Nàng thơm Chợ Đào – loại lúa nổi tiếng của tỉnh Long An nói riêng và Việt Nam nói chung nhờ độ thơm ngon, đã được phục tráng giống thành công. Tuy nhiên, chất lượng gạo được sản xuất từ giống lúa đã phục tráng vẫn không như xưa. Vì sao?
Để khôi phục và duy trì chất lượng của giống nàng thơm Chợ Đào, ông Nguyễn Hồng Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có đề tài cấp nhà nước. Trong đó, trường Đại học Cần Thơ cũng đã hoàn thành việc phục tráng giống (áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao trở lại sức sống của hạt giống, cây giống, khắc phục hiện tượng giống thoái hoá, lẫn tạp, năng suất và phẩm chất giảm sút – PV) thông qua đề án khai thác và phát triển nguồn gen giống lúa nàng thơm Chợ Đào.
Tìm về với nguyên bản, nhưng “chất” vẫn không như xưa
Giống nàng thơm Chợ Đào phục tráng đã được nông dân xã Mỹ Lệ đưa vào sản xuất vụ thứ hai (vụ đầu tiên vào năm 2021). Kết quả, dù chất lượng sản phẩm đã được nâng lên, nhưng những người trong cuộc khẳng định vẫn không thơm ngon như xưa.
Trao đổi với KTSG Online, ông Hồ Duy Tông, một hộ nông dân đã nhiều năm gắn bó với cây lúa nàng thơm Chợ Đào, ngụ ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước nói: “Nếu ngày xưa, nàng thơm Chợ Đào thơm ngon 10, thì giống phục tráng hiện nay cũng chỉ được 5 thôi”, ông nói.
Câu hỏi được đặt ra, vì sao nguồn giống đã phục tráng về với nguyên bản, nhưng chất lượng gạo vẫn không được như xưa?
Ông Phan Văn Sánh (Bảy Sánh), ngụ ấp 2 Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, chủ đại lý gạo Bảy Sánh- đơn vị đã bao tiêu toàn bộ diện tích sản xuất lúa nàng thơm Chợ Đào ở xã Mỹ Lệ- cho biết, do đây là giống lúa mùa, rất ít bị sâu, bệnh hại nên từ khi gieo sạ hoặc cấy (đầu tháng 7 âm lịch hàng năm) đến khi thu hoạch, nông dân không cần phải phun xịt thuốc. Thế nhưng, trong giai đoạn lúa làm đòng, hiện nông dân đã sử dụng phân bón để rước đòng nhằm giúp cho hạt lúa no tròn, đẹp.
Tuy nhiên, quy trình canh tác lúa nàng thơm Chợ Đào trước đây, thì người nông dân hoàn toàn không sử dụng phân bón, kể cả bón rước đòng. “Có thể vì thế mà chất lượng gạo trước đây ngon hơn bây giờ”, ông Sánh nói.
Theo người dân ở xã Mỹ Lệ, việc đưa phân hoá học vào sản xuất đã giúp giống lúa mùa nàng thơm Chợ Đào đạt năng suất xuất 4-4,5 tấn, thậm chí đạt 5 tấn/héc ta so với mức chỉ 3-3,5 tấn/tấn như trước đây. Tuy nhiên, điều này đã khiến chất lượng gạo nàng thơm Chợ Đào giảm đi.
Ông Hồ Duy Tông thì cho biết, thời điểm trước năm 1975, vùng đất Mỹ Lệ khi đó chưa bị đê bao khép kín, gạo nàng thơm Chợ Đào thơm ngon, mềm dẻo. Còn bây giờ, sau nhiều năm bị đê bao, chất lượng giảm đi khoảng giảm hơn 50%. “Hạt gạo trước đây khi nấu thành cơm, để cả ngày vẫn giữ được độ mềm dẻo, thơm ngon, nhưng bây giờ để lâu mất hết mùi thơm, cơm khô cứng hơn”, ông nói.
Muốn biết lý do tại sao cần phải có nghiên cứu khoa học, nhưng theo kinh nghiệm của ông Tông, việc đê bao khép kín nên đất mất đi chất phù sa, vi lượng và khoáng chất hay nói cách khác điều kiện cho sản xuất đã thay đổi, cho nên, dù giống đã được phục tráng về nguyên bản nhưng sản phẩm làm ra vẫn không thơm ngon như xưa.
Theo ông Chương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước, ngày xưa đa phần là các giống lúa khô cơm, không thơm nên người dân có cảm nhận gạo nàng thơm Chợ Đào rất thơm ngon. “Trong khi đó, hiện nay có rất nhiều giống thơm ngon khác nên cũng có thể là một trong những lý do khiến người dân cảm nhận gạo nàng thơm Chợ Đào không còn ngon nữa”, ông Chương cho biết.
Bài toán đặt ra cho chất lượng tài nguyên đất
Ông Nguyễn Hồng Chương cho biết, tổng diện tích sản xuất lúa nàng thơm Chợ Đào hàng năm của địa phương đạt khoảng 300 héc ta với sản lượng lúa cung cấp ra thị trường khoảng trên 1.000 tấn, tương đương có khoảng 600 tấn gạo cung cấp ra thị trường mỗi năm.
Theo ông, các ngành chức năng của địa phương cũng đã quy hoạch vùng chuyên sản xuất giống lúa nàng thơm Chợ Đào với tổng diện tích 200 héc ta. “Tinh thần là huyện duy trì quy hoạch diện tích này để làm lúa nàng thơm Chợ Đào, hạn chế các quy hoạch khác chồng lên”, ông Chương nói.
Vậy câu hỏi được đặt ra, đó là làm sao để lấy lại danh tiếng như xưa của loại gạo từng được “tiến vua” này?
TS Lê Văn Bảnh, Cựu Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh, lúa nàng thơm Chợ Đào đã phục tráng đúng mức, thì chắc chắn sẽ đảm bảo chất lượng, cả về độ thơm ngon như xưa. “Nhưng, vấn đề tại sao nàng thơm Chợ Đào chỉ có vùng đất Mỹ Lệ sản xuất mới ngon, nếu trồng chỗ khác nó không ngon?’, ông nêu câu hỏi và giải thích, chính các thành phần vi lượng, khoáng chất tại vùng đất này đã góp phần tạo nên độ thơm ngon của gạo nàng thơm Chợ Đào
Theo ông, vấn đề cơ bản nhất, đó là sau nhiều năm bị đê bao khép kín, vùng đất xã Mỹ Lệ có thể đã bị biến đổi, các chất vi lượng và khoáng chất trong đất đã bị mất đi.
Câu chuyện này cũng giống như lúa ST, gạo đạt chất lượng tốt nhất khi trồng ở vùng đất lúa- tôm bị nhiễm mặn ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. “Lúa ST đem trồng ở Đồng Tháp, An Giang gạo ăn không có ngon”, ông Bảnh nói.
Chính vì vậy, vị cựu Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất cần nghiên cứu, kiểm tra lại vùng đất ở xã Mỹ Lệ. “Phải kiểm tra lại nguồn gốc thổ nhưỡng của vùng đó xem có còn phù hợp hay không, chứ còn phục tráng giống rất dễ trong chuyên môn”, ông gợi ý.
Theo ông Bảnh, trên cơ sở kết quả nghiên cứu thổ nhưỡng vùng đất xã Mỹ Lệ mới có thể đưa ra hướng xử lý phù hợp hoặc khuyến cáo người nông dân hướng đi mới nhằm gia tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Theo Tạp Chí Kinh Tế Sài Gòn