Để qua mặt cơ quan chức năng, nhiều thẩm mỹ viện lớn cùng “xài ké” giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề… Đã vậy những cơ sở này hoạt động một cách công khai, quảng cáo rầm rộ.
“Ma trận” thẩm mỹ viện bủa vây khách hàng
Phẫu thuật thẩm mỹ là một ngành kinh doanh có điều kiện. Ngoài việc đăng ký kinh doanh, các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được phép hoạt động khi được Sở Y tế các tỉnh/thành phố thẩm định (điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ…) và cấp phép hoạt động. Ngoài ra, Sở Y tế không cấp tên thẩm mỹ viện, mà chỉ cấp giấy phép cho phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Các cơ sở thẩm mỹ phải công khai số giấy phép hoạt động, giấy phép hành nghề, tên bác sĩ, thời gian hoạt động… đồng thời, phải niêm yết các hoạt động, bảng giá trong phạm vi được cấp phép.
Quy định pháp luật là vậy, tuy nhiên vì nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn, lợi nhuận cao nên nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ viện, trung tâm thẩm mỹ, viện phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa. Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã thanh tra, rà soát thì phát hiện nhiều cơ sở hoạt động “chui”, hoạt động không phép hay thực hiện không đúng chức năng chuyên môn được cấp phép, giới thiệu quảng cáo những dịch vụ thẩm mỹ không có trong giấy phép… và khách hàng sẽ lãnh đủ nếu đến sử dụng dịch vụ tại đây.
Ngoài ra, để được nhiều chị em biết đến, các cơ sở này đã chi rất mạnh tay cho khâu quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng; các bác sĩ được tung hô như những “bậc thầy làm đẹp” có khả năng biến hóa xấu thành đẹp. Ngoài ra, các thẩm mỹ viện này rất chú trọng đầu tư, bảng hiệu được trang trí bắt mắt từ cửa ra vào đến quầy lễ tân. Họ sử dụng nhiều hình ảnh quảng cáo của những người nổi tiếng với làn da sáng trắng, đường cong quyến rũ, vẻ đẹp hoàn mỹ… nhằm thu hút khách hàng.
Thậm chí, để xây dựng lòng tin với quý khách hàng, nhiều thẩm mỹ viện dùng chiêu trò thuê các chuyên gia nước ngoài có tiếng nhưng không rõ lai lịch để tổ chức một vài buổi hội thảo hay ngày hội tư vấn, chăm sóc sắc đẹp nhằm lấy le với khách hàng.
“Xài ké” giấy phép hay bị lợi dụng ?
Các cơ sở hoạt động thẩm mỹ trên thực tế theo quy định có hai loại hình cơ sở là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Hai cơ sở này muốn hoạt động được theo đúng quy định của pháp luật thì phải xin được giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của TTV đã phát hiện có ít nhất 4 thẩm mỹ viện lớn, hoàn toàn khác nhau gồm Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á, TMV Hoa Vy, TMV Americare Clinic, TMV Sài Gòn Venus cùng dùng chung Giấy phép hoạt động QĐ 238/BYT – GPHĐ – Bộ Y tế, Chứng chỉ hành nghề 00378/BP-CCHN.
Trong đó, Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á có 7 cơ sở: 218 Nguyễn Trãi, Phường 3, Q5; 212 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội và 69A, đường 3-2, Q.10, TP.HCM và một số chi nhánh ở Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ… ; website http:// https://benhvienthammydonga.vn/
Viện thẩm mỹ Sài Gòn tại số 23 Nguyễn Đình Chiểu, Q1, TPHCM; 13 Lê Thánh Tông, Hoa Quả Sơn, Đà Nẵng; 20 Nguyễn Thị Định, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương; PG1-15 Vincom, đường 30/4, phường 1, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp; website http:// https://vienthammysaigon.vn/
Thẩm mỹ viện Hoa Vy gồm 3 cơ sở tại Hải Phòng; Số 17B Hoàng Long, Bạch Đằng, Hạ Long, Quảng Ninh; Số 99 Đường Nguyễn Thị Thập, P. Tân Phú, Q7, TPHCM website https://thammyhoavy.vn/
Viện thẩm mỹ Americare Clinic có 2 chi nhánh tại TPHCM; 130 Đường 3 tháng 2, P. 12, Quận 10 và 24/1 Võ Oanh (D3 cũ), P. 25, Q. Bình Thạnh website https://americareclinic.com/. Những thẩm mỹ viện này đều dùng chung giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề, trong khi đây là những thẩm mỹ viện lớn, có nhiều chi nhánh khắp cả nước.
Ngày 2/4/2021, phóng viên Tạp chí TTV đã liên hệ với Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á để tìm hiểu về vấn đề trên. Một nhân viên bệnh viện ghi nhận phản ánh của phóng viên, nhân viên này cho biết sẽ báo cáo với ban giám đốc và liên hệ lại trong thời gian sớm nhất vì vấn đề này ảnh hưởng đến uy tín của Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á.
Đến khoảng 17h cùng ngày, PV nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ tên là P. (số điện thoại 0903705…), tự xưng là người thuộc bộ phận đối ngoại của Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á trao đổi về vấn đề mà TTV liên hệ trước đó. Người phụ nữ tên P. cho rằng, Giấy phép hoạt động QĐ 238/BYT – GPHĐ – Bộ Y tế, Chứng chỉ hành nghề 00378/BP-CCHN đều là do cơ quan chức năng cấp cho Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á.
Tuy nhiên, người phụ nữ tên P. này cũng cho biết thêm: “Covid-19 vừa xong bây giờ lo chạy để làm, khách bây giờ chủ yếu là Việt kiều cho nên thực sự rất khó khăn. Vì vậy mọi người cứ lao vô để làm quy trình hoạt động để khôi phục lại. Trong lúc này, bệnh viện của chị chỉ tập trung làm tốt cái việc của mình, bây giờ mà đi tìm hiểu ai cạnh tranh với mình, ai giả mạo chuyện đó thực sự bệnh viện chị trong giai đoạn này chưa quan tâm đến mấy chuyện đó…”.
Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên, Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á có một chi nhánh tại Đường 3 tháng 2, P.12, Q.10 nằm sát bên Viện thẩm mỹ Americare Clinic (số 130 Đường 3 tháng 2) – đơn vị “dùng chung” giấy phép hoạt động QĐ 238/BYT – GPHĐ – Bộ Y tế, chứng chỉ hành nghề 00378/BP-CCHN khoảng cách 350m nhưng không hề hay biết ?!
Bệnh viện Thẩm mỹ Đông Á đã cho phép các cơ sở trên “xài ké” giấy phép hoạt động hay bị các cơ sở trên sử dụng trái phép giấy phép của mình ? TTV sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.
Theo TTV