Về trang chủ Kinh doanh Khó tìm doanh nghiệp vay vốn

Khó tìm doanh nghiệp vay vốn

Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì ngày 24/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, bên cạnh câu chuyện về khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với ngân hàng, còn có một câu chuyện khác là “các ngân hàng đang đỏ mắt tìm doanh nghiệp để cho vay”.
Không dám vay vì sợ kinh doanh thua lỗ

Ngày 24/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và một số ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất. Tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mức tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân là cầu tín dụng giảm, sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế khó khăn khi 3 động lực tăng trưởng suy yếu; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Có doanh nghiệp không muốn vay vốn vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, ngân hàng nào cũng muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân. “Chẳng có ngân hàng nào muốn giữ tiền trong két. Bởi nếu khư khư ôm vốn thì ngân hàng cũng khó mà sống khỏe”, ông Chi nói.

Thực tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho hay, hiện nay có nhóm doanh nghiệp không dám vay vì sợ kinh doanh thua lỗ. Có nhóm doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn, nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn. Còn lại là nhóm không thể vay vốn, đây là nhóm đông nhất, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu điều kiện vay vốn…

Do đó ông Phương kiến nghị hệ thống ngân hàng xem xét, nghiên cứu để có giải pháp phù hợp. “Hiện nay, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Phương nêu ý kiến.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Ngân hàng và doanh nghiệp “phải đi chung con đường”. Tuy nhiên, ngân hàng là định chế đặc biệt quan trọng, nên phải đảm bảo an toàn cho hệ thống; việc điều hành thị trường tiền tệ cũng phải tuân thủ các quy luật của thị trường…

Với định hướng đó, ông Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát các quy định, thủ tục; nếu thuộc về chủ quan thì tháo gỡ ngay để phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về điều hành lãi suất, đánh giá cao việc các ngân hàng đã có những động thái tích cực, hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp hạ lãi suất cho vay, Phó Thủ tướng đề nghị NHNN và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

NHNN căn cứ vào nghị quyết của Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp. Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý đồng bộ cho các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, đảm bảo nhiệm vụ ổn định giá trị đồng tiền, kinh tế vĩ mô, tỷ giá và an toàn hệ thống ngân hàng thương mại.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý NHNN và các bộ, ngành “phải phản ứng chính sách nhanh hơn”, thông tin kịp thời để dư luận hiểu, đồng thuận trong quá trình chỉ đạo thực hiện các chính sách tiền tệ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Báo Tiền Phong

Có thể bạn quan tâm