Mặc dù đã có những động thái tích cực để gỡ vướng cho các doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng nhưng hiệu quả vẫn không được như kỳ vọng, trong đó câu chuyện lãi suất vay vẫn còn cao chính là rào cản lớn nhất.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành bốn lần liên tiếp. Trước động thái đó, các doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi việc lãi suất vay sẽ giảm mạnh nhưng chính ngân hàng cũng gặp khó.
Tăng trưởng tín dụng đến ngày 15.6 chỉ ở mức 3,36% là rất thấp khi mục tiêu của cả năm là 14-15%.
Hiện tượng tín dụng tăng trưởng thấp do các doanh nghiệp không có đơn đặt hàng nên họ không vay. Đồng thời, có doanh nghiệp vì lãi suất cao, càng vay càng lỗ nên nhu cầu về tín dụng cũng giảm.
Nguyên nhân nữa là nền kinh tế đang ở trong tình trạng trì trệ nên rủi ro tăng cao. Vì thế, các ngân hàng cũng rất cẩn thận trọng cho vay.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thép Khương Mai, cho biết dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm bốn lần lãi suất điều hành, nhưng các ngân hàng thương mại mới chỉ điều chỉnh hạ lãi suất cho vay hai lần, với biên độ điều chỉnh giảm mỗi lần chỉ khoảng 0,2% hoặc 0,3%/năm.
Mức giảm như vậy là vô cùng thấp. Lúc này, các doanh nghiệp rất cần sự đồng hành từ phía ngân hàng thương mại, nếu lãi suất không giảm mạnh, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, nguy cơ nợ xấu của ngân hàng cũng phình to.
Khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay được nói nhiều đến thời gian qua chính là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 96% trong khu vực kinh tế tư nhân cần phải được tiếp sức về vốn.
Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm này cho biết cần vốn và đi gõ cửa các ngân hàng thì đâu đâu cũng yêu cầu phải có tài sản thế chấp.
Thế nhưng có bao nhiêu tài sản thì đã nằm trong ngân hàng hết rồi. Lãi suất vay thế chấp mà họ đang phải gồng trả lãi ở mức 10%/năm. Hết tài sản thế chấp muốn vay vốn để triển khai dự án kinh doanh thì phải vay tín chấp nhưng e rằng không gánh nổi chi phí lãi vay với lãi suất cao ngất ngưởng lên tới gần 17%-20%/năm. Điều này thực sự quá sức với họ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh đều mong muốn được vay tín chấp mà không có tài sản thế chấp, không có báo cáo hoạt động kinh doanh. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp từ Chính phủ.
Hiện nay NHNN giao tính chủ động về quy chế cho vay tín chấp hoặc thế chấp cho các ngân hàng thương mại tự quyết định.
Thực tế, điều kiện cho vay tín chấp khó khăn hơn rất nhiều so với điều kiện cho vay thế chấp. Bởi lẽ, khi cho vay tín chấp tức là ngân hàng phải có niềm tin tuyệt đối với doanh nghiệp. Ngân hàng phải xác định được đó là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, xếp hạng tín dụng tốt, báo cáo tài chính minh bạch.
Về việc giảm lãi suất vay thì theo quan điểm từ phía lãnh đạo NHNN, một chính sách đưa ra bao giờ cũng có độ trễ. Tuy vậy, hiện nay, NHNN đã và đang định hướng chính sách lãi suất cho vay trên thị trường theo xu hướng giảm để hỗ trợ doanh nghiệp. Và thực tế cho thấy là các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất huy động, tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay.
Mới đây nhất, NHNN tiếp tục ban hành văn bản số 4985/NHNN-CSTT ngày 27.6 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về việc giảm mặt bằng lãi suất.
Cụ thể, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho khách hàng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện nghiêm cam kết giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.01.2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.01.2022.
Theo Báo Lao Động