Chặng đường nghệ thuật còn dài và mỗi kỳ festival như một trạm dừng để mỗi nghệ sĩ nhìn nhận về độ chín của bản thân, biết mình đang ở đâu và có những sự thay đổi đột phá, quyết liệt hơn.
Nhằm tôn vinh, ghi nhận những thành tựu sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ trong nền mỹ thuật Việt Nam, “Festival Mỹ thuật trẻ” định kỳ tổ chức 2 năm một lần (dành cho các hoạ sĩ từ 18-35 tuổi) là sân chơi nghệ thuật lớn, giúp các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến tác phẩm và phản ánh trung thực quá trình lao động nghệ thuật của những người trẻ. Festival năm nay đã lựa chọn 29 tác phẩm xuất sắc nhất trong hơn 1.000 tác phẩm tham dự để trao giải. Đánh giá cao sự đổi mới của các tác phẩm nhưng các chuyên gia nghệ thuật vẫn cho rằng, nghệ sĩ trẻ cần thoát khỏi vùng an toàn và thể hiện cá tính nghệ thuật mạnh mẽ hơn.
Các tác phẩm tham gia Festival 2024 đề cập đến những vấn đề của cuộc sống đương đại với góc nhìn của người trẻ như nét đẹp của di sản, những cơn bão lửa, bảo vệ môi trường…Với tư duy sáng tạo trong sáng tác nghệ thuật, các nghệ sĩ trẻ thể hiện chủ đề độc đáo, mới lạ, phản ánh sự phong phú trong đời sống mỹ thuật Việt Nam.
Các hoạ sĩ trẻ Nguyễn Tuấn Dũng, Cao Văn Thục ở Hà Nội và Trần Đỗ Anh Liên, Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Tác phẩm “Ngàn năm soi bóng” của em là tác phẩm văn hóa, em muốn đưa những hình ảnh về di sản, di tích, những hình ảnh vốn cổ và những cái đại diện cho văn hóa muốn đưa vào. Em đã nghĩ ngay đến chất liệu gốm, tác phẩm gồm 9 mảnh gốm, trên đấy là những hình ảnh về di sản của Hà Nội, của Thăng Long và em làm thêm những chất liệu mới nữa, đó là chất liệu composite kết hợp với đèn Led nữa, tác phẩm của em có độ tương tác”.
“Năm nay mình tham gia với tác phẩm sơn dầu có kích thước M 2 x m 6, mình vẽ câu chuyện của cá nhân mình, cũng như sự quan sát với đời sống xung quanh. Mình vẽ sự vượt lên, đi qua những giông tố của bản thân. Đấy là những hành trình mà ai cũng gặp phải, mình vẽ bức tranh thể hiện một phần của điều đấy”.
“Tác phẩm này lúc lên ý tưởng, thầy đã nói hãy chọn những cái mình quen thuộc nhất, thích nhất. Mình lên được bố cục tác phẩm như thế này, mình là nữ nên đã dùng hình tượng một cô gái trẻ bay bổng, nhẹ nhàng thể hiện đường cong lượn nó, còn mèo hoạt bát linh động, mình để hai đầu như vậy tăng thêm sự linh hoạt cho tác phẩm”.
Đánh giá ngôn ngữ sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ gần đây, hoạ sĩ Ngô Duy Hiển cho rằng các tác phẩm sắp đặt, trình diễn tham gia festival lần này khá độc đáo, mang đến diện mạo mới hơn, trẻ hơn, không còn bị ảnh hưởng từ phong cách nghệ thuật của các thế hệ trước: “Tôi thấy các tác phẩm đợt này rất chất lượng, tinh thần làm việc của các bạn rất nhiệt huyết. Đa phần là các bạn trẻ nhưng dưới góc nhìn rất sâu xa và mở rộng nhiều đề tài, không bị bó buộc như trước. Đề tài mở hơn, chất liệu đa dạng hơn. Còn ngày trước thì mang tính truyền thống, bó buộc trong bố cục, màu sắc thì cân bàng hơn, còn bây giờ các bạn phá cách hơn, tạo ấn tượng thị giác mạnh, độ tương phản rồi đậm nhạt sắc nét hơn, các bạn thể hiện được cá nhân của mình, tiếng nói của mình”.
Theo hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, không thể phủ nhận các tác phẩm trưng bày trong festival năm nay đã nắm bắt được các vấn để nổi cộm trong xã hội đương đại, thể hiện nhiều vẻ đẹp mới với cách khai thác sáng tạo, tạo ấn tượng thị giác mạnh trong cách sử dụng màu sắc, nhưng nhìn chung nghệ sĩ trẻ vẫn chưa thoát khỏi vùng an toàn để mạnh mẽ bộc lộ cá tính và suy nghĩ của bản thân: “Tôi nghĩ rằng độ đậm đặc của hiện thực cũng còn chưa đủ, các bạn vẫn còn rụt rè, vẫn còn hết sức thận trọng để nói ra một tiếng nói quyết liệt hơn về xã hội. Xã hội Việt Nam đang có những thay đổi rất mạnh và những cú sốc ấy lẽ ra phải biến thành những xúc cảm quyết liệt hơn trên tác phẩm, thì các bạn vẫn còn rụt rè. tự tin can đảm là chính mình đi, tạo ra những hình ảnh mới, những nét đẹp mới, táo bạo mới, can đảm mới, thậm chí hết sức quyết liệt trong cách nhìn xã hội thể hiện trên các tác phẩm”.
Các họa sĩ cũng cho rằng, nhiều nghệ sĩ trẻ có những nỗ lực nhưng vẫn ở trong vòng an toàn, bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường nên một số tác phẩm thiếu sự sâu sắc hoặc còn dấu vết của thế hệ đi trước. Lý giải điều này, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn cũng cho rằng, ở độ tuổi 18-35, các nghệ sĩ chưa đủ trải nghiệm để có sự nhạy cảm với các vấn đề xã hội. Chặng đường nghệ thuật còn dài và mỗi kỳ festival như một trạm dừng để mỗi nghệ sĩ nhìn nhận về độ chín của bản thân, biết mình đang ở đâu và có những sự thay đổi đột phá, quyết liệt hơn.