Về trang chủ Xã hội Pháp luật Không để tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm hoành hành

Không để tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm hoành hành

Ngành chăn nuôi tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho 6 triệu hộ nông dân. Do vậy, không thể để tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm hoành hành.
Toàn cảnh cuộc họp – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 17/10.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm trong 9 tháng năm 2023 có chiều hướng gia tăng với 131 vụ được phát hiện.

Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn phát hiện 31 vụ với 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt; 8.532 kg/sản phẩm động vật. Tỉnh Quảng Ninh phát hiện 41 vụ với 14.795 gia cầm giống, 27.900 quả trứng giống, 16.695 kg/sản phẩm động vật. Tỉnh Cao Bằng phát hiện 59 vụ với 39.000 gia cầm giống, 347 gia súc, 16.012 quả trứng giống, 31.351 kg/sản phẩm động vật

Tỉnh Long An phát hiện 5 vụ, tiêu hủy 68 con lợn, 26 con bò. Tỉnh An Giang phát hiện 5 vụ với 35 con gia cầm, 97 con gia súc.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký 2 công điện về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Cục Thú y cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương cùng vào cuộc chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép.

Về phía địa phương, ông Minh kiến nghị tổ chức chỉ đạo thống kê đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết hợp thức hóa nguồn gốc động vật nhập lậu qua biên giới; phối hợp với cơ quan quản lý thú y địa phương truy xuất nguồn gốc động vật để thực hiện kiểm dịch vận chuyển.

Các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ gà giống nhập lậu – Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Việc kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm là nhiệm vụ quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, đến vấn đề an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quy mô của ngành chăn nuôi Việt Nam ngày càng lớn, 9 tháng năm 2023, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 90.600 tấn, tăng 0,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 373.400 tấn, tăng 2,4%; sản lượng sữa bò tươi 9 tháng ước đạt 892,5 triệu lít, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9/2023 tăng khoảng 4,2%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 3,6 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng đàn và sản lượng gia cầm 9 tháng tiếp tục tăng với 552 triệu con, giết mổ 2 tỷ con; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất ước đạt 1,73 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm ước đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

“Ngành chăn nuôi tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho 6 triệu hộ nông dân. Do vậy, không thể để cho tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm hoành hành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm, cần phát triển ngành công nghiệp giống, bởi giống quyết định năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi; thúc đẩy chế biến và chế biến sâu, chú trọng bảo vệ môi trường.

“Một ngành chiếm 26,7% tổng giá trị, đóng vai trò nòng cốt cho tăng trưởng ngành nông nghiệp nhưng mấy năm nay, doanh nghiệp, người chăn nuôi thua lỗ nghiêm trọng, nhiều người phá sản, chăn nuôi “ăn” hết sổ đỏ. Dẫn đến điều này, có một phần tác động của tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Đó là chưa kể bao công sức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu đang vào đà tăng trưởng có thể ‘đổ sông đổ biển’ nếu không kiểm soát tốt tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm. Nhập lậu gia súc, gia cầm không chỉ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh mà còn tác động đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam”, Thứ trưởng nói.

Từ thực tế đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các ngành chức năng, các đơn vị của Bộ thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

“Các đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chứ không phải biết rồi bỏ đấy; phải làm đến nơi đến chốn; phải có quy chế phối hợp cụ thể, rõ ràng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo Đỗ Hương/Báo Điện tử Chính Phủ

Có thể bạn quan tâm