Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024, tạo đà cho năm 2025…
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 diễn ra vào chiều 9/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực và tốt hơn tháng 9, tính chung 10 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực: Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; Khu vực công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, tháng 10 tăng 4% so với tháng 9 và tăng 7% so cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 8,3%; Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,78%. Tỉ giá, lãi suất nhìn chung ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn, kim ngạch gần 4,9 tỷ USD).
Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn. Xuất khẩu tháng 10 tăng 4,4% so với tháng 9 và tăng 10,1% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%; xuất siêu 23,3 tỷ USD.
Du lịch phục hồi mạnh, khách quốc tế tháng 10 đạt 1,42 triệu lượt, tăng 27,6%; tính chung 10 tháng đạt 14,1 triệu lượt, tăng 41,3%.
Thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, tổng thu 10 tháng đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ (trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 149,1 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt 52,29% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9%, cao nhất từ 2019 đến nay; vốn FDI thực hiện đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8%, cao nhất trong 5 năm qua.
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, trong tháng 10 có 22,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 29,1% so với tháng 9 và tăng 7% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng có 202,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Đã hỗ trợ người dân 21.800 tấn gạo. Trong tháng 10, có 95,4% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ. Các chương trình tín dụng chính sách 10 tháng đã hỗ trợ vay vốn cho trên 1,9 triệu đối tượng, tạo việc làm cho gần 584.000 lao động. Tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí.
Cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh.
Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.
Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam được Standard Chartered nâng dự báo từ tăng 6% lên tăng 6,8%, HSBC nâng dự báo từ tăng 6,5% lên tăng 7%; Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo năm 2024 và 2025, Việt Nam có thể tăng trưởng cao nhất ASEAN+3.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết trên cơ sở đánh giá tình hình thời gian tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi do xu hướng phân tách, phân mảnh, cạnh tranh chiến lược, thay đổi chính sách của các nước, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024, tạo đà cho năm 2025.