Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn gửi Bộ Tài chính kiến nghị, đề xuất những nội dung nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí…
Đây cũng là việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Hội Nhà Báo Việt Nam vào ngày 13/6/2023. Những phản ánh kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm 5 nhóm vấn đề chính gửi đến Bộ Tài chính được tổng hợp qua ý kiến của các cơ quan báo chí.
Năm nhóm vấn đề cần tháo gỡ cho báo chí
Trên cơ sở ý kiến phản ảnh, kiến nghị của các cơ quan báo chí và thực tiễn quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho thấy hầu hết các vướng mắc đối với cơ quan báo chí đều xuất phát do chưa có sự thống nhất giữa Luật với các Nghị định, giữa Nghị định này với Nghị định kia. Nhiều quy định cần phải bổ sung, sửa đổi cho sát với thực tế. Đây là những vấn đề tồn tại gây ách tắc trong các hoạt động của các cơ quan báo chí trong thời gian qua.
Cụ thể, đó là những vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021)cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước (Nghị định số 32/2019/NĐ-CP), quy định về chi tiết thi hành Luật giá (quy định về định giá dịch vụ sự nghiệp công) và Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất 5 nhóm vấn đề cần xem xét bổ sung sửa đổi với Bộ Tài chính như sau:
Thứ nhất, là đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Thứ hai, là nhóm ý kiến về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
Thứ ba, là nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá;
Thứ tư, là nhóm ý kiến về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp;
Thứ năm, là các ý kiến về bố trí kinh phí hoạt động, mua sắm phương tiện tác nghiệp cho các cơ quan báo chí và hướng dẫn chế độ chi cho các cơ quan báo chí.
Nhiều đề nghị sửa đổi liên quan giá dịch vụ, thuế của báo chí
Thực tế đây là nhóm những vấn đề liên quan đến thu nhập của báo chí, sự sống còn của báo chí.
Với nhóm ý kiến thứ nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về bốn vấn đề: Thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước; Quy định phân loại rõ nguồn tài chính đơn vị được tự chủ; Điều chỉnh quy định về quản lý nguồn tài chính thực hiện cải cách tiền lương, bổ sung Nghị định 60/2021/NĐ-CP hoặc văn bản hướng dẫn.
Nghị định 60 hiện có một số điều quy định chưa thống nhất, hoặc chưa cụ thể về thực hiện lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có quy định thống nhất về lộ trình tính đủ giá sản phẩm, dịch vụ công.
Trong đó, đề nghị cho tính chi phí khấu hao tài sản cố định khi đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ lĩnh vực báo chí, truyền thông để hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản chủ động về nguồn tái đầu tư tài sản, phương tiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Về phân loại rõ nguồn tài chính đơn vị được tự chủ: Cần phải phân loại phù hợp theo tính chất về nguồn tài chính của đơn vị và quy định nguồn tài chính được tự chủ trong việc khai thác và sử dụng, nguồn tài chính không tự chủ của đơn vị.
Vì thế, để thống nhất trong quản lý, hạch toán, xác định kết quả tài chính đúng với thực tế hoạt động, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, quy định phân loại nguồn tài chính của đơn vị theo tính chất nguồn tài chính: Nguồn NSNN, nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp (theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị); nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, liên doanh, liên kết; thu từ cho thuê tài sản; thu tài trợ, viện trợ; đồng thời làm rõ nguồn tài chính được tự chủ (bao gồm nguồn ngân sách nhà nước quản lý theo phương thức đặt hàng, đấu thầu); nguồn tài chính không được tự chủ; nhiệm vụ chi thực hiện từ nguồn kinh phí tự chủ, nhiệm vụ chi từ nguồn không tự chủ…
Cần phải điều chỉnh quy định về quản lý nguồn tài chính thực hiện cải cách tiền lương theo hướng giảm mức trích lập nguồn cải cách tiền lương; cho cơ quan báo chí được chủ động sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương khi chưa sử dụng, không sử dụng hết để chi đảm bảo ổn định thu nhập cho người lao động và cho hoạt động nghiệp vụ trên cơ sở đơn vị tự đảm bảo nguồn chi thực hiện cải cách tiền lương…
Đề nghị bổ sung vào Nghị định 60/2021/NĐ-CP hoặc văn bản hướng dẫn về nguyên tắc phân bổ, hạch toán chi phí cho các đơn vị sự nghiệp, cơ quan báo chí có nhiều hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước, nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ để thống nhất áp dụng…
Với nhóm vấn đề thứ hai, có năm vấn đề được đề xuất bổ sung, sửa đổi. Đó là, sửa đổi quy định tính chi phí tiền lương trong giá đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Vấn đề nay liên quan tới các Nghị định 60/2021/NĐ-CP và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP gồm cả những quy định về định mức kinh tế- kỹ thuật, đơn vị ban hành định mức… Cần bổ sung, sửa đổi việc áp dụng đơn giá tiền lương khi lập phương án giá dịch vụ cho các đơn vị chưa được cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật…
Thứ hai, bổ sung quy định trách nhiệm nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan chủ quản đặt hàng;
Thứ ba, xem xét hướng dẫn về điều kiện đặt hàng;
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung trình tự thủ tục đặt hàng dịch vụ công;
Thứ năm, phương thức quản lý định mức kinh tế- kỹ thuật chuyên ngành.
Còn các nhóm vấn đề còn lại tập trung vào các đề xuất: Quản lý về giá, giao cơ quản chủ quản thẩm định, báo cáo Bộ Tài chính ban hành giá tối đa để phù hợp với thực tế quản lý tài chính, tài sản đơn vị sự nghiệp công lập; Rút ngắn quy trình, giảm khâu trung gian trong đặt hàng, nhất là lĩnh vực báo chí, cần đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả trong hoạt động thông tin, truyên truyền;
Nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.
Loại bỏ bất cập nếu áp dụng chi phí tiền lương của báo chí theo Nghị định 60/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, dẫn đến thu thập trước thuế của các đơn vị báo chí tăng và phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác có doanh thu tương đương…