Liên quan đến chương trình hỗ trợ lãi suất (2%/năm), Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và một số ngân hàng thương mại ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm. Theo tài liệu VIB cung cấp cho thấy, không có bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã có Báo cáo số 1247/BC-KTNN Tổng hợp kết quả Kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, đơn vị này đã có những kiến nghị với Ngân hàng nhà nước về phần nội dung liên quan đến Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB).
Trước đó, vào ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hàng Nghị quyết số 43/2022/QH15 Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Sau gần 2 năm triển khai, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành một số cuộc kiểm toán liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình.
Trong đó, về chương trình Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, VIB và một số Ngân hàng Thương mại ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm. Theo tài liệu VIB cung cấp cho thấy không có bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách.
Đến ngày 31/12/2022, Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện còn rất thấp so với kế hoạch đề ra, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 134 tỷ đồng đạt 0,8%/tổng số hạn mức hỗ trợ lãi suất đã đăng ký và được phê duyệt, đạt 0,84% kế hoạch của năm 2022 (16.034,9 tỷ đồng). Đáng chú ý, theo Kiểm toán nhà nước, trong năm 2022, có 14/44 ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất dưới 1 tỷ đồng, trong đó có VIB.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam cũng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, ghi nhận tổng doanh thu đạt trên 16.300 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Động lực tăng trưởng chính đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp và khối nguồn vốn. Trong đó thu nhập lãi đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 18% và thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động đạt mức 4.840 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm trước.
Sau 9 tháng, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%, duy trì hiệu quả sinh lời top đầu ngành.
Tại ngày 30.09.2023, tổng tài sản VIB đạt 384.500 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm. Nợ xấu của VIB hiện được duy trì ở mức 2,47%, giảm so với mức đỉnh 2,62% vào cuối quý I/2023 và đang có xu hướng tiếp tục giảm.