Chăm Van – làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai chia sẻ, hàng năm, khi con ong đi tìm mật ngọt, dân làng tổ chức Lễ cúng giọt nước của làng. Bao đời nay, giọt nước của làng đã luôn mang đến sự may mắn, sức khỏe và bình an nên dân làng luôn nhớ.
Giọt nước đối với đồng bào dân tộc Jrai Tây Nguyên nói chung, người Jrai ở làng Bồ, xã Ia Yok nói riêng là một biểu tượng văn hóa độc đáo, nó gắn với đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh. Bởi với người Jrai, khi lập làng, họ sẽ chọn nơi đất đai màu mỡ, vị trí đẹp và phải gần nguồn nước. Vì thế, Lễ cúng giọt nước là một trong những nghi lễ quan trọng của người Jrai. Việc phục dựng lễ hội nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng của người Jrai tại đây.
Ông Lê Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Yok, huyện Ia Grai cho biết, việc phục dựng các lễ cúng truyền thống của đồng bào không chỉ khơi dậy tình yêu, bản sắc truyền thống của người Jrai mà còn giáo dục cho thế hệ trẻ, tiếp tục kế thừa, phát triển lễ hội này thành bản sắc trên địa bàn xã để thu hút khách du lịch.
Khi mặt trời đã đứng bóng là lúc Lễ cúng đi vào phần hội. Người dân trong làng cùng sum vầy quanh cây nêu dựng gần giọt nước cùng say với men rượu cần hòa âm tiếng công, chiêng trầm hùng, điệu xoang huyền ảo cho đến lúc mặt trời khuất sau mái nhà rông của làng Bồ.
Theo TTXVN