Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Chính phủ và các bộ, ngành, đã ban hành các chính sách tài khóa, giúp đa dạng hóa nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế việc tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn… đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn của các bên liên quan…
Theo số liệu của Bộ Công Thương, việc thực thi các FTA thời gian qua đã đạt một số kết quả rất tích cực. Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt hơn 104 tỷ USD và thặng dư ở mức 11 tỷ USD, kim ngạch thương mại với Liên minh châu Âu (EU) đạt 62,24 tỷ USD và thặng dư trên 31 tỷ USD.
Loay hoay tìm vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu FTA
Năm 2023, do bối cảnh kinh tế, địa chính trị trên thế giới có rất nhiều khó khăn, sức mua của người tiêu dùng trên thế giới suy giảm, nhưng chúng ta cũng vẫn ghi nhận được những kết quả tích cực nhất định. Với thị trường CPTPP, kim ngạch thương mại trong 8 tháng năm 2023 đạt 63 tỷ USD và thặng dư 3,3 tỷ USD; EU là 38,5 tỷ USD và thặng dư 9,5 tỷ USD…
Tuy nhiên, tại tọa đàm “Giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA” mới đây, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng quá trình tận dụng FTA vừa qua còn rất nhiều vấn đề tồn tại.
Đó là tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường FTA còn khiêm tốn, năm 2022, tỷ trọng của xuất khẩu sang EU trong tổng xuất khẩu chung chỉ đạt khoảng 12%. Bên cạnh đó, tỷ lệ tận dụng FTA tại các thị trường đối tác FTA của Việt Nam cũng chưa đạt được kỳ vọng. EU là một thị trường mà chúng ta đánh giá rằng tỷ lệ tận dụng tương đối cao cũng chỉ đạt ở mức khoảng 26%.
Một trong những nguyên nhân chính là việc tiếp cận các nguồn vốn và nguồn tài chính của doanh nghiệp còn vướng mắc. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022, có đến 55,6% doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Tổ chức quốc tế IFC cũng đánh giá, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó và không thể tiếp cận được vấn đề tài chính.
Số liệu về tình hình tiếp cận ngân hàng và các tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cũng cho thấy vấn đề này. Năm 2017 tỷ lệ các doanh nghiệp có khoản vay từ ngân hàng và tổ chức tín dụng là 49,4%; năm 2018 và 2019 con số này là 45% và 43%. Đến năm 2020 khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện thì tỷ lệ này lại giảm tiếp đi, chỉ còn 42,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp có các khoản vay này vào năm 2021 là 35,4% thì đến năm 2022 chỉ còn 17,8%.
“Như vậy, tất cả những con số này chứng minh rằng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam vô cùng khó, và đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ thì khó khăn đó còn nhân lên gấp bội”, bà Phương nhận định.
Đồng thời, bà Phương cho biết trong khi đó, nguồn vốn tín dụng là thiết yếu và then chốt với doanh nghiệp để chuyển đổi công nghệ sản xuất, đầu tư đáp ứng những tiêu chuẩn phát triển bền vững của thị trường FTA để tận dụng các FTA này tốt hơn.
Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân – Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi đến Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2022 cũng cho thấy khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn. Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng: “Việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất”.
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực thi Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA cũng chỉ ra một trong những hạn chế khi triển khai các FTA, đó là nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng tạo ra các sản phẩm tốt, chất lượng, có mong muốn xây dựng thương hiệu Việt nhưng thiếu nguồn vốn thực hiện.
Các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan với các ngân hàng thương mại chưa hiệu quả nên chưa tạo nguồn tài chính phù hợp cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA.
Thiết kế chính sách tín dụng phù hợp
Để có thể nâng cao khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là trong quá trình các doanh nghiệp thực thi các FTA, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trước hết phải từ doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải định vị mình trước, phải cơ cấu lại, xác định được nguồn lực của mình có bao nhiêu và mình muốn đầu tư như thế nào, công nghệ nào để đảm bảo tăng trưởng xanh… Từ đó, xác định nguồn vốn huy động có thể từ thị trường vốn, từ các tổ chức quốc tế hay tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các địa phương mở rộng, đẩy mạnh cho việc phát triển quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này đồng hành cùng với ngân hàng để bảo lãnh cho doanh nghiệp khó khăn, thiếu điều kiện vay vốn được tiếp cận vốn tín dụng.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết vừa qua Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực thi các FTA thế hệ mới năm 2022. Một trong số những kiến nghị là giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng những biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn tín dụng để tận dụng các FTA tốt hơn. Trong đó, đặc biệt lưu ý hơn đến những doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực để phát triển bền vững…