Câu chuyện nóng bỏng hiện nay là có quá nhiều tài khoản ngân hàng sau khi được “chính chủ” lập ra đã bị mang đi mua – bán, cho thuê. Làm cách nào để quét sạch các tài khoản này?
Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chia sẻ các giải pháp tại phần hỏi đáp trong buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt năm 2023” do Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức tại TP.HCM ngày 26-5.
Ông Tuấn cho biết Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký kết phối hợp triển khai đề án về kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và định danh điện tử.
Đây là kế hoạch rất quan trọng của ngành ngân hàng trong việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc làm sạch, định danh điện tử khách hàng cũng như là cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng của mình trên cơ sở dữ liệu.
Trước tiên sẽ làm sạch dữ liệu trên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Hiện Ngân hàng Nhà nước đã kết nối vối C06 để định danh chính xác từ số CMND cũ sang CCCD mới, làm sao đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.
Song song đó, các ngân hàng cũng phối hợp với cơ quan công an để rà soát lại dữ liệu. Đây chính là cơ hội để ngành ngân hàng làm sạch dữ liệu của mình.
Đảm bảo đúng nhân thân là bước đầu tiên, tiếp đến là đối chiếu xem người mở và người dùng tài khoản có khớp không.
Hiện nay nan giải nhất là nạn cho thuê, cho mượn tài khoản để nhận tiền lừa đảo, sau đó đối tượng lừa đảo chuyển tiền đi lòng vòng qua nhiều tài khoản để chiếm đoạt.
Như vậy câu hỏi đặt ra là các ngân hàng phải làm sao chứng minh được người dùng là chính chủ. Vì hành vi lừa đảo chưa xảy ra khi mở mà chỉ xảy ra khi sử dụng tài khoản. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chấn chỉnh và giao cho các ngân hàng tự xác định khấu vị rủi ro của mình và đặt ra ngưỡng để yêu cầu xác minh.
Theo thống kê 4 tháng qua, 90% giao dịch liên ngân hàng có giá trị dưới 2 triệu đồng. Như vậy chủ yếu là giao dịch nhỏ lẻ. Chỉ có 10% là giao dịch trên 2 triệu đồng. Tội phạm thường chỉ lừa tiền trăm triệu, tiền tỉ. Như vậy các ngân hàng hoàn toàn có thể đặt ngưỡng 5, 10 triệu đồng trở lên phải xác minh chính chủ.
Quá trình này chỉ mất 5, 10 giây, hoàn toàn không ảnh hưởng đến trải nghiệm nhưng đảm bảo chính chủ, đúng theo quy định thông tư 23. Nếu xác minh không đúng chính chủ, ngân hàng có quyền tạm dừng giao dịch và yêu cầu xác thực tại quầy.
Thêm vào đó, hiện nay còn một vấn đề khác là một sim điện thoại đang được đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng do vậy cũng phải xác minh lại.
“Chúng tôi không kết luận nhưng nếu rơi vào tình huống như vậy thì phải yêu cầu xác thực tại quầy. Bộ Thông tin – Truyền thông cũng cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết sim không chính chủ, qua đó chung tay với ngành ngân hàng để giải quyết nạn cho thuê, mua bán tài khoản”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Báo Tuổi Trẻ