Không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa, các làng nghề của Hà Nội còn đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương khi liên tục có sự tăng trưởng về doanh thu.
“Hội thi Sản phẩm Làng nghề” đang diễn ra tại Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ đô tổ chức hội thi này với các nhóm sản phẩm chính từ: Mây, tre, lá tự nhiên; Nhóm sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ; Nhóm gốm sứ và thủy tinh cho tới Nhóm dệt, may, thêu đan, móc… Hà Nội hiện cũng là địa phương có số làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước.
Đáng nói không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa, các làng nghề của Hà Nội còn đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương khi liên tục có sự tăng trưởng về doanh thu, trong đó khoảng 100 làng nghề đạt từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm…
Thậm chí nhiều làng nghề doanh thu nghìn tỷ/năm như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở xã Minh Khai hay Làng nghề cơ kim khí Phùng Xá.
Đổi mới sản phẩm làng nghề
Doanh thu cao nên thu nhập của người lao động làng nghề cũng được cải thiện, phổ biến ở mức 5 – 6 triệu đồng/tháng. Có được điều này, một phần nhờ các làng nghề đã không ngừng làm mới, gia tăng giá trị cho các sản phẩm truyền thống của mình. Câu chuyện từ Làng Tơ tằm Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) và Làng Mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) là một ví dụ.
Từ loài hoa sen gần gũi với người Việt, những nghệ nhân của Làng Tơ tằm Phùng Xá đã biến những sợi tơ sen mỏng manh thành những sản phẩm độc đáo chứa đựng những nét văn hóa Việt.
Cũng vì thế, khăn tơ sen từng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà tặng đại diện cho văn hóa dân tộc Việt Nam, khi dự Hội nghị G20 tại Nhật Bản.
Bên cạnh những sản phẩm mới, các làng nghề cũng đang chuyển mình khi đổi mới các sản phẩm đã vốn quen thuộc. Làng nghề mây tre tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội hàng ngày vẫn tất bật với các đơn hàng xuất khẩu. Mỗi một khách hàng, một thị trường lại có những yêu cầu riêng.
Tuy nhiên, các sản phẩm tại nhiều nơi hiện nay vẫn là gia công theo những mẫu thiết kế đặt hàng có sẵn. Sau đó, sản phẩm được gắn tên thương hiệu của hãng đặt hàng, không có thương hiệu riêng. Đây là điều đáng tiếc cho các làng nghề Việt.
Ông Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: “Hiện nay Nhà nước và thành phố đã triển khai xúc tiến thương mại sang các nước, các làng nghề cần khai thác các thị trường và phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề chính danh khi ra nước ngoài”.
Ngành thủ công mỹ nghệ đặt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2030 đạt 6 tỷ USD, Hà Nội với hơn 1.300 làng nghề sẽ đóng vai trò quan trọng để hiện thực hoá mục tiêu này. Bên cạnh những hỗ trợ từ địa phương, thay đổi tư duy tổ chức sản xuất và đầu tư cải tiến sản phẩm là chìa khoá giúp các sản phẩm làng nghề tự tin bước ra thế giới.
Thu nhập người lao động làm nghề được nâng cao
Không chỉ là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, hội tụ tới 48 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống. Các làng nghề Hà Nội còn tạo việc làm thường xuyên cho 600 – 800 lao động/làng.
Thu nhập của người lao động làm nghề của Hà Nội cũng cao hơn nhiều so với lao động thuần nông và được cải thiện qua các năm. Chính vì thế, người dân làng nghề càng thêm yêu nghề, muốn giữ gìn, phát triển nghề truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Ngoãn – Ứng Hoà, Hà Nội chia sẻ: “Tôi vui lắm, Quảng Phú Cầu ngày càng phát triển về ngành tăm hương. Số lượng bán ra nhiều, bà con lại có thêm giờ làm, thêm thu nhập”.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tính – Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: “Khi các sản phảm thủ công mỹ nghệ tham gia chương trình OCOP, với truyền thông mạnh mẽ của Hà Nội, sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ được nhiều người biết đến”.
Theo Ban Thời Sự/VTV