Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết kinh tế TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, du lịch, vận tải, giải ngân đầu tư công tăng khá rõ…
Ngày 29.5, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM tổ chức hội nghị đánh giá tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp, trọng tâm tháng 6.2023.
Tạo niềm tin cho thị trường
Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết công tác lãnh đạo UBND TP.HCM thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội được tập trung, phân công thành viên xử lý các công việc cụ thể. Kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, du lịch, vận tải, giải ngân đầu tư công tăng khá rõ; thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang “ấm” lên. Dù vậy, doanh nghiệp còn khó khăn về thị trường, vốn, hàng tồn kho cũng như thủ tục về phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường.
“Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM sẽ tập trung hơn, quyết liệt hơn để giải quyết dứt điểm”, ông Mãi nói.
Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, ông Phan Văn Mãi cho hay, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM sẽ tập trung lãnh đạo giải quyết những vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp để tạo niềm tin thị trường, tránh tình trạng bày ra nhiều nhưng không xử lý dứt điểm. Song song đó, UBND TP.HCM nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trình HĐND TP.HCM trong tháng 7.2023; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ; chăm lo, nuôi dưỡng nguồn thu, giải quyết nhanh các thủ tục hoàn thuế và hải quan. “Doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên rất cần vốn”, ông Mãi nhấn mạnh.
Thu ngân sách của TP.HCM đạt mức khá trong quý 1/2023 nhưng có chiều hướng giảm trong tháng 4 và tháng 5, phản ánh đúng thực trạng khó khăn của doanh nghiệp. Tổng thu ngân sách 5 tháng đầu năm ước gần 202.000 tỉ đồng, đạt 43% dự toán. Ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng cần có giải pháp kiểm soát nguồn vốn giải ngân đầu tư công, nguồn thuế từ kinh tế phi chính thức, kinh tế đêm; đồng thời tăng cường tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, cắt giảm chi phí về văn phòng phẩm khi đã ứng dụng công nghệ thông tin.
Đối với khó khăn của doanh nghiệp nhà nước, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề xuất thành lập tổ công tác trực tiếp giải quyết toàn bộ vướng mắc chung. Lý do, lãnh đạo được giao phụ trách chỉ phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ những vướng mắc riêng lẻ của từng doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước có những vướng mắc giống nhau nên cần giải pháp xử lý thống nhất.
Đối với mặt bằng của đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước còn bị bỏ trống, nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần phải lập phương án khai thác để tạo nguồn thu, thay vì để trống vừa lãng phí, vừa mất chi phí bảo vệ, duy tu thường xuyên.
Chuẩn bị đón nhận nghị quyết mới
Trao đổi tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, những tín hiệu tích cực của kinh tế trong tháng 5 cho thấy sự phản ứng chính sách kịp thời đã mang lại hiệu quả, cùng với đó là sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Đối với dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, các cơ chế vượt trội được đại biểu Quốc hội, người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đánh giá cao, nhưng điều quan trọng nhất là triển khai nghị quyết nhanh nhất có thể. Do vậy, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM cần khẩn trương chuẩn bị các nội dung tham mưu Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, trình HĐND TP.HCM triển khai ngay khi nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. “Dứt khoát không được khởi động chậm, ngay bây giờ phải chuẩn bị để khi Quốc hội quyết là triển khai ngay”, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Đánh giá khối lượng công việc sắp tới rất lớn, ông Nguyễn Văn Nên thẳng thắn, đội ngũ cán bộ giữ vai trò then chốt, nhất là người đứng đầu, nếu cán bộ không dám nghĩ, không dám làm thì nói thẳng ra để tổ chức có cách xử lý. Tương tự, ở từng đơn vị phải xem xét xử lý cụ thể cấp dưới là ai, bộ phận nào chứ không nói chung chung. “Sợ sai, sợ vi phạm là chính đáng nhưng sợ đến mức không làm những việc phải làm thì là quá đáng”, ông Nguyễn Văn Nên nói. Bên cạnh đó, người đứng đầu thành phố cũng lưu ý đến hiện tượng cán bộ nhận việc rồi “rê bóng”, ảnh hưởng đến công việc chung.
Một số chỉ số kinh tế 5 tháng đầu năm 2023
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 458.088 tỉ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu ước đạt 16,5 tỉ USD, giảm 19,5% so cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 21,9 tỉ USD, giảm 22,8% so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 66.771 tỉ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 1,6%, vốn đầu tư công giải ngân đến ngày 19.5 đạt 8.452 tỉ đồng, đạt tỷ lệ hơn 12% tổng số vốn giao.
Trong 5 tháng, có 18.630 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký mới gần 179.000 tỉ đồng, 1.530 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, hơn 16.700 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, gần 6.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Hiện, TP.HCM có hơn 533.500 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 9,4 triệu tỉ đồng.
Theo Báo Thanh Niên