Đó là bình luận của TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nêu ra trong buổi đối thoại chuyên đề “Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô” do VnEconomy tổ chức.
Được cái lọ thì mất cái chai
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, tỷ giá là vấn đề trọng điểm của chính sách tiền tệ năm 2022. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng một loạt công cụ để ổn định tỷ giá hối đoái. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã kích hoạt trở lại thị trường mở (OMO) để kiểm soát cung tiền tốt hơn. Hai là đã bán ngoại tệ ở mức vừa phải để ổn định tỷ giá và tài trợ cho các nhu cầu lớn tức thì của các doanh nghiệp.
Thứ ba, quan trọng nhất, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần tăng lãi suất điều hành với mức tăng 1%/lần. “Tại Mỹ, lạm phát tới 8% – 9% nhưng ngân hàng trung ương chỉ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %/lần; còn Việt Nam lạm phát ở mức 3% nhưng mỗi lần tăng đến 1 điểm % là rất mạnh tay”, TS Nghĩa bình luận.
Biện pháp thứ tư là Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm, tỷ giá bán ngoại tệ và nới lỏng biên độ. Tổng hợp các biện pháp, tới nay, tỷ giá đã biến động ở mức 9,5% – 9,6%.
TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước tương đối thành công khi đã giữ được tỷ giá biến động ở mức thấp nhất trong khu vực. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, lạm phát chỉ 2,5% nhưng đồng nhân dân tệ lại mất giá 16% – 17% so với USD, yên Nhật đã mất giá trên 40%, châu Âu 30%, Anh 35%, Thái Lan 17% – 18%.
“Tuy nhiên, đôi khi chúng ta quá lo ngại dẫn đến mức điều hành lãi suất tương đối cao, khiến cho lạm phát Việt Nam gần như thấp nhất thế giới nhưng lãi suất cho vay thì thuộc nhóm cao nhất thế giới. Lãi suất thực gấp 3 lần lạm phát, đó là lãi suất không một doanh nghiệp nào chịu được nổi, kể cả buôn bất động sản.
“Đây là điều mà chúng ta cần xem xét, lưu ý. Châu Âu lãi suất 3% nhưng lạm phát lên 10%; Mỹ lạm phát 8%, lãi suất cho vay khoảng 3%/năm. Trong khi đó chúng ta ngược lại. Điều này tạo gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong khoảng đầu quý III tới giờ thì doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn thực sự”, TS Nghĩa nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp đi vay chợ đen
Đà tăng của lãi suất mới chỉ là một phần của câu chuyện. Phần còn lại là tình trạng khó vay vốn. Theo TS Nghĩa, ở TP. HCM, những ngày qua, tình hình tiền nong vô cùng căng thẳng.
“Nói là lãi suất cao đấy nhưng cũng không có tiền mà cho vay, thậm chí nhiều người, nhiều doanh nghiệp mang tiền đến gửi ngân hàng lại sợ ngân hàng không cho vay lại, nên không biết làm thế nào. Nhiều doanh nghiệp vay chợ đen để hoàn thành các dự án, các hợp đồng ký với nước ngoài. Phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành xây dựng, lại giảm rất nhiều công nhân, thậm chí giảm một nửa. Đây là điều không thể chấp nhận được.
“Chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi đà tăng trưởng rất tốt, nhưng tình trạng này làm cho khan hiếm thanh khoản trong toàn bộ nền kinh tế và lãi suất này sẽ làm cho đà phục hồi bị chững lại. Tôi nghĩ rằng nếu không cẩn thận thì nó có thể lan truyền từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sang thị trường cổ phiếu, sang thị trường bất động sản. Đến lúc bấy giờ đang từ tự chủ, cả thế giới đang ca ngợi Việt Nam là quốc gia quản lý vĩ mô tốt lại rơi xuống tình trạng tệ hại, thậm chí hơn cả những quốc gia đang gặp khó khăn về lạm phát. Trong khi đó thì chúng ta không lạm phát gì ghê gớm”, TS Nghĩa bình luận.
Giải thích về thực trạng này, vị chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể do phương pháp điều hành. Tiền trong lưu thông rất thiếu. GDP danh nghĩa tăng khoảng 11%, trong khi cung tiền chỉ tăng 3%. Năm ngoái, cung tiền tăng 11% trong khi GDP và lạm phát cộng lại chỉ 4,5%, tức năm ngoái dư thừa 6,5%, nên mới kéo dài tăng trưởng sang quý I – quý II năm nay. Nhưng đến quý III/2022 thì thanh khoản bắt đầu có vấn đề.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã nhận ra vấn đề và hành động. Nhưng Ngân hàng Nhà nước lại gặp khó khăn: muốn bơm tiền ra thì phải mua trái phiếu chính phủ vào, song điều này phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại, trong khi đó các ngân hàng thương mại lại đã trót mang trái phiếu chính phủ đi thế chấp.
“Nếu không mua được trái phiếu chính phủ, tiền không được bơm ra. Chúng tôi rất lo ngại, về cuối năm, thanh khoản của toàn nền kinh tế đang tính từng ngày”, TS Nghĩa nói.
Với Bộ Tài chính, 900.000 tỷ đồng đầu tư công đã được Bộ hút về và “đóng băng” ở hệ thống ngân hàng (2/3 ở Ngân hàng Nhà nước, 1/3 ở các ngân hàng thương mại quốc doanh). Cộng với việc trước đó, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ hút tiền về, đâu đó khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, thanh khoản lại càng căng thẳng.
Để giải quyết vấn đề thanh khoản, TS Nghĩa cho rằng chỉ có 2 cách. Một là Ngân hàng Nhà nước phải bơm tiền tương xứng với GDP danh nghĩa. Hai là Bộ Tài chính phải xử lý nguồn vốn đầu tư công đang “mắc cạn”.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng có một số việc cần phải làm ngay. Một là cho phép dùng 300.000 tỷ đồng tại các ngân hàng quốc doanh để cho vay ngắn hạn như khoản tín dụng bình thường với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quan trọng. Hai là ngân sách tạm ứng tiền cho các tập đoàn đã trúng thầu và đang triển khai các dự án đầu tư công. Ba là thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Hàn Quốc: vừa bảo lãnh, vừa mua lại với điều kiện có tài sản thế chấp theo tỷ lệ nhà nước quy định.