Nhà đầu tư nội thì hoặc kém năng lực hoặc nhiều tai tiếng, ôm dự án rồi để đó chờ thời. Nhà đầu tư ngoại thì đòi hỏi mọi chính sách, lộ trình phải rõ ràng, minh bạch. Kết quả là Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị treo trong thời gian kỷ lục: 26 năm.
Nhà đầu tư nội: Xà quần
Dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, TP.HCM thu hồi quyết định.
Sau đó, Tập đoàn Bitexco được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28. Theo quy hoạch mà Bitexco lập, Khu đô thị Thanh Đa-Bình Quới rộng tới 426ha, được quy hoạch đầy đủ các chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 – 50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận.
Dự án được Bitexco định hướng phát triển thành một khu đô thị sinh thái, có không gian sống hiện đại. Tuy nhiên, do dự án này có quy mô lớn và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất phức tạp nên bị chậm triển khai. Theo báo Lao Động, dù Thanh Đa chỉ cách trung tâm TP chưa đầy 5km, nhưng nơi này hiện vẫn như một ốc đảo. Những con đường sâu hun hút, rải đá dăm rộng khoảng hơn 1m chỉ xe máy mới lưu thông được, nhiều ngôi nhà xập xệ, cũ kỹ. Hiện trên bán đảo Thanh Đa có khoảng 2.000 căn nhà, 3.000 hộ dân với 13.000 nhân khẩu.
Nhà đầu tư ngoại: Yêu cầu xác định chi phí đền bù, thời hạn giao đất sạch. Bó tay!
Đến ngày 6/9/2011, Thủ tướng đã có công văn chấp thuận chủ trương lựa chọn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án như đề nghị của UBND TP.HCM. Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định và ban hành Quyết định số 6288/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 phê duyệt kết quả chỉ định Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco-Công ty Emaar Properties PJSC của (Dubai) là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Thế nhưng chỉ chưa đầy 1 năm sau, vào ngày 15/9/2016, Bitexco có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về việc phía đối tác Emaar Properties PJSC đề xuất các ưu đãi ngoài các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, yêu cầu xác định chính xác chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, xin miễn giảm giá trị tiền sử dụng đất và các cam kết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về thời hạn bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư.
Văn bản của Bitexco cũng khẳng định, nếu các điều kiện này chưa rõ thì Emaar Properties PJSC chưa tham gia đầu tư dự án. Trên cơ sở đề nghị không tiếp tục đầu tư dự án của Emaar, Bitexco và Emaar Properties PJSC đã ký thỏa thuận chấm dứt Liên danh vào ngày 18/10/2016.
26 năm trôi qua, hết nhà đầu tư nội rồi ngoại, Thanh Đa trông tiều tụy xập xệ hơn.
Bà Võ Thị Phương Uyên, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh cho biết, dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.
Bitexco –Nhiều tai tiếng và sai phạm, ôm dự án rồi treo, sang tay ăn chênh lệnh
Vào cuối năm 2017 UBND TP.HCM cho biết, dù đối tác nước ngoài trong liên danh rút lui nhưng Bitexco vẫn quyết tâm đề nghị được tiếp tục đầu tư dự án. Sau khi tổ chức đánh giá năng lực, kinh nghiệm của Bitexco trên cơ sở hồ sơ yêu cầu đã được phê duyệt và quy định hiện hành, UBND TP.HCM hiện đã trình Thủ tướng về dự án này.
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa có tổng vốn đầu tư dự án là 29.992 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng với 22.742 tỷ đồng. Điều này đòi hỏi Bitexco phải cam kết thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng của toàn bộ dự án, không chia giai đoạn.
Để đi tìm lời giải cho việc dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa bị treo 26 năm qua, theo Tin Tức 24h, hãy nhìn vào năng lực của chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Bitexco. Khởi nghiệp từ một công ty dệt nhỏ ở Thái Bình vào năm 1985, Bitexco bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề từ năm 1997 bằng việc mở rộng, đầu tư sản xuất nước khoáng.
Hiện tại, Bitexco có 26 công ty con và công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, bệnh viện, trung tâm thương mại, thủy điện, đường cao tốc, khoáng sản, dầu khí… Quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng để làm một dự án rộng 426 ha như Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa là điều quá tầm với Bitexco.
Vẫn biết, Bitexco đã tạo dấu ấn với công trình 68 tầng Bitexco Financial Tower ở quận 1, TP.HCM. Bitexco cũng có nhiều dự án khác như The Manor TP.HCM, The Manor Hà Nội, The Manor Lào Cai, The Manor Huế, khách sạn JW Marriott Hanoi, Ritz Carlton Sài Gòn, The Manor Central Park ở Hà Nội….
Tuy nhiên, Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa là một dự án quá lớn so với tầm vóc của Bitexco. Xét về quy mô, Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa rộng tới gần 427ha, một dự án siêu khủng mà Bitexco chưa bao giờ tham gia. Hơn nữa, điều kiện địa chất ở đây rất phức tạp. Do đó, dự án này cần một dòng tiền cực lớn để thực hiện. Một mình Bitexco không đủ tầm để triển khai dự án này.
Thực tế, Bitexco đang có nhiều dự án bị chậm tiến độ và dính nhiều tai tiếng. Tại TP.HCM, Bitexco cũng có một dự án khác là Khu đô thị Nguyễn Cư Trinh, thường được gọi là khu tứ giác Mã Lạng cũng trong tình trạng quy hoạch treo hơn 10 năm qua.
Khu Mã Lạng được xem là khu đất vàng bởi nó bao quanh bởi bốn tuyến đường gồm Nguyễn Trãi-Trần Đình Xu-Nguyễn Cư Trinh-Cống Quỳnh ở quận 1. Dự án này phải giải tỏa hoàn toàn 1.424 căn nhà và khoảng 10.000 người. Tuy nhiên hơn 10 năm qua, người dân ở khu vực này phải sống trong thấp thỏm vì không biết đến bao giờ dự án mới triển khai.
Tại Hà Nội, dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm Công viên Chu Văn An ở quận Hoàng Mai do Bitexco làm chủ đầu tư cũng đã bị Thanh tra Chính phủ nêu ra hàng loạt sai phạm hồi giữa năm 2017. Trong đó, việc thẩm định, phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác, đã làm tăng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công cũng chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền gần 16 tỷ đồng….
Còn tại Huế, Bitexco cũng dính đến hàng loạt khu đất vàng mà công ty này được ưu ái bán rẻ không qua đấu giá. Sau khi có đất, Bitexco không triển khai dự án mà bán ngay cho doanh nghiệp nước ngoài ăn tiền chênh lệch.
Cần tìm nhà đầu tư đủ năng lực
Đến đầu tháng 8/2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã giao Sở Kế hoạch Đầu tư căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 2297-TB/TƯ ngày 4/5/2018 tham mưu, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa.
Động thái này nhằm chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô lớn, phức tạp để đảm bảo tính khả thi, triển khai nhanh dự án. Tuy nhiên, người dân ở Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa vẫn đau đáu câu hỏi, sẽ còn chờ đến bao giờ.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Trần Minh Hoàng -Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, áp dụng cơ chế đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thì dự án sẽ kéo dài thời gian. Tuy nhiên, đây lại là con đường duy nhất để dự án này được triển khai, tránh gây bức xúc và ảnh hưởng cuộc sống các hộ dân sau khi Bitexco được chỉ định thầu nhưng không đủ năng lực.
“Thanh Đa được đánh giá là một nơi rất tiềm năng, thích hợp cả về vị trí địa lý lẫn những điều kiện kinh tế xã hội để phát triển khu đô thị sinh thái. Thanh Đa chỉ cách trung tâm TP.HCM 5km nhưng vẫn bị treo trong khi những vùng khác như quận 9 xa hơn nhưng lại phát triển. Vấn đề ở đây là khâu quy hoạch, quy mô dự án đòi hỏi quá lớn nhưng chưa tìm ra chủ đầu tư có đủ nguồn lực để thực hiện”, ông Hoàng nói.
Chuyên gia kinh tế này cho biết thêm, quy hoạch dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa đã được lập hơn chục năm qua. Hiện tại, quy hoạch này đã không còn đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.HCM. Do đó, cần xây dựng sự hài hòa giữa các công trình hạ tầng, công trình kinh doanh vừa đáp ứng yêu cầu, bảo đảm tính chất khu đô thị sinh thái vừa có sự chung tay tham gia của người dân.
Phạm Phù Cát (tổng hợp từ Tin Tức 24h, Lao Động, Zing, Vietnambiz, Thanh Niên)