Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp ‘Kiểm tra’ sức khỏe doanh nghiệp qua các con số

‘Kiểm tra’ sức khỏe doanh nghiệp qua các con số

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng mạnh nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giải thể hoặc đang chờ làm thủ tục giải thể cũng tăng mạnh. Điều gì đang xảy ra với lực lượng doanh nghiệp trong 3 quý qua?

Mỗi tháng có thêm 20.300 DN, 18.200 DN rời thị trường

Tính đến hết tháng 9, cả nước có gần 121.900 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới; 61.100 DN quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Số rút lui khỏi thị trường là 163.800 DN, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, với số DN đăng ký mới và quay trở lại hoạt động (trung bình 1 tháng là 20.300 DN) cao hơn so với số DN rút lui khỏi thị trường (trung bình 1 tháng là 18.200 DN) cho thấy khu vực DN tiếp tục xu hướng tích cực. Tuy vậy, kết quả khảo sát cộng đồng DN trong quý 3 cũng đã chỉ ra rằng, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) diễn ra bất ngờ trong tháng 9, DN đánh giá tình hình sản xuất trong quý 3 kém lạc quan hơn so với trước; hơn 28% DN cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Dẫu vậy, tín hiệu tích cực là về xu hướng quý cuối năm nay, có 36% DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới, 47,6% DN dự kiến ổn định và chỉ có 16,4% DN dự kiến giảm.

Về con số DN thành lập mới và dừng hoạt động cùng tăng mạnh, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận xét việc DN rút lui khỏi thị trường và phá sản được bù đắp bằng số thành lập mới là rất bình thường. Nhưng điều đáng lưu ý là tỷ lệ DN ngừng, rút lui (tăng 21,5%) tăng nhanh hơn so với tỷ lệ thành lập mới (tăng 9,7%), nghĩa là DN vẫn còn khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Đặc biệt, tháng 9, số DN ngừng hoạt động và chờ giải thể còn tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và so với tháng trước với hơn 40%. Điều này cho thấy DN đã trải qua một năm rất khó khăn, tương ứng số DN rời thị trường mức cao kỷ lục.

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh trong 9 tháng, nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng không ít

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

“Sức khỏe của DN chưa khỏe hẳn như kỳ vọng. Chỉ cần lấy 2 con số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và số hoàn tất thủ tục giải thể đều tăng mạnh, cho thấy sức khỏe của DN chưa thoát cơn bạo bệnh. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây rộ lên việc cấm, hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Số DN “zombie” (tồn tại trên danh nghĩa, còn hoạt động hay không thì chưa rõ) còn nhiều nữa. Tương tự với số liệu nợ thuế, hoặc nợ thuế khó đòi, số DN nợ bảo hiểm xã hội cũng tăng mạnh”, TS Nguyễn Quốc Việt cảnh báo.

Chuyên gia về DN, TS Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận xét: Tình hình về hoạt động của DN sau 3 quý không khác nhiều so với những cảnh báo, dự báo đầu năm. Theo xu hướng phát triển của nền kinh tế, số DN rút khỏi thị trường luôn thấp hơn số DN thành lập mới, số DN tham gia vào thị trường cao gấp đôi, thậm chí gấp 4 lần so với số rời khỏi thị trường. Ngay trong năm dịch bệnh Covid-19, số DN rời khỏi thị trường cũng bằng một nửa so với số thành lập mới. Thế nhưng trong năm 2024, có nhiều điều đáng suy nghĩ. Có thời điểm trong quý 1, số DN rút khỏi thị trường cao gấp đôi số thành lập mới và quay lại hoạt động. Sang quý 2, tình hình được cải thiện nhiều hơn, số rời thị trường giảm, nên bù đắp cho nhau. Thế nhưng để đạt được tốc độ phát triển số DN mới như trước dịch là chưa thể.

“Thống kê cho thấy số DN rời thị trường còn quá cao. Cũng cần lưu ý, số DN rời thị trường này đa số là từng tạm dừng kinh doanh có thời hạn, thể hiện họ không phải là không muốn tiếp tục làm ăn. Thường những tháng cuối năm, số DN thành lập mới hoặc quay lại thị trường tăng vì họ cố gắng tìm cơ hội. Thế nhưng năm nay, số DN quay lại thị trường trong tháng 9 chưa có đột phá. Nghĩa là bức tranh kinh tế năm 2024 còn nhiều điều cần lưu ý. Các yếu tố rủi ro trên thị trường vẫn càng nhiều, thể hiện hoạt động đầu tư kinh doanh chưa ổn định như kỳ vọng”, TS Nguyễn Minh Thảo phân tích.

Đẩy mạnh hiện thực hóa các cơ chế, chính sách

TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng cần nhận diện các yếu tố nào đang tác động đến động cơ, mục tiêu hoạt động của DN, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư kinh doanh của DN. Có 3 yếu tố cần xem xét. Thứ nhất, môi trường kinh doanh có nuôi dưỡng, tạo động lực cho DN tiếp tục kinh doanh không. Chúng ta đều thấy rõ, khó khăn từ bên ngoài vẫn chưa chấm dứt. Yếu tố thiếu bền vững còn dai dẳng, một số mặt hàng xuất khẩu lớn có tăng đơn hàng nhưng giá bán lại bị giảm để cạnh tranh. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu đầu tư kinh doanh của DN.

Thứ hai, Chính phủ có rất nhiều chủ trương, chính sách, chỉ đạo cải cách nhằm tạo thuận lợi cho DN. Thế nhưng hiệu quả hiện thực hóa những cải cách này chưa tăng đáng kể. Hoạt động kinh doanh chỉ thuận lợi hơn khi cải cách thể chế pháp lý và cải cách thể chế thực thi. Chẳng hạn, cơ chế về khuyến khích điện mặt trời, sau bao lần sửa đổi, góp ý vẫn chưa xong. Việc này khiến cơ hội đầu tư của DN chậm. “Cấp thực thi, hiện thực hóa cải cách vẫn đáng lo ngại. Yếu tố này tạo nên rủi ro, khiến DN, nhà đầu tư thận trọng hơn khi quyết định gia nhập thị trường”, TS Nguyễn Minh Thảo nói. Thứ ba là về tâm lý, cảm nhận, niềm tin của DN vào tương lai thị trường, môi trường kinh doanh ổn định… chưa quá lớn để họ quay lại hay tham gia vào thị trường.

Trong 3 yếu tố nêu trên, theo TS Nguyễn Minh Thảo, yếu tố thứ 2, cải cách thể chế thực thi ảnh hưởng đến động lực đầu tư kinh doanh của DN, là nguyên nhân chính khiến số DN gia nhập thị trường chậm đi, đi ngược xu hướng phát triển chung. Việc cụ thể hóa bằng hành động, qua các thủ tục số hóa, đơn giản hóa nhất có thể giúp giảm chi phí, thời gian cho DN; rồi các dự thảo về nghị định, cơ chế này nọ cần sớm được ban hành thay vì cứ mãi trên bản thảo từ năm này sang tháng nọ. “Quan trọng nhất là cụ thể hóa mọi thứ và phải có giải pháp cụ thể cho từng vụ việc”, TS Thảo nhấn mạnh.

TS Nguyễn Quốc Việt bổ sung, để giải quyết tình trạng trên, phải thúc đẩy thị trường sản xuất trong nước, hỗ trợ tối đa nhằm giảm chi phí đầu vào lẫn chi phí tuân thủ pháp luật. “Đặc biệt, minh bạch hóa, nâng cao hiệu quả các thị trường, từ các yếu tố đầu vào đến thông tin hàng hóa, dịch vụ; tránh lợi ích nhóm, sân sau… gây méo mó thị trường hay tạo tín hiệu sai lệch về hiệu quả thị trường. Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa lực đẩy từ cầu bên ngoài để thúc đẩy DN trong nước tham gia xuất khẩu với giá trị cao hơn, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất trong khu vực đầu tư nước ngoài…”, ông Việt nói.

Trong tháng 9, cả nước có 11.200 DN thành lập mới, giảm 16,3% so với tháng 8 và giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước có 6.500 DN quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% so với tháng 8 và tăng 11,6% so cùng kỳ. Đáng lưu ý, trong tháng 9, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 20,6% so với tháng trước và tăng 2,6% so cùng kỳ; số DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 43,6% so tháng trước và tăng 40,5% so cùng kỳ; số hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,8% so một năm trước.

Theo Thanh niên.

Có thể bạn quan tâm