Tom Yum, Pad Thai, Som Tum – 3 món ăn đặc trưng của ẩm thực Thái này đã hút hồn biết bao du khách. Mỗi món ăn như một lời khẳng định mạnh mẽ của phong vị món Thái cay nồng và chua đặc trưng.
Ẩm thực Thái Lan luôn được thực khách lựa chọn bởi các món ăn này đã trở nên nổi tiếng tại TP.HCM với sự kết hợp hài hòa và tinh tế – cân bằng bốn hương vị tương phản.
Som Tum – gỏi đu đủ cay, món ăn đường phố bậc nhất của ẩm thực Thái
Gỏi đu đủ Thái có tên là Som Tum (hoặc Som Tam), là một loại gỏi cay với nguyên liệu chính là đu đủ xanh bào sợi.
Người ta trộn món gỏi đu đủ Thái bằng cách giã trong cối, vì thế món ăn mới có tên là “Som Tam”, nghĩa là “món giã (trong cối) có vị chua”.
Nguyên liệu:
- Đu đủ xanh, đậu đũa hoặc đậu que, cà chua bi 5 – 7 quả
- Tôm khô, tỏi khô, ớt tươi, đường thốt nốt
- Chanh tươi, nước mắm ngon 50 ml, lạc rang 100 gr.
Thực hiện:
Đu đủ gọt vỏ, nạo thành sợi, ngâm với nước lạnh để giữ độ giòn và bớt phần nhựa đắng. Cà chua bi rửa sạch, thái đôi. Tôm khô ngâm với nước ấm 20 phút, rửa lại với nước lọc. Đậu đũa rửa sạch, cắt khúc khoảng 5 cm, chần qua khoảng 1 phút trong nước sôi. Cho tỏi, ớt vào cối giã nhuyễn, bỏ phần tôm khô đã ngâm vào giã cùng.
Cho đường, nước mắm, nước cốt chanh vào cối giã cùng đến khi các nguyên liệu hòa quyện với nhau để có nước sốt chua, cay, ngọt. Cho tiếp phần đu đủ nạo, đậu đũa, cà chua cùng lạc rang vào trộn cùng nước sốt và dùng chày giã nhẹ cho các nguyên liệu hòa quyện với nhau và ngấm nước sốt. Cho gỏi ra đĩa và thưởng thức.
Thưởng thức:
Ăn kèm cùng bánh phồng tôm hoặc bánh đa nướng. Vô số hương vị từ món ăn này bùng nổ trong miệng bạn như ngọt, chua, giòn và một chút cay tê đầu lưỡi.
Pad Thai – ẩm thực Thái gây thương nhớ
Nguyên liệu:
- Bánh phở, tôm tươi, tôm khô, đậu hũ
- Trứng gà, đường thốt nốt, đường trắng, giá, hẹ
- Hành tím, tỏi, ớt trái, giá, hẹ
- Đậu phộng, vắt me, nước mắm, chanh
Thực hiện:
Làm nước sốt Pad Thái: Me bỏ vào chén, cho nước ấm vào rồi dùng muỗng nghiền nhuyễn, lọc qua rây lấy nước cốt me. Bắc chảo lên bếp, cho đường thốt nốt nghiền nhỏ, nước mắm, đường trắng, nước cốt me vào nấu. Khi các nguyên liệu tan hết, hạ lửa liu riu để nước sốt sền sệt, tắt bếp, để nguội. Bánh phở ngâm vào nước lạnh, vớt ra để ráo nước. Đậu hũ cắt thành những miếng vuông nhỏ, cho vào chảo dầu nóng, chiên giòn. Tôm khô ngâm với nước ấm, tôm tươi rửa sạch, loại bỏ chỉ tôm, bóc vỏ.
Giá đỗ và hẹ rửa sạch với nước muối loãng để ráo. Bắc chảo, cho dầu và tỏi vào phi thơm. Tiếp đến, cho đậu hũ vào xào đều, cho tiếp tất cả tôm vào đảo chung. Nêm nếm muối, bột ngọt. Cho bánh phở, tôm và đậu hũ vào. Xào đều để phở tơi ra. Khi bánh phở nóng, đập trứng ra chén khuấy đều, đổ trứng vào xào chung. Xào thật đều tay để trứng áo đều trên các sợi phở. Tiếp tục cho hỗn hợp nước sốt vào, đảo đều, nêm nếm vừa ăn. Khi các nguyên liệu chín, cho giá và hẹ vào xào nhanh.
Thưởng thức:
Tom Yum – canh chua cay ăn nóng
Một chút cay của ớt, chua của chanh, béo của nước dừa, nồng nàn của củ riềng, thơm của các loại thảo mộc… hòa quyện vào nhau. Nghe có vẻ phức tạp về hương vị nhưng cách nấu Tom Yum không quá khó.
Nguyên liệu:
- Sả, lá chanh, củ riềng, hành tây
- Ớt, nấm rơm, tôm sú, ốt cà chua, nước cốt dừa
- Tép tỏi, nước mắm, nước me, chanh tươi
Thực hiện:
Sả đập dập, cắt nhỏ. Lá chanh, ớt cắt nhỏ. Củ riềng, hành tây cắt lát. Tỏi đập dập. Nấm rơm cắt bỏ gốc, ngâm với nước muối loãng 15 phút. Tôm ngắt đầu để riêng, lột bỏ vỏ.
Bắc nồi lên, cho vào dầu ăn, phi thơm tỏi. Sau đó, đổ hành tây cùng với đầu tôm vào xào thơm. Tiếp theo, thêm vào nồi 1 lít nước, nấm rơm, sốt cà chua, khuấy đều để hỗn hợp sốt tan ra. Tiếp tục thêm vào nồi sả, ớt, lá chanh, củ riềng, 80 ml nước cốt dừa và khuấy đều lên. Khi súp sôi đổ nước mắm, nước me và tôm vào nấu sôi, bạn vắt nước cốt chanh vào, khuấy đều và tắt bếp.
Thưởng thức: Thưởng thức Tom Yum khi còn nóng để xuýt xoa và cảm nhận vị chua cay đầy thi vị này.
Bài viết với sự tư vấn của đầu bếp Burin Pongchang – khách mời thường xuyên của các chương trình ẩm thực Thái tại nhiều khách sạn ở Trung Quốc, Malaysia và nhiều quốc gia khác.
Theo Báo Thanh Niên