Về trang chủ Kinh doanh Bất động sản Khu tâm linh Hương Sơn: ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý trăn trở vì chứa quá nhiều ẩn số

Khu tâm linh Hương Sơn: ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý trăn trở vì chứa quá nhiều ẩn số

Liên quan đến thông tin doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề nghị đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến xoay quanh các khía cạnh kinh tế, văn hóa, tâm linh… Trong đó, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cũng rất băn khoăn, lo lắng…

Nhà nước bỏ vốn phần lớn, lợi nhuận tư nhân thu
Qua dư luận cử tri, cũng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các khu du lịch tâm linh mà doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng và đang đề xuất xây dựng, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Bê la rút rất băn khoăn, lo lắng nhiều vấn đề.

Chính vì vậy, ngày 21/12/2018 vừa qua, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đã có văn bản gửi Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị làm rõ về những điều bất ổn trong các dự án khu du lịch tâm linh của đại gia Xuân Trường. Theo đó, trong văn bản gửi Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy nêu băn khoăn 2 vấn đề:

Doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất làm Khu Du lịch tâm linh 15.000 tỷ ở khu vực chùa Hương đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Thứ nhất, vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về sự bất hợp lý trong phân bổ vốn ngân sách liên quan đến các dự án do doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đầu tư trong lĩnh vực du lịch tâm linh như: Dự án Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); Dự án Chùa Bái Đính (Ninh Bình); Dự án Tam Chúc (Hà Nam) và một số công trình giao thông khác.

Các dự án trên đều có mô hình chung là đề xuất tổng số vốn đầu tư rất cao trên 10.000 tỷ đồng. Nhưng chủ yếu là vốn Nhà nước (ngân sách trung ương và địa phương). Tại dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn mà doanh nghiệp này vừa đề xuất mới đây cũng tiếp tục tái diễn khi doanh nghiệp đề nghị:

“Nhà nước giải phóng mặt bằng và làm toàn bộ phần hạ tầng” để bàn giao cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu tâm linh, dịch vụ và khai thác. Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy băn khoăn không biết chủ trương đầu tư cho các dự án này có hợp lý và đúng luật?

Vấn đề thứ hai, doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất xây dựng tuyến đường hành hương từ Trung tâm hội nghị Quốc gia qua Chùa Hương (Hà Nội), qua Tam Chúc, Ba Sao (Hà Nam) về Bái Đính (Ninh Bình). Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được mọi người, báo chí đặt ra rằng xung quanh đề xuất này có dấu hiệu trục lợi từ doanh nghiệp khi vẽ ra tuyến đường hành hương qua 3 khu du lịch để đặt các trạm thu phí…

Mặt khác, những tuyến đường này nếu được đầu tư phải tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu (đấu thầu công khai, rộng rãi chứ không thể chỉ định thầu cho một doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện để chỉ định thầu theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu 2013).

Vấn đề này cũng được ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy bày tỏ thắc mắc, liệu rằng việc chỉ định thầu cho doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng tuyến đường này có đúng với Luật Đấu thầu? Xoay quanh nội dung văn bản gửi Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư, chiều ngày 24/12, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy vừa có văn bản gửi Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn sớm nhận được câu trả lời về một số vấn đề cần làm rõ quanh dự án khu du lịch tâm linh.

Vì lợi ích của ai ?
Nói về những băn khoăn của mình xoay quanh dự án xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn, bà Kim Thúy bày tỏ: “Nếu theo như văn bản đề xuất xây dựng, Nhà nước sẽ giải phóng mặt bằng, còn doanh nghiệp chỉ bỏ tiền ra để xây dựng khu tâm linh, khai thác khách du lịch rồi thu tiền. Vậy, nhiều câu hỏi được đặt ra, xây dựng khu du lịch tâm linh này vì lợi ích của ai? Ai là người được hưởng lợi?

Thêm nữa, ngân sách Nhà nước hạn hẹp, đầu tư cho các lĩnh vực khác then chốt chứ không phải đầu tư cho riêng một lĩnh vực này. Thêm một vấn đề tôi băn khoăn là không công khai minh bạch, không đúng với Điều 26 Luật Đấu thầu, theo đó Điều 26 Luật Đấu thầu quy định những dự án đặc biệt, riêng biệt mới được chỉ định thầu”.

“Qua theo dõi tôi thấy hoạt động của doanh nghiệp Xuân Trường có rất nhiều dự án… Khu du lịch tâm linh Hương Sơn tôi khẳng định không có trong quy hoạch các khu du lịch Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quyết định 201 ngày 22/1/2013)”, bà Kim Thúy nhấn mạnh.

Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn, bà Kim Thúy trăn trở: “Dự án này, theo các giấy tờ liên quan công bố tôi chưa nhìn thấy việc đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, cẩn thận… Trong đó, doanh nghiệp Xuân Trường có đề nghị nạo vét suối Yến, nhưng tôi sợ rằng sẽ đội vốn.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cũng lo lắng việc đầu tư xây dựng này sẽ có ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan chùa Hương vốn có từ ngàn xưa (Ảnh: Internet).

Việc lập đồ án cũng cần cân nhắc, xem kỹ tổng số vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ nhưng Nhà nước làm mặt bằng đã hết khoảng 14.000 tỷ đồng, rõ ràng doanh nghiệp có dùng tiền túi của mình để làm không? Ai hưởng lợi? Có hay không lợi ích nhóm?. Còn nữa, việc xây dựng khu du lịch tâm linh này có nên, có bức thiết không?”.

Vì vậy, nói về lý do bản thân mình gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Kim Thúy cho biết: “Trước hết, tôi lo lắng về việc ngân sách Nhà nước sử dụng không đúng. Tuy không phải chuyên gia nhưng đọc bài phân tích của các chuyên gia khác thì tôi nghĩ việc xây dựng khu du lịch tâm linh này sẽ ảnh hưởng rất nhiều.

Bởi, chùa Hương có từ ngàn xưa, khi xây dựng không khéo phá vỡ quy hoạch chứ chưa nói các mặt khác… Đồng thời, tôi cũng quan tâm tới tính hợp lý, hợp pháp. Hợp pháp trước hết phải hợp lý, vì hợp lý luôn tồn tại khách quan. Việc tôi làm văn bản gửi sớm cho Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư là muốn Bộ trưởng có câu trả lời càng sớm càng tốt. Bởi, tôi lo sợ dự án này sẽ lặp lại kịch bản các dự án trước”.

Chia sẻ thêm về việc phát triển du lịch tâm linh, ĐBQH Kim Thúy cho biết: “Theo tôi, những khu về tâm linh thì không nên thương mại hóa quá nhiều. Biết rằng, phát triển du lịch là theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng không nên “núp bóng” thương mại, kinh doanh”.

Được biết, trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã có đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1.000ha (phía bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía nam giáp khu du lịch Tam Chúc của tỉnh Hà Nam, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

Dự án gồm các hạng mục như sau: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, dự án này cũng đang vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của dư luận, của các chuyên gia trong nước.
Theo Nguoiduatin

Doanh nhân tiêu biểu Xuân Trường-Ninh Bình: Bị Cục thuế Thanh Hóa bị cưỡng chế tài khoản

Hà Nội: Chủ đầu đua nhau hạ giá căn hộ, đầu tư thứ cấp méo mặt

Quốc Cường Gia Lai-QCG: Giấu nhẹm thông tin hàng chục thương vụ ngàn tỷ

Honda: Ra mắt xe máy điện Wuyang Honda sản xuất tại Quảng Châu

Có thể bạn quan tâm