Những tưởng sẽ ăn năn hối lỗi khi biết bao lần mắng, đánh chửi rồi tự nhủ lòng, đó là máu mủ ruột rà của mình nhưng dì Tư (NSƯT Hạnh Thúy) mỗi lần nóng giận còn đánh chị em Thương thậm tệ hơn.
Vừa hối lỗi, dì Tư đánh cháu thậm tệ hơn
Nhớ bị ốm, Thương nghĩ đến ngày xưa mẹ vẫn hay cạo gió để em nhanh khỏi nên cậy nhờ dì Tư nhưng nào ngờ người, bao nỗi bực dọc đều trút lên cô bé mồ côi tội nghiệp. Yếu hèn nhất nhà nên Nhớ luôn là trung tâm chịu đòn roi của dì Tư vì chưa một lần biết phản kháng. Vừa trông em vừa làm nhưng để em quấy khóc, ngủ gục vì quá mệt khi nấu cơm khiến cơm cháy, đi chăn vịt để lạc mất vịt… tất cả đều quá đủ lí do để dì Tư trút những trận đòn roi lên cô bé.
Khi bắt cả 3 chị em phải chịu dầm mưa, nhịn đói ngoài đồng chăn vịt, trước bàn thờ anh chị Hai, dì Tư cho rằng vì khổ quá, nóng tính nên sinh cay nghiệt với các cháu dù vẫn hết lòng thương. Và, những trận đòn roi cũng được giải thích bởi: “Trong nhà đánh nó còn hơn để người dưng đánh”.
Nhưng, nguyên nhân sâu xa của cái nghèo – cái khổ của dì Tư cũng chỉ vì đam mê bài bạc. Trong khi Thương đi bán xôi vất vả từ sáng, đến khuya mới về được bao nhiêu tiền dì Tư sẵn sàng chạy theo bạn bè đi ngồi chơi tứ sắc, rồi đề đóm. Trong khi Thương lúc rảnh đi mò cua, bắt ốc còn Nhớ và Lắm phải đi chăn vịt thì dì Tư chỉ quanh quẩn với những con số.
Nói thương cháu là vậy nhưng dì Tư luôn là người vô duyên, vô cớ đánh đám nhỏ mà không cần biết lý do là gì. Khi Lắm bắt được con vịt lạc đàn và bàn với Nhớ đem bán lấy tiền mua kẹo thì bị dì Tư bắt gặp. Khỏi phải nói, trận mưa đòn roi trút xuống khiến má của Nhớ còn bật máu dù Lắm ra sức đỡ đòn cho chị. Nhớ, vừa đau vừa sợ đã chạy trốn dưới mưa, ra mộ mẹ nằm khóc lóc vô cùng thảm thương và xin mẹ cho đi cùng. Nhưng, khi ở nhà phát hiện con vịt không phải của gia đình mình, lúc đó dì Tư tự trách mình đã ra tay quá nặng với đám nhỏ. Dì tự tay thịt vịt, nấu nồi cháo cho chị em Thương như là cách bù đắp lỗi lầm nhưng nhất quyết không chịu xuống nước xin lỗi.
Khi Thương và Lắm đi tìm Nhớ, cô nhớ lại chuyện năm xưa Thiệt bị thất lạc. Chuyện xảy ra khi Thương đưa em đi chợ, lúc đó được dì Tư sai vào mua bông nhưng khi về Thiệt đã mất tích. Hành động giấu vội nắm tiền vào túi và nhất quyết đổ lỗi cho Thương của dì Tư đầy mờ ám. Về nhà, khi đứng trước mặt mẹ Thương dì Tư cũng đổ hết trách nhiệm lên đầu Thương mải chơi, không trông em nên em bị thất lạc. Ngọn nguồn sự việc này, có lẽ thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất.
Bộ phim cũng chuyển bối cảnh 16 năm sau khi Lắm đã trở thành thanh niên khỏe mạnh, có thể đi làm thuê phụ giúp chị hai Thương. Nhưng, Lắm vẫn nóng tính sẵn sàng lao vào ẩu đả khi bị chêu trọc và xin nghỉ làm ngay mà không cần biết. Thương, vẫn dịu dàng và nhẹ nhàng khuyên em trai kiềm nóng giận. Bộ phim cũng mở ra chi tiết về anh hàng xóm Chơn – sống với bà nội và đem lòng cảm mến Thương mà chưa dám nói ra.
Dàn diễn viên lớn chịu nhiều áp lực
3 tập đầu tiên của Thương con cá rô đồng, 5 chị em nhà Thương đã có phần thể hiện vô cùng xuất sắc. Dầm mưa, quay đêm, chịu cảnh đòn roi… các diễn viên nhí dường như diễn như không diễn khi bộc lộ rất tốt số phận, cảm xúc. Chính đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đã phải cảm ơn vì sự lăn xả, nhiệt tình của các diễn viên nhí.
Tại buổi họp báo ra mắt bộ phim, Lê Phương cho biết “được làm với các em tiếp cho tôi nhiều năng lượng, được níu theo”. Cô cũng thừa nhận khá áp lực vì dàn diễn viên nhí trong phim diễn rất tốt và mình phải phát huy điều đó ở các nhân vật trưởng thành.
Ở bối cảnh 16 năm sau, trong tập 3 chỉ mới có sự xuất hiện của Lê Phương trong vai Thương, Quang Thái vai Lắm và Thanh Thức với vai Chơn.
Quang Thái chia sẻ, điều anh thích nhất ở bộ phim là tính đời, sự gần gũi với câu chuyện gia đình cảm động. Anh cũng rất tâm đắc với nhân vật của mình và hé lộ, Lắm ở trưởng thành khóc cọc cằn, cục tính, ai làm gì cũng cãi. Dù vẫn hết lòng thương chị Hai Thương nhưng vì bản tính đó khiến anh mang đến không ít rắc rối.
Đối với Thanh Thức, những hé lộ đầu tiên về gia cảnh, hứa hẹn đây sẽ là vai diễn rất nặng về tâm lý và cảm xúc. Chính anh thừa nhận, chưa phim nào mình xúc động và phải khóc nhiều đến thế. Thậm chí, có những cảnh quay bị hư nhưng anh thậm chí không dám xin quay lại vì sợ và quá áp lực, nhất là với một đạo diễn kĩ tính như Hoàng Tuấn Cường.
Ngoài diễn xuất của diễn viên và câu chuyện thương tâm, Thương con cá rô đồng còn khiến khán giả thổn thức với bản nhạc phim day dứt. Ca khúc do chính Lê Phương thể hiện và cô, còn tham gia sửa lời để phù hợp với nội dung phim. Dù không phải ca sĩ chuyên nghiệp, lại gặp ca khúc khó nhưng Lê Phương tin cảm xúc của mình phần nào sẽ át được những kỹ thuật của ca khúc.
Thương con cá rô đồng hiện đang phát sóng lúc 14g thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3.
Gia Huy (Theo TTV)